Báo Đồng Nai điện tử
En

Công đoàn: "Bà đỡ" của người lao động

02:04, 18/04/2018

Với chức năng nhiệm vụ của mình, nhiều năm qua, các tổ chức công đoàn cơ sở ở Đồng Nai đã luôn sát cánh và trở thành "bà đỡ" bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, góp phần vào quá trình phát triển địa phương, đất nước và nhất là vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người lao động.

Đồng Nai là một trong những tỉnh công nghiệp lớn nhất cả nước với 32 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động và 1,2 triệu lao động đang làm việc tại các nhà máy, công ty, xí nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 1.330 tổ chức công đoàn cơ sở. Với chức năng nhiệm vụ của mình, nhiều năm qua, các tổ chức công đoàn cơ sở ở Đồng Nai đã luôn sát cánh và trở thành “bà đỡ” bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, góp phần vào quá trình phát triển địa phương, đất nước và nhất là vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người lao động.

Bài 1: Sát cánh cùng người lao động

Trưởng thành từ thực tiễn, các tổ chức Công đoàn ở Đồng Nai đang ngày một lớn mạnh, luôn phát huy vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân, sát cánh cùng người lao động (NLĐ) trong mọi hoạt động. Đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

* Đấu tranh vì quyền lợi công nhân

Nhiều vụ tranh chấp lao động đã diễn ra, thế nhưng với sự góp sức của Công đoàn cơ sở (CĐCS), quyền lợi NLĐ đã được bảo đảm.

Sau thời gian nghỉ hậu sản, chị Nguyễn Thanh Uyển, kế toán trưởng của Công ty TNHH Shinwa Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa) trở lại làm việc nhưng không được ban giám đốc công ty nhận lại. Bỗng dưng bị mất việc, bị đơn phương chấm dứt hợp đồng, không được thanh toán tiền thai sản, tiền phép năm, tiền thưởng năm... Sau nhiều lần cùng ban chấp hành CĐCS làm việc với chủ doanh nghiệp nhưng không được hợp tác, chị Uyển đã được hướng dẫn đến Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) để được tư vấn kiện chủ doanh nghiệp ra tòa. Từ sự trợ giúp của Trung tâm, sau 5 năm theo đuổi vụ kiện với hơn 20 phiên tòa sơ, phúc thẩm, tháng 9-2017 vừa qua, chị Uyển đã thắng kiện. Tòa án nhân dân tỉnh buộc lãnh đạo Công ty TNHH Shinwa Việt Nam phải nhận chị Uyển trở lại làm việc, bồi thường cho chị 874 triệu đồng, truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho chị.

Chị Nguyễn Thanh Uyển và các luật sư của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn trao đổi trước một phiên xử Ảnh T.A
Chị Nguyễn Thanh Uyển và các luật sư của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn trao đổi trước một phiên xử (Ảnh: T.A)

Tương tự, vụ kiện tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và tranh chấp tiền lương giữa anh Vũ Mạnh Cương (xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch), Phó giám đốc Xí nghiệp vật liệu xây dựng Tuy Hạ (trực thuộc công ty) với chủ sử dụng lao động Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển vật liệu IDICO (huyện Nhơn Trạch) cũng đã thắng kiện. Trước đó, lấy lý do khó khăn, phải thu hẹp sản xuất cũng như cắt giảm nhân sự, công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh Cương và không thanh toán nhiều khoản tiền theo quy định. Với những hỗ trợ từ phía CĐCS và đại diện từ Trung tâm tư vấn Pháp luật Công đoàn, anh Cương đã được công ty bồi thường số tiền 174 triệu đồng, bao gồm tiền lương trong những ngày làm việc, tiền trợ cấp thôi việc, bồi thường 2 tháng tiền lương do công ty cho anh Cương nghỉ việc sai quy định và đóng 15 tháng bảo hiểm xã hội…

Không chỉ đấu tranh với phía chủ lao động trong vi phạm hợp đồng lao động, cắt cúp tiền lương của NLĐ, mà đặc biệt hoạt động bảo vệ quyền lợi cho những công nhân bị tai nạn lao động (TNLĐ) được CĐCS cũng như Liên đoàn Lao động các cấp rất quan tâm.

15 năm trước, anh Vũ Văn Miền (phường Long Bình, TP. Biên Hòa) từng bị TNLĐ với mức độ suy giảm khả năng lao động là 31%. Sau khi vào làm công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Ho Hsiang (KCN Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) anh lại bị ngã gãy tay khi đang làm việc với mức độ suy giảm khả năng lao động là 30%. Sau 2 tháng điều trị, anh Miền trở lại công ty tiếp tục làm việc. Thay vì để anh Miền được làm công việc phù hợp với tỷ lệ thương tật của mình, nhưng công ty lại điều chuyển anh sang làm công việc vượt quá khả năng như: đóng gói, bê vác hàng nặng…Lấy ly do “không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, công ty đã cho anh thôi việc. Bản thân suy giảm sức lao động, lại bị đơn phương chấm dứt hợp đồng, không được hưởng chế độ trợ cấp TNLĐ theo tỷ lệ giám định mới của Hội đồng giám định y khoa tỉnh tổng cộng 2 lần TNLĐ là 52% vĩnh viễn…anh Miền chới với trong cuộc sống. Song anh không đơn độc trong hành trình đi tìm công lý. Được sự trợ giúp từ phía ban chấp hành CĐCS và Trung tâm tư vấn Pháp luật Công đoàn, sau 2 lần kiện Công ty TNHH Công nghiệp Ho Hsiang, anh Miền đã được xử thắng kiện với số tiền công ty phải bồi thường cho anh hơn 57 triệu đồng do vi phạm đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật và gần 21 triệu đồng do không thực hiện thủ tục cho anh Miền được hưởng chế độ TNLĐ theo quy định.

* Bền bỉ bảo vệ quyền lợi công nhân

Là một tỉnh công nghiệp với gần 30 ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ, đủ các thành phần kinh tế đang hoạt động, cùng 1,2 triệu lao động làm việc, mỗi năm trên địa bàn có khoảng 100 vụ tranh chấp lao động, trong đó chủ yếu là tranh chấp về chế độ tiền lương, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và các tranh chấp về chính sách, chế độ bảo hiểm. Vì thế, các tổ chức CĐCS ở các doanh nghiệp đã đấu tranh bền bỉ  trong hành trình bảo vệ quyền lợi công nhân.

Luật sư Lê Tấn Tý (trái) cùng anh Miền tại phiên tòa ngày
Luật sư Lê Tấn Tý (trái) cùng anh Miền tại phiên tòa ngày (Ảnh: T.A)

Mới nhất là 2 vụ việc lớn gây ảnh hưởng đến quyền lợi hàng ngàn công nhân. Vụ thứ nhất là giám đốc Công ty TNHH KL Texwell Vina (KCN Bàu Xéo, Trảng Bom) bỏ về nước, trốn trả lương cho gần 2.000 lao động với số tiền 13,6 tỷ đồng cùng với 17 tỷ đồng nợ bảo hiểm ngay trước tết nguyên đán; Vụ thứ hai là Công ty TNHH Pouchen Vina dự kiến thực hiện chính sách lương mới gây ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng chục ngàn công nhân. Đây là 2 vụ việc diễn ra phức tạp và mức độ ảnh hưởng đến số đông NLĐ, cũng như tạo nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội, an toàn giao thông. Qua đấu tranh bền bỉ và kiên quyết với chủ doanh nghiệp của các CĐCS, Liên đoàn Lao động tỉnh cùng hỗ trợ của UBND tỉnh và các cơ quan chức năng, quyền lợi của NLĐ đã được bảo toàn.

Chỉ trong tháng 3 và 4-2018, Trung tâm tư vấn Pháp luật Công đoàn đã  hỗ trợ pháp lý cho trên 50 lao động giải quyết các tranh chấp với người sử dụng lao động, đồng thời tư vấn pháp luật trực tiếp và qua điện thoại cho hàng trăm công nhân khác trên địa bàn.

Theo đó, để giải quyết khó khăn cho NLĐ Công ty Texwell, Liên đoàn Lao động tỉnh đã kiến nghị thành công, UBND tỉnh tạm chi ngân sách 7 tỷ đồng để chi trả 50% lương tương ứng cho tất cả công nhân, đồng thời tạm ứng 1,4 tỷ đồng để đóng bổ sung bảo hiểm xã hội cho công nhân, tạo điều kiện cho NLĐ đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, thai sản…Đồng thời chốt sổ bảo hiểm và hoàn tất hồ sơ khởi kiện Công ty Texwell ra tòa. Còn đối với vụ công nhân Công ty TNHH Pouchen đình công phản đối dự thảo chính sách lương năm 2019 của doanh nghiệp này, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động – thương bình và xã hội tỉnh cùng các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp đấu tranh với chủ sử dụng lao động. Qua những phân tích, vận dụng đúng chính sách pháp luật, ban giám đốc Công ty Pouchen đã phải hủy bỏ dự thảo cải cách thang lương, giữ nguyên các chế độ chính sách, tiền lương cho công nhân.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật Công đoàn tâm sự: “Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của NLĐ để không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, thậm chí là chiếm đoạt công sức lao động của NLĐ. Chúng tôi có nhiệm vụ hỗ trợ NLĐ đòi lại quyền lợi chính đáng của họ. Tất cả các vụ tranh chấp liên quan đến quyền lợi của NLĐ đều được Trung tâm đeo bám hỗ trợ đến cùng, tạo niềm tin cho NLĐ vào tổ chức Công đoàn”.

Phương Liễu

Xem tiếp Bài 2: Công đoàn cơ sở: “Cầu nối” niềm tin

 

 

 

 

Tin xem nhiều