Báo Đồng Nai điện tử
En

Đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành, bản lĩnh

10:10, 16/10/2017

Kết quả lớn nhất của Đồng Nai sau 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ là đội ngũ cán bộ các cấp được xây dựng, rèn luyện trong thực tiễn công tác ngày càng trưởng thành về nhiều mặt,...

Kết quả lớn nhất của Đồng Nai sau 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ là đội ngũ cán bộ các cấp được xây dựng, rèn luyện trong thực tiễn công tác ngày càng trưởng thành về nhiều mặt, đa số có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, gắn bó với nhân dân; trình độ chuyên môn cơ bản đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn chức danh, có ý thức trách nhiệm, chủ động học tập, nâng cao kiến thức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đồng chí Phạm Văn Thuận, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc, trao đổi tại hội nghị.
Đồng chí Phạm Văn Thuận, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc, trao đổi tại hội nghị.

Đó là đánh giá tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, do đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì vào sáng 16-10.

Các đại biểu dự hội nghị cũng nhận định qua 20 năm thực hiện nghị quyết, công tác đánh giá cán bộ từng bước được hoàn thiện, làm rõ thẩm quyền giữa tập thể và cá nhân trong đánh giá đối với từng loại cán bộ. Việc đánh giá cán bộ dần đi vào thực chất.

Các cấp ủy đã bám sát mục đích, yêu cầu, phương châm, nguyên tắc, quy trình và đặc điểm của địa phương, đơn vị để xây dựng quy hoạch cán bộ, tạo được nguồn cán bộ kế cận. Đã lấy quy hoạch của cấp ủy làm cơ sở xây dựng quy hoạch các chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể; cơ bản đảm bảo tỷ lệ nữ, trẻ và cơ cấu 3 độ tuổi.

Công tác bố trí, sử dụng cán bộ được thực hiện nghiêm túc. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được thực hiện thường xuyên. Luân chuyển cán bộ được thực hiện đúng quy định…

Đánh giá cán bộ còn nể nang, cảm tính

Khó khăn lớn nhất trong công tác đánh giá cán bộ, theo đồng chí Đào Văn Phước, Bí thư Huyện ủy Định Quán, đó là tình trạng nể nang dẫn đến một số trường hợp sau khi được bố trí công tác không phát huy được hiệu quả. Đồng chí Bí thư Huyện ủy đề nghị giao trách nhiệm cho thủ trưởng trực tiếp đánh giá cán bộ thì mới nắm rõ năng lực thực hiện nhiệm vụ.

Đồng chí Nguyễn Văn Nải, Bí thư Thị ủy Long Khánh nêu hiện tượng cán bộ có đủ hoặc dư bằng cấp, cuối năm đều được đánh giá tốt, nhưng thực tế năng lực kém, vậy mà muốn loại cán bộ yếu kém này rất khó. Ngược lại, có cán bộ làm rất giỏi, nhưng đến kỳ đánh giá xếp loại chỉ vì nhiều người cho rằng “mặt anh này khó ưa”, thế là chỉ bỏ phiếu cho hoàn thành nhiệm vụ, dẫn đến khó đưa vào quy hoạch cán bộ.

Bên cạnh đó, theo quy định mỗi đơn vị được 15% xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mà lãnh đạo bao giờ cũng “giành” một suất, dẫn đến tình trạng thiếu điều kiện bố trí quy hoạch cán bộ.

Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh cho rằng công tác đánh giá cán bộ cần nằm trong khung bộ máy hoàn chỉnh, tương đối rõ về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Có những vấn đề thuộc thẩm quyền cấp huyện nhưng liên quan các sở, ngành cấp tỉnh, nếu cấp tỉnh không hỗ trợ, huyện không triển khai thực hiện được, vì vậy khi đánh giá cán bộ phải rõ vấn đề này.

Mặt khác, thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý cán bộ vi phạm còn có độ “mật” nên việc đánh giá cán bộ cũng có lúc vướng mắc, chưa thúc đẩy cán bộ thực hiện nghiêm chính sách và thực thi công vụ.

* Bất cập về quy hoạch, đào tạo cán bộ

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Thuộc cho biết, công tác quy hoạch cán bộ thực hiện theo quy định 1 người quy hoạch vào 3 vị trí chức vụ, 1 chức vụ không quy hoạch quá 3 người.

Từ đó, có tình trạng 1 cán bộ được quy hoạch nhiều chức danh, dẫn đến người làm chuyên môn này mà vẫn được quy hoạch làm chuyên môn khác thì không thể chuyên môn hóa được. Khi quy hoạch, nhiều nơi chỉ chú ý người trong nội bộ, mà không chú ý quy hoạch người ở đơn vị khác.

Đồng chí Võ Tuấn Dũng, Phó bí thư Huyện ủy Tân Phú, chia sẻ ở cấp xã hiện nay ít có sự lựa chọn về nhân sự bí thư, chủ tịch. Vì theo quy định để quy hoạch một nhân sự làm bí thư cấp xã thì phải có trình độ cao cấp lý luận chính trị. Nhưng cán bộ cấp xã được đi học cao cấp lý luận chính trị là rất khó, vì khi muốn đưa đi học phải nằm trong quy hoạch, mà để được trong quy hoạch phải là cấp ủy viên, song không phải cán bộ nào ở cấp xã cũng là cấp ủy viên.

Do vướng về trình độ cao cấp lý luận chính trị, nên không chỉ Tân Phú khó quy hoạch cán bộ, mà hầu hết các địa phương, đơn vị đều cũng đang khó trong vấn đề này. Nhiều huyện hiện nay đang khuyết cấp ủy viên nhưng chưa bổ sung được cũng do cán bộ không đủ chuẩn về trình độ cao cấp lý luận chính trị.

Đồng chí Phạm Văn Ru, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đồng ý các chức danh: bí thư, chủ tịch, phó phòng bổ nhiệm lần đầu chỉ cần trình độ trung cấp chính trị; nếu bổ nhiệm ở nhiệm kỳ thứ 2 vẫn chưa đào tạo được cao cấp chính trị thì báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Phương Hằng

 

 

Tin xem nhiều