Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải quyết nhanh vướng mắc đất đai, giáo dục - đào tạo

09:08, 06/08/2018

Ngày 6-8, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh đã họp về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong 7 tháng và đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho những tháng cuối năm.

Ngày 6-8, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh đã họp về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong 7 tháng và đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho những tháng cuối năm. Những vấn đề “nóng” được trao đổi nhiều tại cuộc họp là: đất đai, thu ngân sách, thu hút đầu tư, giáo dục - đào tạo, cá chết ở làng bè La Ngà...

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: K.MINH
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: K.MINH

Trong 7 tháng của năm 2018, tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định và giữ được mức tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 8,4% so với cùng kỳ năm trước; bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt gần 93,5 ngàn tỷ đồng, tăng gần 12%; xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn giữ mức tăng trưởng cao; an ninh - quốc phòng được đảm bảo.

* Thẳng tay với vi phạm đất đai

Tại cuộc họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường chỉ đạo Sở Tài nguyên - môi trường phải đối chiếu quy hoạch sử dụng đất trước năm 2016 và sau năm 2016 xem việc chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất ở như thế nào để có biện pháp quản lý đất đai tốt hơn. Chú ý hơn trong quản lý đất rừng vì tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng khá nhiều. Đồng thời rà lại tiền thuế đất còn nợ và có biện pháp thu để tăng thu ngân sách.

Dù các ngành chức năng và địa phương đã vào cuộc nhưng tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, không có dự án tại Đồng Nai nhưng vẫn rao bán đất nền lừa người dân vẫn còn xảy ra. Những địa phương diễn ra tình trạng “nóng” về đất đai là: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và Biên Hòa. Đặc biệt là trên địa bàn huyện Long Thành, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (TP.Hồ Chí Minh) không có một dự án nào nhưng liên tục rao bán hàng loạt đất nền các dự án tại đây. Nhiều người dân cả tin đã bị lừa mua theo hình thức ký hợp đồng góp vốn đầu tư dự án nên rất khó xử lý.

Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đặng Minh Đức cho hay: “Sở và Thanh tra tỉnh đang tiến hành kiểm tra tại những địa phương đang “nóng” về tình trạng mua bán đất và bước đầu đã có kết quả. Để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp nhiều là do các phường, xã chưa quản lý chặt nên các đối tượng lợi dụng san lấp đất nông nghiệp rồi sang nhượng theo hình thức làm vi bằng và để nhiều người cùng sở hữu trên mảnh đất. Sở đang tổng hợp và kiến nghị những giải pháp xử lý”.

Về vấn đề này, đại diện một số địa phương cho biết, dù quản lý chặt nhưng các đối tượng phân lô, bán nền đất nông nghiệp thường lợi dụng ban đêm, ngày nghỉ ủi đất làm đường, chôn cột điện rất khó xử lý.

Không đồng tình với những ý kiến đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh chủ tịch UBND các phường, xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp. “Việc phân lô bán nền đất nông nghiệp thường rơi vào một vài nhóm người; các huyện, TP.Biên Hòa nên cử lực lượng công an theo dõi để phát hiện, xử lý thật nghiêm sẽ dẹp được tận gốc. Nếu phát hiện trường hợp đất nông nghiệp diện tích nhỏ mà chuyển nhượng cho vài người cùng đứng tên phải rà soát, xử lý ngay vì đây là kiểu biến tướng phân lô, bán nền đất nông nghiệp” - Phó chủ tịch Trần Văn Vĩnh nói.

Liên quan đến vụ Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, UBND tỉnh chỉ đạo huyện Long Thành xử lý vụ việc dứt điểm, không để công ty này tiếp tục lừa đảo người dân.

* Xử lý nhanh những vướng mắc

Liên quan đến vấn đề cá bè gần cầu La Ngà (huyện Định Quán) bị chết hàng loạt, người dân đang mong muốn được hỗ trợ, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên cho biết: “Địa phương đang vướng trong việc xác nhận hộ nuôi cá để hỗ trợ. Do nhiều hộ nuôi tự phát nên không đủ thủ tục hỗ trợ, huyện đề xuất tỉnh hướng giải quyết để bà con bớt khó khăn”.

Theo Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn, lâu nay việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do thiên tai thường kéo dài, UBND tỉnh nên xem xét nhanh chóng hỗ trợ cho người dân và có giải pháp trong quản lý để không xảy tình trạng này nữa.

Trong khi đó, ngành giáo dục đang gặp khó khăn trong công tác giảm biên chế, nhiều khu vực lớp học còn khá đông. Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang đưa ra giải pháp: “Toàn tỉnh đang dư 551 biên chế ngành giáo dục, trong đó 217 biên chế do cấp huyện tuyển sẽ giữ nguyên và giảm dần biên chế những năm tiếp theo. Còn 334 biên chế chưa tuyển sẽ thu hồi không tuyển nữa”.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh lại cho rằng việc giảm biên chế phải rà soát kỹ nên giảm ở những khâu gián tiếp hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên nhu cầu không còn nhiều. Tránh giảm biên chế giáo viên dẫn đến việc dồn học sinh làm số lượng các lớp quá đông ảnh hưởng đến chất lượng học và đào tạo.

Thu ngân sách địa phương đến hết ngày 31-7 được gần 6.500 tỷ đồng, đạt 42% so với dự toán. Năm nay tình hình thu ngân sách gặp khó khăn là do công tác thanh tra, kiểm tra, thu nợ chủ yếu giải quyết những tồn đọng năm trước chuyển qua, các doanh nghiệp viễn thông tái cơ cấu chưa phát sinh thuế giá trị gia tăng, các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực thuế xuất, nhập khẩu giảm về 0%... ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách trên địa bàn. “Ngành tài chính đang cùng một số sở, ngành, địa phương rà soát lại để tìm cách tăng thu cho ngân sách địa phương nhằm đạt dự toán của năm” - Giám đốc Sở Tài chính Huỳnh Thanh Bình cho hay.

Cũng tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đề nghị sau khi cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài, Sở Kế hoạch - đầu tư cần chú ý đến khâu hậu kiểm các dự án để tránh tình trạng như Công ty TNHH KL Texwell Vina (huyện Trảng Bom), chủ doanh nghiệp bỏ trốn để lại hậu quả rất lớn cho tỉnh giải quyết.

Những vấn đề khó khăn, vướng mắc trên được xử lý nhanh sẽ giúp kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển ổn định hơn.

Khánh Minh

 

Tin xem nhiều