Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, lần thứ 2 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Quốc hội, với những kinh nghiệm trong quản lý, điều hành ngành, Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, có lộ trình cụ thể và nhận trách nhiệm với những bất cập, hạn chế còn tồn tại đối với lĩnh vực quan trọng này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, lần thứ 2 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Quốc hội, với những kinh nghiệm trong quản lý, điều hành ngành, Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, có lộ trình cụ thể và nhận trách nhiệm với những bất cập, hạn chế còn tồn tại đối với lĩnh vực quan trọng này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bìa trái) trao đổi với các đại biểu trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh: TTX |
Nhóm vấn đề các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ liên quan đến thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.
* Giấy khen dần mất giá trị vì điểm số cho quá dễ?
Liên quan đến thực trạng 200 ngàn người có trình độ đại học bị thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm phù hợp, chiếm tỷ lệ khoảng trên 4%, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng con số này ở nhiều nước trên thế giới trung bình là khoảng 7%. Do đó, theo Phó thủ tướng: “Chúng ta yêu cầu cứ học đại học trở lên phải có việc 100% là không đúng”, đây là “việc bình thường ở thế giới, chính việc đó thúc đẩy cạnh tranh và vươn lên của các cơ sở giáo dục” - Phó thủ tướng khẳng định. |
Liên quan đến bệnh thành tích trong giáo dục - đại biểu Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) đặt câu hỏi: “Hiện nay việc cấp giấy khen dần mất giá trị vì điểm số cho quá dễ, tỷ lệ khá, giỏi quá nhiều, đó là biểu hiện của bệnh thành tích trong giáo dục. Bộ trưởng cho biết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này và giải pháp?”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận bệnh thành tích không phải bây giờ mới có mà đã có từ lâu, ngành cũng đã “nói không với bệnh thành tích”. “Chúng tôi đã có văn bản bỏ rất nhiều cuộc thi, hạn chế đăng ký thi đua. Chính việc đăng ký thi đua mới là gốc rễ của vấn đề thầy cô phải có thành tích “ảo”, chúng tôi rất biết vấn đề này” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết và thừa nhận bệnh thành tích dù có dấu hiệu giảm nhưng hiện vẫn rất phổ biến. Tuy nhiên, thời gian tới ngành giáo dục sẽ kiên quyết đẩy lùi vấn đề này.
* Loại những “con sâu làm rầu nồi canh”
Chiều 6-6, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đăng đàn trả lời về việc xây dựng các khu hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu), Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trên thế giới, việc ra đời và thành lập các đặc khu để là nơi thử nghiệm các thể chế và tạo ra cực tăng trưởng. Dự luật này hiện nay Quốc hội đang thảo luận, chúng ta tính toán một cách tổng thể các lợi ích cả về kinh tế và thu hút đầu tư, cả về vấn đề quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng - an ninh. |
Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) nêu câu hỏi: Trong khi đa số thầy cô giáo là những tấm gương mẫu mực cho học sinh noi theo thì thời gian qua xảy ra một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo như: cô giáo “câm“, cô giáo đánh học sinh, cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau… gây bức xúc trong dư luận xã hội. đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh sự phản ánh, lên án của xã hội đối với hành vi phi nhân tính đã tác động rất lớn đến các thầy cô, là sự cảnh tỉnh đối với ngành, đối với trách nhiệm của hiệu trưởng. “Những trường hợp đó là cá thể, không thể vì những việc nhỏ, thiểu số mà đánh đồng tất cả ngành. Chúng ta phải vững vàng nhưng kiên quyết, phải loại những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh“ - Bộ trưởng nêu. Bộ trưởng cho biết sẽ nâng cao khâu đào tạo, đưa vào trong chương trình đào tạo môn giáo dục đạo đức. Tới đây, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành sẽ tăng cường về giáo dục công dân, đào tạo con người. Với tư cách tư lệnh ngành GD-ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm đối với hạn chế trong đào tạo giáo viên, cả về chất lượng và kỹ năng, đồng thời cho biết sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chế độ đãi ngộ để làm sao các thầy cô yên tâm với nhiệm vụ của mình.
* Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người bạo hành trẻ
Về giáo dục mầm non, Bộ trưởng cho biết hiện chúng ta có hơn 15 ngàn cơ sở giáo dục mầm non, về cơ bản các cô yêu nghề, yêu trẻ. Theo Bộ trưởng, những chuyện bạo hành trẻ gây bức xúc xã hội thời gian qua chủ yếu xảy ra ở các nhóm trẻ, cơ sở tư thục... Tinh thần của bộ là xử lý nghiêm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người bạo hành trẻ, những giáo viên yếu kém về phẩm chất, năng lực, đình chỉ hoặc đóng cửa các cơ sở sai phạm, không đảm bảo điều kiện hoạt động. Về căn cơ là phải triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo viên mầm non, xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non chuyên nghiệp, đi kèm với nâng cao cơ chế đãi ngộ để các cô yên tâm gắn bó với nghề...
Bộ trưởng cho biết về khuôn khổ pháp luật cơ bản chúng ta đã có, vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện. Bộ trưởng đề nghị các bộ có liên quan và địa phương tăng cường giám sát, các tổ chức chính trị - xã hội như: phụ nữ, Mặt trận, phường, xã giám sát, cùng đồng hành với ngành giáo dục trên tinh thần phòng ngừa là chính. Quan điểm là phòng ngừa hơn là việc xử lý. Bộ trưởng mong muốn các địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ về điều kiện cơ sở trường lớp, bố trí giáo viên đủ số lượng, chất lượng để không tạo áp lực.
* Sáp nhập, giải thể các trường đại học kém hiệu quả
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng): Các trường đại học kém hiệu quả, không chiêu sinh đủ sẽ giải quyết như thế nào? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận tình trạng nhiều trường khi thành lập năng lực đào tạo kém, học sinh không vào, không đủ chỉ tiêu tuyển sinh.
Bộ trưởng cho biết bộ đã đi giám sát thực tế và đưa ra lộ trình trong 2-5 năm tới các trường yếu kém không cải thiện chất lượng đào tạo sẽ phải sáp nhập, giải thể.
Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị Chiều 6-6, Quốc hội đã hoàn thành nội dung phiên chất vấn và trả lời chất vấn sau 3 ngày diễn ra với 4 lĩnh vực: giao thông - vận tải, tài nguyên - môi trường, giáo dục - đào tạo, lao động - thương binh - xã hội. Kết luận về các phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần nhận trách nhiệm của thành viên Chính phủ, các ngành. Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề nổi lên, có nội dung đại biểu nêu ra nhiều lần nhưng chuyển biến còn chậm. Do đó cần quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá hơn để tạo chuyển biến thiết thực, hiệu quả thời gian tới. |
L.V (tổng hợp)