Sau 10 năm Luật Bình đẳng giới có hiệu lực và đặc biệt là 2 năm thực hiện Thông báo kết luận của Ban Bí thư về đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trong tình hình mới, công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực.
Sau 10 năm Luật Bình đẳng giới có hiệu lực và đặc biệt là 2 năm thực hiện Thông báo kết luận của Ban Bí thư về đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trong tình hình mới, công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực.
Nữ công chức xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: N.Sơn |
Tính đến tháng 6-2017, hầu hết các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và cấp huyện đã tham mưu lồng ghép các nội dung liên quan đến công tác bình đẳng giới, nhất là công tác cán bộ nữ vào hoạt động chuyên môn của đơn vị mình.
* Công tác cán bộ nữ được quan tâm
Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Điều này thể hiện ở chỗ, hàng năm ngành nội vụ đều tham mưu tiến hành rà soát, phát hiện bổ sung, lựa chọn những cán bộ nữ có triển vọng, nhất là cán bộ nữ trẻ để bồi dưỡng phát triển. Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng trong tỉnh cũng quan tâm đến công tác phát hiện, giới thiệu những quần chúng là phụ nữ ưu tú cho Đảng nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát huy hết năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Cùng với việc tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận các thành tựu khoa học - công nghệ, nâng cao kiến thức, công tác đào tạo, việc bồi dưỡng gắn với quy hoạch cán bộ nữ luôn được chú trọng. Qua rà soát thống kê, tính đến tháng 10-2017, toàn tỉnh đã có 2.897 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ thì nữ có 1.177 người (chiếm 40,6%, tăng 0,5% so với mục tiêu đề ra của chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2016-2020).
Tại các huyện, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, nhất là công tác cán bộ nữ cũng được đặc biệt quan tâm. Là huyện còn nhiều khó khăn, cùng với việc phát triển đồng bộ các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Cẩm Mỹ luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.
Tại hội nghị tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới do UBND tỉnh tổ chức mới đây, ông Đào Công Từ, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Cẩm Mỹ, chia sẻ để thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ nữ nhằm đạt mục tiêu bình đẳng giới, Huyện ủy đã xây dựng và tổ chức quán triệt chương trình hành động liên quan đến công tác bình đẳng giới, trong đó có công tác cán bộ nữ. Hàng năm, trong các chương trình hành động nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu nghị quyết, Đảng ủy các xã đều lồng ghép nội dung liên quan đến bình đẳng giới vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đều lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới trong các phong trào thi đua và nhiệm vụ của Hội, triển khai cấp tài liệu, tổ chức tuyên truyền trong hội viên thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội...
* Không đợi đến kỳ bầu cử mới làm
Theo đánh giá của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021 là 27,3%, tăng 9,12% so với nhiệm kỳ trước 2011-2016. Cũng trong nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 34,5% (tăng 4,5%), cấp huyện đạt 31,2% (tăng 4,2%), cấp xã đạt 30,1% (tăng 5,1%). Toàn tỉnh có 92/183 UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ (chiếm 50,3%)... |
Mặc dù, công tác cán bộ nữ thời gian qua có chuyển biến tích cực song theo đánh giá của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, việc quy hoạch, đào tạo thiếu tính chiến lược, dẫn đến tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở các cấp, các ngành và cơ quan dân cử có tăng nhưng còn thấp, chưa đạt so với chỉ tiêu trong chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra là 25%.
Mặc dù, thời điểm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới còn khá xa nhưng nhằm nâng cao tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở các cấp, các ngành và cơ quan dân cử, mới đây Sở Lao động - thương binh và xã hội 2 đơn vị Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức chương trình tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cán bộ nữ và công tác duy trì mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới.
Liên quan đến công tác cán bộ nữ, nhiều đại biểu tham dự tọa đàm cho rằng thực trạng tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo các cấp, các ngành và cơ quan dân cử chưa đạt chỉ tiêu không chỉ diễn ra ở riêng Đồng Nai mà là thực tế đang diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Theo các đại biểu, vì định kiến giới nên rất nhiều trường hợp nữ không bỏ phiếu cho nữ. Đa số phụ nữ vẫn cho rằng công việc nhà và chăm sóc các thành viên trong gia đình là thiên chức, là trách nhiệm của người phụ nữ. Công tác truyền thông chưa đủ mạnh, các hình ảnh mang tính bất bình đẳng giới vẫn ngang nhiên tồn tại trên các phương tiện truyền thông, hình ảnh người phụ nữ chủ yếu vẫn gắn liền với “cơm ngon, canh ngọt...”.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ công tác cán bộ nữ ở
TP.Hồ Chí Minh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng, chất lượng cán bộ nữ ngày càng tăng. Ngoài sự nỗ lực của cá nhân cán bộ nữ, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ TP.Hồ Chí Minh đã có nhiều cách làm hay. Bằng cách thức tuyên truyền linh hoạt, vấn đề bình đẳng giới đã đến được với mọi đối tượng.
Để có tỷ lệ cán bộ nữ cao, TP.Hồ Chí Minh không đợi đến kỳ bầu cử mới làm chiến dịch truyền thông mà công tác này được thực hiện thường xuyên. Ngoài các chỉ tiêu chung của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, TP.Hồ Chí Minh có hẳn một chỉ tiêu riêng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ giao cho ngành nội vụ và Ban Tổ chức Thành ủy thực hiện. Bên cạnh chính sách đối với cán bộ nữ trong thời gian tham gia các khóa đào tạo, Thành ủy TP.Hồ Chí Minh còn có chủ trương nếu sở, ngành hoặc quận, huyện không bố trí được cán bộ nữ đảm bảo tỷ lệ, Thành ủy sẽ điều cán bộ nữ từ nơi khác về. Đây là lý do khiến cho hầu hết các cơ quan đơn vị đều quan tâm đào tạo, bố trí cán bộ nữ đảm bảo tỷ lệ đề ra.
Nga Sơn