Là cấp thấp nhất trong hệ thống Hội Liên hiệp phụ nữ nhưng tổ chức Hội ở cơ sở lại gần gũi với hội viên. Vì vậy, việc Hội cơ sở luôn quan tâm đổi mới nội dung, hình thức hoạt động để thu hút hội viên là rất cần thiết...
Là cấp thấp nhất trong hệ thống Hội Liên hiệp phụ nữ nhưng tổ chức Hội ở cơ sở lại gần gũi với hội viên nên đóng vai trò quan trọng.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lê Thị Ngọc Loan (bìa trái) dự sinh hoạt và trò chuyện với chị em tại Tổ phụ nữ khu nhà trọ ấp 1, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu). |
Vì thế, tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ ở cơ sở luôn quan tâm đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, đề ra nhiều mô hình thiết thực, nhất là các mô hình tương trợ để thu hút hội viên, triển khai có hiệu quả phong trào phụ nữ.
* Phát triển các mô hình tương trợ
Sáng mai 20-10, tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức họp mặt kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 - 20-10-2017). Tại lễ kỷ niệm, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh sẽ phát động cán bộ, hội viên ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai. Dịp này Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh sẽ ra mắt trang thông tin điện tử; nói chuyện chuyên đề về 4 phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa... |
Bên cạnh duy trì các hoạt động hậu phương quân đội, “Tổ phụ nữ nuôi quân” là mô hình đang được Hội Liên hiệp phụ nữ xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) thực hiện từ năm 2014 đến nay.
Bà Nguyễn Thị Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom), cho biết khi mới thành lập, hội viên tham gia mô hình cùng đóng góp được 50 triệu đồng. Số tiền này cho hội viên phụ nữ khó khăn vay lãi suất thấp. Tiền lãi sẽ dùng ủng hộ lực lượng dân quân 500 ngàn đồng/tháng. Sau 2 năm thành lập, số vốn của Tổ đã tăng lên trên 200 triệu đồng.
“Số tiền hỗ trợ là nguồn động viên tinh thần để anh em dân quân có động lực tiếp tục cống hiến. Từ hiệu quả của mô hình, Hội Liên hiệp phụ nữ xã sẽ tiếp tục nhân rộng tại các chi hội góp phần nâng mức hỗ trợ anh em dân quân’’ - bà Trang cho hay.
Tập hợp nữ công nhân vào tổ chức Hội là yêu cầu bức thiết được các cấp ủy Đảng, Hội Liên hiệp phụ nữ hết sức quan tâm. Vì vậy, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) đã thành lập Tổ phụ nữ công nhân nhà trọ ở ấp 1 để kết nối nữ công nhân trong khu nhà trọ lại với nhau.
Chị Đinh Thị Xoan, Tổ trưởng Tổ phụ nữ nhà trọ ấp 1, xã Thạnh Phú, chia sẻ là công nhân xa quê nên trước đây chị cũng chỉ nói chuyện với những người ở trọ xung quanh. Từ khi Tổ phụ nữ thành lập, chị em có cơ hội sinh hoạt với nhau nên quen, hiểu hoàn cảnh và giúp đỡ nhau nhiều hơn. Mặc dù, hội viên của tổ đều sống xa quê, phải ở trọ, cuộc sống khó khăn nhưng vẫn tình nguyện nuôi heo đất tập thể để có kinh phí tặng tập vở cho con công nhân, tặng gạo cho hội viên khó khăn trong khu trọ.
Cùng ý tưởng tạo nguồn kinh phí hỗ trợ hội viên nghèo, Chi hội phụ nữ ấp Hàng Gòn, xã Lộc An (huyện Long Thành) đã sáng kiến ra mô hình tiết kiệm từ rác thải. Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Hàng Gòn Nguyễn Thị Tiến cho biết với mô hình này hầu hết hội viên đều có thể tham gia. Mỗi hội viên tự thu gom rác và tiến hành phân loại tại nhà. Những loại rác hữu cơ được ủ làm phân bón cho cây, chất thải rắn gom lại, đem bán để tạo kinh phí giúp đỡ chị em.
Đúng như tên gọi “Việc làm nhỏ - ý nghĩa lớn”, mô hình không chỉ nâng cao nhận thức của hội viên về phân loại rác, bảo vệ môi trường mà thể hiện tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.
* Quan tâm chất lượng sinh hoạt
Hội Liên hiệp phụ nữ cơ sở muốn mạnh luôn cần những chi, tổ hội mạnh. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội luôn được Hội Liên hiệp phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở quan tâm.
Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Hội nhất là cán bộ Hội chủ chốt ở cơ sở được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chú trọng. Hàng năm, Hội thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách, cán bộ chi, tổ hội nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng điều hành, triển khai hoạt động Hội và phong trào phụ nữ.
Bên cạnh kiện toàn, củng cố các chi, tổ hội, việc tổ chức sinh hoạt cũng được đầu tư. Theo bà Lê Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, do hội viên phụ nữ làm nhiều ngành nghề khác nhau, nhất là hội viên phụ nữ công nhân thường phải làm việc theo ca kíp... nên việc sinh hoạt ở các chi, tổ hội tuy không theo một khuôn mẫu nhất định, nhưng vẫn đảm bảo theo quy định của Điều lệ Hội.
Thông thường, mỗi chi hội tổ chức sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần (đảm bảo 4 lần/năm). Thời gian, nội dung và hình thức sinh hoạt chi, tổ hội cũng thường xuyên thay đổi để phù hợp với từng đối tượng phụ nữ ở từng thời điểm. Muốn vậy, theo bà Lê Thị Ngọc Loan, những người “thủ lĩnh” không có cách nào khác là thường xuyên đi cơ sở, gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em để điều chỉnh cho phù hợp.
Nga Sơn