Báo Đồng Nai điện tử
En

Lan tỏa phong trào nuôi heo đất khuyến học

08:06, 07/06/2018

Ông Lê Văn Một năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng vẫn tiếp tục công việc mà ông đã làm mười mấy năm nay, đó là hàng ngày rong ruổi đi bán báo và vé số để lấy tiền ủng hộ phong trào khuyến học tại địa phương.

Ông Lê Văn Một (ngụ xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch) năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn tiếp tục công việc mà ông đã làm mười mấy năm nay, đó là hàng ngày rong ruổi trên chiếc xe đạp đi bán báo và vé số để lấy tiền ủng hộ phong trào khuyến học tại địa phương.

Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Nhơn Trạch Huỳnh Minh Phương tặng heo đất cho các xã.
Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Nhơn Trạch Huỳnh Minh Phương tặng heo đất cho các xã.

Ông Một chia sẻ: “Nghĩ đến tương lai của tụi nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, thiếu tiền đi học nên tôi luôn cảm thấy mình khỏe để làm công việc nghĩa tình và trách nhiệm này”.

* Góp sức nhỏ ý nghĩa lớn

Một ngày của ông Một bắt đầu từ 6 giờ sáng với chiếc xe đạp cũ quen thuộc, giỏ xe phía trước có các tập báo in, trên người ông đeo túi xách đựng tập vé số và cuốn sổ nhỏ ghi chép tên của những mạnh thường quân ủng hộ quỹ khuyến học. Mỗi ngày ông rong ruổi bán 150-200 tờ vé số và vài chục tờ báo các loại, tiền lời thu được ông chia làm 3 phần: một phần gửi cho vợ, một phần để tiêu vặt và một phần bỏ vào heo đất khuyến học.

Ông Lê Minh Hoàng, Phó chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho hay: “Có nhiều cách để mọi người thể hiện tinh thần thi đua yêu nước theo lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hành động yêu nước dù nhỏ nhưng đều có giá trị và rất đáng trân quý. Trong đó, phong trào nuôi heo đất khuyến học đã vun đắp và làm lan tỏa những hành động tích cực, làm cho mọi người gần gũi, thương yêu và chia sẻ cùng nhau”.

Ông cho biết: “Vài năm trước sức khỏe còn tốt, mỗi ngày tôi đi cả chục cây số, bán vài trăm tờ báo, nay yếu hơn nên bán được ít hơn trước. Nhưng còn khỏe ngày nào thì tôi đi ngày đó, chứ ngồi một chỗ lại buồn và không làm việc có ích được”.

Hình ảnh cụ già với trán cao, bộ râu dài trắng của ông Một đã trở nên quen thuộc với người dân Phú Hữu và các xã lân cận. Hiểu được tấm lòng của ông Một nên nhiều người sẵn sàng mua vé số ủng hộ cho ông và phong trào khuyến học. Thậm chí nhiều mạnh thường quân là người buôn bán ở chợ, chủ các khu nhà trọ còn ủng hộ thêm tiền để ông Một dùng cho phong trào khuyến học. 

Tại xã Phú Hữu, phong trào khuyến học đã lan tỏa và phát triển mạnh mẽ tới từng trường học, cơ quan, đơn vị  và gia đình. Phú Hữu được xem là đơn vị dẫn đầu trong phong trào khuyến học của huyện. Bà Lê Thị Thanh Hồng, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phú Hữu, cho biết: “Tháng 5 vừa qua, xã tổ chức hội thu phong trào nuôi heo đất năm học 2017-2018 và thu được 460 triệu đồng. Tính chung 10 năm phát động nuôi heo đất khuyến học xã thu được 2,5 tỷ đồng”.

Anh Nguyễn Văn Nam (ngụ ấp Cát Lái, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch) hiện là kiến trúc sư có công việc ổn định tại TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Nhà tôi hồi trước rất nghèo, 3 anh em đậu đại học và được thành người như hôm nay bên cạnh công sức của cha mẹ còn có một phần rất quan trọng từ phong trào nuôi heo đất khuyến học. Nếu không có nguồn hỗ trợ quan trọng này chắc anh em chúng tôi khó lòng vượt qua mấy năm đại học. Chúng tôi nay đều đã trưởng thành và trở lại địa phương để tiếp tục làm cho tinh thần khuyến học được lan tỏa”.

* Cùng nhau chia sẻ yêu thương

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Phó chủ tịch Hội Khuyến học huyện Nhơn Trạch, có hơn 10 năm gắn bó với phong trào khuyến học của huyện. Trong 10 năm qua, phong trào khuyến học phát triển rộng khắp ở 12 xã của huyện với nhiều mô hình ở nhiều trường học, cơ quan, đơn vị và trong cả các cơ sở tôn giáo. Số tiền hội thu được từ phong trào nuôi heo đất khuyến học đến nay đã  trên 12,5 tỷ đồng, qua đó giúp cho hàng ngàn học sinh, sinh viên nghèo có điều kiện được hỗ trợ vươn lên trong học tập.

Ni cô Thích nữ Diệu Hạnh, trụ trì chùa Khánh Vân (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch), là một trong số rất nhiều người đã tham gia tích cực vào phong trào nuôi heo đất khuyến học. Mỗi ngày ni cô đều để dành vài ngàn đồng để cho vào heo đất, số tiền nhỏ tích lũy lâu ngày trở thành số tiền lớn để gửi xã chăm lo cho những học sinh nghèo học giỏi. Những phật tử đến chùa Khánh Vân làm việc thiện đều được ni cô tuyên truyền để các phật tử về nhà nuôi heo đất khuyến học, giúp đỡ cho những học sinh nghèo có cơ hội vươn lên hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Ni cô Diệu Hạnh chia sẻ: “Chúng tôi muốn những việc tốt được lan tỏa đến mọi người, mỗi người góp một việc tốt thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn, đất nước phát triển giàu mạnh hơn”.

Còn ở giáo xứ Đại Điền (ấp Đại Thắng, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) từ lâu hình ảnh và uy tín của linh mục Nguyễn Văn Nhân đã giúp cho phong trào nuôi heo đất khuyến học trở thành việc làm tự giác của nhiều gia đình trong giáo xứ. Từ những buổi nói chuyện của linh mục Nhân với giáo dân trong ấp về ý nghĩa của phong trào nuôi heo đất khuyến học mà giáo dân đã tích cực tham gia, sống tiết kiệm, biết chia sẻ và trách nhiệm với những người còn khó khăn hơn mình.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều