Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để "hiệp sĩ" hoạt động tự phát

08:05, 17/05/2018

Câu chuyện của "hiệp sĩ" Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) tử vong khi bắt tội phạm tại TP.Hồ Chí Minh đặt ra vấn đề về việc quản lý hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) hiệp sĩ.

Câu chuyện của “hiệp sĩ” Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) tử vong khi bắt tội phạm tại TP.Hồ Chí Minh đặt ra vấn đề về việc quản lý hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) hiệp sĩ.

Hiện nay, phần lớn các CLB hiệp sĩ trên cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đều hoạt động tự phát. Các thành viên CLB chủ yếu tay không bắt cướp, bắt trộm nên thường xuyên đối diện với nhiều nguy hiểm.

* Còn hoạt động tự phát

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều CLB hiệp sĩ được người dân tự thành lập như: CLB phòng chống tội phạm Biên Hòa, Đội SBC Biên Hòa, CLB SOS 117... Mặc dù hoạt động tự phát nhưng những mô hình này lại được nhiều người dân biết đến, tin tưởng nhờ hỗ trợ khi không may bị trộm cướp.

Nhiều vụ mất trộm tài sản do cướp giật, trộm cắp được người dân báo tin nhờ các CLB hiệp sĩ hỗ trợ và không lâu sau thủ phạm đã được tìm thấy, thu hồi tài sản trả lại cho nạn nhân.

Mới đây chị N.T.M.H. (ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) bị một đối tượng lừa lấy chiếc điện thoại di động nên gọi điện báo cho Đội SBC Biên Hòa nhờ tìm giúp. Sau một thời gian theo dõi, Đội SBC Biên Hòa tìm ra đối tượng trong vụ việc trên là Nguyễn Hoàng Bảo (32 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) và bàn giao cho Công an phường Tân Mai (nơi xảy ra vụ việc) lập hồ sơ xử lý.

Ông Nguyễn Thiên Báo (Đội trưởng Đội SBC Biên Hòa) cho biết đội của ông thành lập từ tháng 8-2015 đến nay, có 22 thành viên. Chỉ tính trong năm 2017, Đội SBC Biên Hòa tham gia bắt hơn 100 vụ trộm cắp, cướp giật thu được hơn 60 chiếc xe máy và nhiều tài sản khác trả lại cho người dân.

“Do chứng kiến nhiều vụ cướp giật, trộm cắp, tôi và một số anh em đã tự tập hợp lại tìm cách giúp những người không may gặp nạn. Trong quá trình truy bắt tội phạm, các thành viên CLB cũng đối diện với nhiều nguy hiểm vì không được trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ, phải tự lường trước nguy hiểm để tự tránh. Tôi rất mong chính quyền địa phương công nhận hoạt động của đội trong việc giữ gìn an ninh trật tự và các cơ quan chức năng phải có biện pháp hỗ trợ để đảm bảo an toàn cho các thành viên của đội” - ông Báo đề xuất.

Để tự bảo vệ mình, có CLB đã tự trang bị đồng phục và các công cụ hỗ trợ như: bộ đàm, gậy cao su, đèn pin... không đúng quy định và dễ gây ngộ nhận cho người dân vì nhìn giống lực lượng cảnh sát cơ động.

* Lựa chọn cách quản lý cho phù hợp

Một số ý kiến cho rằng hiện nay cả nước đang phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nên việc thành lập các CLB hiệp sĩ từ những người dân có nghĩa khí cũng là một cách làm thiết thực. Vấn đề là phải quản lý hoạt động và hỗ trợ nghiệp vụ cho những thành viên CLB này như thế nào để họ hoạt động hiệu quả hơn, tránh được những rủi ro.

Thực tế hiện nay ở một số địa phương đã triển khai thực hiện mô hình CLB phòng chống tội phạm hoạt động rất hiệu quả. Đơn cử, CLB phòng chống tội phạm của phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa), sau 2 năm đi vào hoạt động đã có nhiều đóng góp cho an ninh trật tự của phường.

Thiếu tá Mai Đức Hiền, Phó trưởng Công an phường Trảng Dài, cho biết lực lượng công an luôn giám sát, hỗ trợ các thành viên trong CLB và không bao giờ để lực lượng này đơn độc. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định nào về mô hình CLB kiểu này nên mọi kinh phí để duy trì hoạt động đều dựa vào nguồn xã hội hóa. Đây cũng là một khó khăn trong quá trình thực hiện.

Về vấn đề nói trên, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh, cho biết tỉnh sẽ nhân rộng các mô hình phòng chống tội phạm đã thực hiện hiệu quả ở một số địa phương như: Biên Hòa, Long Thành... Đối với những tổ chức mang tính tự phát như một số CLB hiệp sĩ, thời gian tới Công an tỉnh sẽ xem xét, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có hành lang pháp lý nhằm giúp các mô hình này hoạt động có hiệu quả nhất.

Danh Trường

 

Tin xem nhiều