Khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực sẽ là cơ hội nhưng cũng đồng thời là thách thức đặt ra với tổ chức Công đoàn Việt Nam.
[links()]Khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực sẽ là cơ hội nhưng cũng đồng thời là thách thức đặt ra với tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial Đinh Sỹ Phúc (thứ 2 từ phải qua) thăm hỏi gia đình người lao động nhân dịp công nhân về quê ăn tết. Đoàn xe chở công nhân về quê do công ty và Công đoàn cơ sở công ty phối hợp tổ chức. |
Bên cạnh tổ chức Công đoàn hiện có, người lao động sẽ được phép thành lập một tổ chức khác đại diện quyền lợi cho mình trong doanh nghiệp. Do vậy, nếu không đủ sức tạo ra sự tin cậy với người lao động, tổ chức Công đoàn khó có thể đứng vững trong xu thế hội nhập toàn diện.
* Thách thức không nhỏ
Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chia sẻ khi có thêm một tổ chức đại diện khác xuất hiện trong doanh nghiệp thì việc cạnh tranh nhằm thu hút đoàn viên Công đoàn là điều tất yếu xảy ra. Lúc này, những nguồn lực như: tài chính, đoàn viên, môi trường hoạt động... của Công đoàn hiện tại sẽ bị chia sẻ. Việc không còn là tổ chức đại diện duy nhất cho người lao động buộc tổ chức Công đoàn phải tự thay đổi và làm mới.
Phát biểu tại hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh lần thứ 13 nhiệm kỳ 2013-2018 mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh trong thời gian tới, Liên đoàn Lao động tỉnh cần chủ động xây dựng kế hoạch để có các giải pháp chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động. Trong đó, tập trung nghiên cứu việc xây dựng các thiết chế Công đoàn phục vụ công nhân lao động đảm bảo tính thực tế. Nhiệm vụ cấp bách, quan trọng là cần tập trung khẩn trương đề xuất phương án về xây dựng nhà trọ cho công nhân; tham mưu, đề xuất xây dựng hệ thống nhà trọ đạt quy chuẩn, phát huy khai thác nguồn lực trong dân tham gia đầu tư xây dựng nhà trọ phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân. |
Vấn đề đầu tiên cần phải thay đổi chính là đội ngũ cán bộ Công đoàn từ cơ sở. Cần phải khắc phục hạn chế cán bộ Công đoàn như người làm công tác phong trào thuần túy, không thực sự tâm huyết, đam mê, yêu thích công việc, làm cho có mà không quan tâm đến kết quả đạt được và niềm tin của người lao động ra sao. Do vậy, ngay từ lúc này Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cần có sự chỉ đạo các cấp Công đoàn hoạt động một cách khoa học. Cán bộ Công đoàn phải có sự đổi mới, trong đó ban chấp hành Công đoàn và chủ tịch Công đoàn cơ sở phải do chính người lao động bầu ra, được người lao động tin tưởng.
Cán bộ Công đoàn cơ sở phải thực sự có đam mê, nhiệt huyết với hoạt động Công đoàn. Phải kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để kịp thời thương lượng, đưa ra phương án, đề xuất bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Công Ký, cán bộ Công đoàn cơ sở phải “ăn được, nói được, phải có cái tâm với người lao động và cái tầm để có thể thương lượng với chủ doanh nghiệp”. Cán bộ Công đoàn phải có bản lĩnh, năng động, am hiểu pháp luật lao động; một mặt để tập hợp đoàn viên, một mặt để đại diện cho người lao động đối thoại với chủ doanh nghiệp.
“Chính nhờ sự nhanh nhạy, hoạt động hiệu quả của cán bộ Công đoàn cơ sở mà thời gian qua, tình trạng đình công, lãn công trên địa bàn huyện đã hạn chế được rất nhiều” - ông Nguyễn Công Ký chia sẻ.
Đồng tình với việc phải đổi mới công tác cán bộ Công đoàn, ông Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nhấn mạnh ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, lãnh đạo Công đoàn cơ sở là người do người lao động đề xuất, bầu ra chứ không phải là cán bộ, quản lý cấp cao của doanh nghiệp như nhiều nơi tại Việt Nam. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động Công đoàn ở cơ sở bởi có sự can thiệp của chủ sử dụng lao động.
* Hướng mạnh về cơ sở
Thực hiện Năm Vì lợi ích đoàn viên, trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã có nhiều chương trình, hoạt động hướng về cơ sở, đem lại những quyền lợi thiết thực cho người lao động.
Rất đông người lao động của Công ty TNHH KL Texwell Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) đã tìm được việc làm mới ở Công ty TNHH Pousung Vina. Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Vina Lê Nhật Trường (bìa trái) trực tiếp đứng ra tuyển dụng công nhân. |
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) Đặng Tuấn Tú cho biết một khi được người lao động tin tưởng, giao phó trách nhiệm, đội ngũ cán bộ Công đoàn của công ty càng thêm ý thức được nhiệm vụ của mình. Đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở luôn nỗ lực để đem đến những điều tốt đẹp nhất cho đoàn viên. Từ việc hỗ trợ bữa ăn sáng giá rẻ, quan tâm, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo đến việc mở các lớp dạy học miễn phí cho con công nhân lao động, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao bổ ích, lý thú... Tất cả những điều đó đều hướng tới đảm bảo sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động. Một khi người lao động an tâm, họ sẽ hết lòng cống hiến vì sự phát triển của doanh nghiệp.
Là một trong gần 2 ngàn người lao động của Công ty TNHH KL Texwell Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) bị mất việc làm do chủ doanh nghiệp bỏ trốn, chị Nguyễn Kiều Khuyên (hiện là công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam, huyện Trảng Bom), bộc bạch: “Ở công ty cũ, chúng tôi không nhận thấy được vai trò của Công đoàn cơ sở. Hay nói cách khác, khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm, nợ lương, tiếng nói của cán bộ Công đoàn cơ sở rất yếu ớt, thậm chí không dám lên tiếng. Hậu quả cuối cùng là người lao động bị mất việc làm, đến giờ này chúng tôi vẫn còn bị nợ lương. Tôi mong muốn ở công ty mới, Công đoàn cơ sở sẽ đủ bản lĩnh để bảo vệ được quyền lợi cho người lao động, kịp thời thương lượng với chủ doanh nghiệp những đề xuất, kiến nghị của người lao động, không để xảy ra đình công, gây ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của người lao động”.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý nhấn mạnh, trong thời gian tới các cấp Công đoàn trong tỉnh sẽ tiếp tục hướng về cơ sở, lấy lợi ích của người lao động làm trung tâm, đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của tổ chức Công đoàn. Trong đó, sẽ tiếp tục thực hiện việc thành lập tổ chức Công đoàn và bầu cán bộ Công đoàn dựa trên tinh thần tự nguyện của người lao động. Các cấp Công đoàn sẽ tiếp tục đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và người lao động; chăm lo đời sống cho đoàn viên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho người lao động; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.
Ông Nam Jung Dae, Giám đốc Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) thì cho hay ban lãnh đạo công ty luôn ủng hộ và hy vọng Công đoàn cơ sở tiếp tục là cầu nối giúp chủ doanh nghiệp và người lao động hiểu nhau hơn. “Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để Công đoàn cơ sở hoạt động hiệu quả, đem đến nhiều lợi ích cho người lao động bằng nhiều việc làm cụ thể” - ông Nam Jung Dae nhắn nhủ.
Hạnh Dung