Từ một người tự ti bởi khiếm khuyết cơ thể, đến nay bà Trần Thị Thanh Đào (35 tuổi, ngụ phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) đã là chủ Cơ sở xoa bóp Biên Hòa.
Từ một người tự ti bởi khiếm khuyết cơ thể, đến nay bà Trần Thị Thanh Đào (35 tuổi, ngụ phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) đã là chủ Cơ sở xoa bóp Biên Hòa.
Bà Trần Thị Thanh Đào xoa bóp cho khách hàng tại Cơ sở xoa bóp Biên Hòa do mình làm chủ. |
* Tự tin làm chủ cuộc đời
Bà Đào kể năm 2004 khi hoàn thành khóa đào tạo chuyên ngành kỹ thuật xoa bóp tại Trường cao đẳng y tế Đồng Nai, bà vẫn chưa dám nghĩ một người khiếm thị như bà sẽ có được công việc ổn định. Sau một thời gian sinh hoạt tại Hội Người mù TP.Biên Hòa, được sự động viên, khích lệ của bạn bè, đến năm 2010 bà xin vào Cơ sở xoa bóp Biên Hòa (ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) do ông Phan Thế Hùng (hội viên trong Hội) làm chủ.
2 năm sau, từ nhân viên làm thuê bà trở thành chủ cơ sở. Bằng nguồn vốn vay của Hội, bà Đào mở rộng, nâng cấp cơ sở để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Bà cũng tạo việc làm cho 7 người khiếm thị khác với mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Cũng hành nghề xoa bóp nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực học hỏi không ngừng, ông Trần Thiện Minh (53 tuổi, hội viện Hội Người mù huyện Trảng Bom) trở thành tấm gương sáng để nhiều người mù khác noi theo.
Ông Minh cho biết, năm 2001 ông được Hội cử đi học tại Viện Nghiên cứu y dược cổ truyền Tuệ Tĩnh (Hà Nội). Để có tiền trang trải cuộc sống, ông vừa học vừa làm. Càng học, ông càng thấy hay và tự nhủ phải cố gắng hơn nữa. Khoảng 9 năm sau, ông Minh tiếp tục mày mò, theo học những chuyên ngành liên quan đến xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu tại nhiều cơ sở đào tạo khác trong cả nước. Thậm chí, ông sang tận Thái Lan để học các khóa liên quan đến y học cổ truyền.
“Dắt lưng” nhiều bằng cấp, kinh nghiệm, kỹ thuật và “tuyệt chiêu”, vượt qua những khó khăn ban đầu đến nay ông Minh đã là chủ của 2 cơ sở xoa bóp tại thị trấn Trảng Bom và xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom). Trừ chi phí, tiền thuê 8 nhân viên, mỗi tháng ông Minh còn dư khoảng 35 triệu đồng.
* Cần nhiều sự quan tâm hơn nữa
Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Cao Nguyễn Huy cho hay kết quả nổi bật nhất sau 10 năm thực hiện chương trình hành động việc làm - xóa đói giảm nghèo và cuộc vận động tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng là nhận thức, suy nghĩ của người mù đã thay đổi. Họ được hướng dẫn, khích lệ nên tự tin hơn vào khả năng của mình để phát huy.
Nghề nghiệp được nhiều người mù lựa chọn và thực hiện là xoa bóp, bấm huyệt. Hầu hết những người hành nghề đều được đào tạo bài bản, có thể tự làm tại nhà hoặc mở cơ sở ở nơi khác, tạo công ăn việc làm cho bản thân và nhiều người mù khác.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về người mù cũng có chuyển biến. Thay vì khinh khi, kỳ thị, nhiều người đã rất nể trọng và cảm thông với người mù.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nga (ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho biết chị là khách hàng thường xuyên của Cơ sở xoa bóp Biên Hòa. Trước đây, khi đi các spa làm đẹp, chị không cảm thấy thoải mái, khỏe như khi đi xoa bóp tại cơ sở của người mù. “Người khiếm thị xứng đáng được tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng để cùng phát triển” - chị Nga chia sẻ.
Hạnh Dung