Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng để "nhạt" trong tiếp xúc cử tri

07:03, 31/03/2018

Hoạt động tiếp xúc cử tri tại Đồng Nai ngày càng đổi mới, đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri, đòi hỏi từ nhiều phía…

Hoạt động tiếp xúc cử tri tại Đồng Nai ngày càng đổi mới, đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri, đòi hỏi từ nhiều phía…

Cử tri Long Khánh trình bày ý kiến tại hội nghị.
Cử tri Long Khánh trình bày ý kiến tại tại một buổi tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh.

Thời gian qua, các đại biểu dân cử của tỉnh  tích cực tiếp xúc cử tri chuyên đề, giám sát những vấn đề “nóng” mà người dân quan tâm, đeo bám các sở, ngành trong việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri... góp phần phát triển kinh tế, ổn định tình hình trên địa bàn tỉnh. Song có một thực tế là đa số ý kiến của cử tri tại các buổi tiếp xúc cử tri nêu về quyền lợi cá nhân, chưa thể hiện trách nhiệm của cử tri tham gia ý kiến xây dựng, phát triển đất nước.

* “Cử tri chuyên nghiệp”

Không ít vấn đề mà cử tri nêu tại các buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội chỉ cần cấp xã giải quyết là xong, nhưng vẫn được đề cập trong buổi tiếp xúc. Rất dễ đoán trong các buổi tiếp xúc, cử tri sẽ nói gì, phản ánh gì, vì có nơi lần nào tiếp xúc cử tri cũng chỉ phản ánh về việc giải tỏa, đền bù, tái định cư; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Các cuộc tiếp xúc như thế cứ lặp đi lặp lại về một nội dung cộng với sự xuất hiện của một số cử tri “quen mặt” làm cho việc tiếp xúc cử tri “nhạt” và trở nên nhàm chán.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn cho biết thời gian qua khi nhận được văn bản trả lời ý kiến của cử tri do các sở, ngành gửi đến, Văn phòng HĐND tỉnh sẽ rà soát lại, nội dung nào trả lời chưa được thì yêu cầu sở, ngành trả lời lại. Nội dung nào trả lời theo kiểu “sắp làm”, “sẽ làm”, “đang làm”, Văn phòng HĐND tỉnh yêu cầu giải trình thêm, “sắp” là khi nào, lộ trình cụ thể ra sao, qua đó để việc trả lời ý kiến cử tri đi vào thực chất hơn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Vũ Hải Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho biết ngoài một số cử tri “quen mặt”, còn xuất hiện “cử tri chuyên nghiệp” trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Nhiều cử tri đến nêu ý kiến xong là ra về, không ở lại nghe đại biểu hoặc cơ quan chức năng trả lời, giải thích.

Theo đại biểu Vũ Hải Hà, xét về quyền thì cử tri có quyền được đi tiếp xúc cử tri. Nhưng nhiều cử tri khi đến các buổi tiếp xúc cử tri không phân định được đâu là vấn đề để phản ánh với đại biểu Quốc hội hay với đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, xã mà có bức xúc gì là phản ánh đó.

Hiện nay, có nhiều cấp thực hiện việc tiếp xúc cử tri, nếu đại biểu ở cấp này đôn đốc giải quyết được ý kiến của cử tri thì cấp khác đỡ phải giải quyết. Sở dĩ có nơi cử tri nêu ý kiến nhiều lần là do vấn đề của họ chưa được giải quyết dứt điểm. Mỗi lần đi tiếp xúc cử tri, UBND tỉnh đều phân công sở, ngành cùng đi để giải đáp thắc mắc cho cử tri, nhưng nhiều sở chỉ cử chuyên viên, không có lãnh đạo nên có những ý kiến của cử tri chưa được trả lời thỏa đáng.

* Đề cao trách nhiệm của đại biểu

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Văn Dũng cho rằng không chỉ đi để lắng nghe ý kiến cử tri, các đại biểu dân cử nên đeo bám cả việc trả lời ý kiến cử tri của các sở, ngành. Các đại biểu dân cử cũng nên nêu cao trách nhiệm trong việc giải thích rõ ràng mọi ý kiến của cử tri, không chỉ nghe, ghi nhận ý kiến rồi chuyển đến cơ quan chức năng trả lời hết.

Cử tri phản ánh tại buổi tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh
Cử tri phản ánh tại buổi tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh

Thời gian tới, khi tiếp xúc cử tri UBND tỉnh nên cử lãnh đạo các sở, ngành trực tiếp dự tiếp xúc cử tri để trả lời ý kiến cử tri. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng nên yêu cầu bí thư, chủ tịch các huyện, thị, thành phố dự tiếp xúc cử tri để nắm bắt những vấn đề cử tri quan tâm, vì thời gian qua hầu hết ý kiến, kiến nghị cử tri thuộc về trách nhiệm địa phương. Những ý kiến nào mà cử tri kiến nghị nhiều lần vẫn chưa được giải quyết, đề nghị đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh giám sát, yêu cầu cơ quan chức năng trả lời dứt điểm.

Ở góc độ khác, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trảng Bom Nguyễn Văn Lai cho rằng có “cử tri chuyên nghiệp” thì cũng phải có đại biểu chuyên nghiệp. Đại biểu phải biết gợi mở để cử tri phát biểu những vấn đề mang tính xây dựng đất nước. Trong mỗi lần tiếp xúc cử tri, đại biểu nên giới thiệu cho cử tri biết những nội dung Quốc hội, HĐND sẽ bàn ở kỳ họp tới để tạo diễn đàn cho cử tri tham gia, phát huy tinh thần xây dựng đất nước của cử tri. Mỗi kỳ họp Quốc hội, HĐND, báo chí đều phản ánh đầy đủ, kịp thời, giúp cử tri nắm bắt thông tin rất nhanh, nên khi tiếp xúc cử tri, đại biểu không nên đọc lại toàn bộ kết quả của kỳ họp mà phải chọn lọc, nói những điều cử tri muốn nghe, có như thế mới nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri. 

Phương Hằng

Tin xem nhiều