Tại Đồng Nai, những năm qua các vấn đề về nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên được các cấp bộ Đoàn chú trọng và thể hiện vai trò đồng hành, tạo cơ hội để đoàn viên, thanh niên vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Tại Đồng Nai, những năm qua các vấn đề về nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên được các cấp bộ Đoàn chú trọng và thể hiện vai trò đồng hành, tạo cơ hội để đoàn viên, thanh niên vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Thành viên Tổ hợp tác thanh niên phát triển cây trồng chủ lực xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) giới thiệu sản phẩm xoài của tổ hợp tác. |
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Cao Cường cho biết để có nguồn vốn hỗ trợ cán bộ, đoàn viên, thanh niên có nhu cầu tự tạo việc làm, mở rộng sản xuất, Tỉnh đoàn đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp - phát triển nông thôn về thực hiện hợp đồng ủy thác. Chỉ trong 5 năm, toàn tỉnh đã giải quyết cho gần 7,3 ngàn lượt hộ thanh niên vay với số vốn trên 150 tỷ đồng.
* Tạo cơ hội
Sáng nay 11-12 tại Hà Nội diễn ra lễ khai mạc Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022. Tại các phiên làm việc chính thức vào các ngày 11, 12 và 13-12, đại hội tập trung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, thảo luận đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2017-2022. Có 1 ngàn đại biểu là cán bộ đoàn, đoàn viên tiêu biểu trong cả nước tham dự đại hội, trong đó đoàn Đồng Nai có 16 đại biểu. |
Sau khi được vay vốn giải quyết việc làm do ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ, anh Nguyễn Huy Thông, Bí thư Chi đoàn ấp 5, xã Phú Thịnh (huyện Tân Phú) mạnh dạn dùng 20 triệu đồng mua 10 con dê cái trong giai đoạn sinh sản về nuôi. Anh Thông chia sẻ, khi mới bắt đầu do chưa có kinh nghiệm trong việc làm chuồng cũng như chăm sóc nên khá vất vả. Tìm tòi học hỏi qua sách vở, kinh nghiệm chăn nuôi của các hộ trong ấp, chỉ sau 5 tháng anh Thông đã có thêm trên 20 con dê con. Dê mẹ đẻ dê con, cứ thế mỗi năm tiền bán dê anh thu về khoảng 100 triệu đồng. “So với trước đây đi làm công nhân, thu nhập từ chăn nuôi dê cao hơn hẳn mà quan trọng hơn là tôi được ở gần cha mẹ, có thể phụ giúp bất kỳ việc gì” - anh Thông cho hay.
Tổ chức Đoàn các cấp cũng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Nhận thức việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, các cấp bộ Đoàn đã vận động đoàn viên, thanh niên thành lập ra các mô hình kinh tế tập thể để dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ nhau về ngày công, giống, kỹ thuật và nhất là đầu ra cho sản phẩm...
Anh Đinh Văn Bắc, thành viên Tổ hợp tác thanh niên phát triển cây trồng chủ lực xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), cho biết từ khi là thành viên tổ hợp tác, tay nghề trồng trọt của anh nâng cao hẳn so với trước. Anh thường xuyên được tham quan vườn xoài, quýt, bưởi. Sau mỗi buổi tham quan các thành viên trong tổ ngồi lại trao đổi về kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng các loại phân bón để đạt năng suất cao nhất. Đó cũng là lúc anh thu nạp thêm kiến thức cho bản thân và áp dụng vào quá trình trồng trọt tại vườn nhà.
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Cao Cường cho biết thêm, tổ chức Đoàn còn làm tốt vai trò cầu nối trong giới thiệu việc làm thông qua sàn giao dịch việc làm được tổ chức hàng tháng tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh.
* Làm giàu trên mảnh đất quê hương
Thực hiện chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và nhất là các đề án của Đoàn, các cấp bộ Đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên về tinh thần xung kích trong phát triển kinh tế. Từ đó, đã có không ít những cá nhân cán bộ, đoàn viên, thanh niên vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống ngay trên mảnh đất quê hương.
Một trong những điển hình phải kể đến là anh Nguyễn Văn Quang, ở ấp 2, xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ). Từ 2 hécta đất trồng bắp và đậu của gia đình, anh Quang mạnh dạn đề xuất chuyển đổi sang trồng hồ tiêu. Đặc biệt là năm 2013, sau khi tham gia là thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San, từ phương thức trồng hồ tiêu truyền thống anh chuyển sang trồng hồ tiêu sạch theo chuẩn quy trình GlobalGAP và áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vào sản xuất nhằm tiết kiệm nước, thời gian và công sức. Anh Quang nhận xét so với trồng hồ tiêu truyền thống, trồng hồ tiêu sạch giúp giảm đáng kể lượng phân bón vào thuốc bảo vệ thực vật. Nếu như trước đây 1 hécta anh phải bỏ ra khoảng 50 triệu đồng cho những khoản chi phí này thì nay chỉ từ 5-15 triệu đồng. Chưa kể, việc sản xuất hồ tiêu sạch đem lại giá trị kinh tế cao hơn sản phẩm hồ tiêu truyền thống từ 8-10 triệu đồng/tấn.
Hiệu quả của phương thức sản xuất hồ tiêu sạch mang lại không hề nhỏ, anh Quang đã mạnh dạn thành lập trang trại, mở rộng diện tích lên đến 4 hécta (khoảng 2 hécta đang thu hoạch và 2 hécta sẽ thu hoạch vào năm 2018) cho sản lượng ổn định gần 5 tấn/hécta. Với giá bán từ 75-80 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh có thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Quang còn tạo việc làm thường xuyên cho 3-4 thanh niên và 15-20 thanh niên vào thời điểm mùa vụ.
Cô gái trẻ Nguyễn Hoàng Ý Nhi ở ấp Hòa Bình, xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) lại chọn cho mình hướng đi mới - mô hình sản xuất thú nhồi bông. Sinh ra trong gia đình khó khăn, bước chân vào đại học Ý Nhi phải tự bươn chải để có tiền học, sinh hoạt hàng ngày. Từ công việc dạy thêm cho đến phụ quán cơm, quán chè, rửa chén... không việc gì mà Nhi chưa từng làm. Biết móc len từ nhỏ nên Nhi lên mạng tìm hiểu và làm thử thú nhồi bông. Cuối năm 2012, khi đang học năm cuối Trường đại học Sài Gòn, Nhi bắt đầu gửi bán sản phẩm và được người tiêu dùng đón nhận.
Nhận thấy tiềm năng lớn của thú nhồi bông, sau khi tốt nghiệp Ý Nhi không ở lại TP.Hồ Chí Minh đi làm như các bạn mà trở về quê để tiếp tục sự nghiệp với thú nhồi bông. Không đầu tư nhiều cho quảng cáo, chỉ bán trên mạng xã hội nhưng nhờ sản phẩm độc, lạ nên sản phẩm thú nhồi bông của Nhi đã có cơ hội xuất sang thị trường Mỹ, Pháp, Úc thông qua hình thức xách tay. Hiện tại, cơ sở sản xuất thú nhồi bông của Ý Nhi đã và đang giải quyết việc làm thêm cho khoảng 10 lao động với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Riêng bản thân Ý Nhi, mỗi tháng có được doanh thu ổn định từ 40-50 triệu đồng.
Từ kết quả của anh Quang, chị Ý Nhi và nhiều thanh niên sản xuất - kinh doanh giỏi cho thấy, chỉ cần có được con đường đi đúng đắn, có ý chí vươn lên thì làm giàu trên mảnh đất quê hương không còn là câu chuyện xa vời với thanh niên nữa.
Nga Sơn
Đại biểu Trương Đình Thống, Bí thư Chi đoàn ấp 3, xã Bình Lộc (TX.Long Khánh): Định hướng cho thanh niên về nghề nghiệp, việc làm
Tôi cho rằng nhiều hoạt động đồng hành với thanh niên, trong đó có thanh niên nông thôn vẫn còn mang tính chất phong trào, chưa thật sự đáp ứng được mong muốn của đoàn viên, thanh niên. Điều mà đoàn viên, thanh niên nông thôn cần nhất chính là một định hướng đúng đắn trong nghề nghiệp, việc làm thì hiện nay tổ chức Đoàn vẫn chưa làm được.
Tôi được biết, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI sẽ đề ra 3 chương trình trong nhiệm kỳ 2017-2022, trong đó có chương trình “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”. Hy vọng, đại hội sẽ đề ra được những giải pháp hay, thiết thực thực hiện có hiệu quả chương trình này.
Đại biểu Lê Hoàng Tùng, Đoàn Trường đại học Đồng Nai: Tạo nhiều sân chơi lành mạnh cho học sinh, sinh viên
Công tác Đoàn và phong trào thanh niên khối trường học thời gian qua được đánh giá là có nhiều chuyển biến. Song các hoạt động này vẫn chưa thực sự có sức hút đối với đoàn viên thanh niên khối trường học. Vì vậy tôi đề nghị, tổ chức Đoàn cần thay đổi, thay vì các hoạt động mang tính chất phong trào cần tập trung tổ chức sâu rộng các phong trào sáng tạo trẻ, nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, có chương trình kết nối việc làm thêm cho sinh viên trong thời gian ngồi trên ghế giảng đường và việc làm sau khi ra trường.
Cẩm Tú (ghi)