Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt khó để phát triển

11:07, 05/07/2017

Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục tăng trưởng ổn định, nhưng tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa IX, lãnh đạo UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức để đạt các mục tiêu đã đề ra trong năm 2017.

 

[links()]Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục tăng trưởng ổn định, nhưng tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa IX, lãnh đạo UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức để đạt các mục tiêu đã đề ra trong năm 2017.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cùng lãnh đạo tỉnh trao đổi với cử tri bên lề hội nghị. Ảnh: V.Chính
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cùng lãnh đạo tỉnh trao đổi với cử tri bên lề hội nghị. Ảnh: V.Chính

Trong 6 tháng đầu năm 2017, ước tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn tỉnh (GRDP) so với cùng kỳ năm 2016 tăng 7,26%, cao hơn với mức tăng trưởng của cả nước, còn đạt thấp so với mục tiêu của tỉnh đã đề ra là tăng từ 8-9%/năm. Do đó, nhiệm vụ còn lại của những tháng cuối năm khá nặng nề.

Tạo đòn bẩy phát triển kinh tế

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết một trong những nguyên nhân tăng trưởng đạt thấp là do tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn trong nước còn nhiều khó khăn. Vì vậy, giải pháp quan trọng hàng đầu của UBND tỉnh là tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, UBND tỉnh sẽ tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp; tiếp tục tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn; tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước, nhất là các nguồn vốn ODA, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tạo mọi điều kiện cho người dân, doanh nghiệp khi làm các thủ tục hành chính.

Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Lại Thế Thông thì cho rằng muốn tạo đòn bẩy phát triển kinh tế, UBND tỉnh phải đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp trong việc thực hiện chính sách về xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, chú trọng rà soát, cải tiến các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, nhất là về thủ tục cấp phép xây dựng, tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư.

Về 8 dự án trọng điểm còn chậm triển khai, theo Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng, các dự án này đều nằm trên địa bàn thành phố, trong đó có dự án đang triển khai là hầm chui ngã tư Tân Phong, còn các dự án khác chưa triển khai chủ yếu do vướng điều chỉnh quy hoạch, đăng ký bổ sung kế hoạch sử dụng đất. Trong đó, những quy hoạch thuộc thẩm quyền của tỉnh, Sở Xây dựng đã trình UBND tỉnh rà soát lại để có thống nhất điều chỉnh. Riêng điều chỉnh quy hoạch chung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Bộ Xây dựng thì hiện nay đang trình chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 7 này sẽ có kết quả. Khi có những điều chỉnh này mới có chủ trương đầu tư. Song song đó, thành phố đang chuẩn bị nguồn vốn đầu tư, các điều kiện tái định cư cho các dự án, làm việc với các chủ đầu tư… Trên cơ sở đó, sau khi có quy hoạch được duyệt sẽ có chủ trương đầu tư rồi sẽ triển khai dự án ngay.

Khắc phục tồn tại trên lĩnh vực xã hội

Hiện nay, mặc dù về cơ bản hệ thống trường, lớp trên địa bàn tỉnh đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân, nhưng do tình trạng gia tăng dân số cơ học nhanh nên trên địa bàn TP.Biên Hòa vẫn còn 45 lớp tiểu học học ca 3 ở Trường tiểu học Phan Đình Phùng (phường Long Bình) và Trường tiểu học Trảng Dài (phường Trảng Dài). Hiện thành phố vẫn còn 26 phòng học tạm và 56 phòng học nhờ; 2 phường Long Bình và Thống Nhất chưa có trường mầm non công lập.

Ngoài ra, chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Quy trình khám chữa bệnh, thái độ phục vụ của một số cán bộ y tế và thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh còn gây bức xúc cho người bệnh. Năng lực chuyên môn y tế cơ sở vẫn còn hạn chế, chưa tạo được niềm tin trong nhân dân. Cơ sở hạ tầng y tế mặc dù đã được tỉnh quan tâm tăng cường đầu tư, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Còn một số cơ sở xuống cấp, như: Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch, Trung tâm y tế TP.Biên Hòa…; tình trạng thiếu bác sĩ có trình độ cao ở cả 3 tuyến, nhất là tuyến cơ sở.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, theo Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hiền, UBND tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt hơn. Đối với lĩnh vực giáo dục cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp khắc phục tình trạng học nhờ, học tạm, học ca 3 trong năm học 2017-2018.  Đối với lĩnh vực y tế, cần xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các cơ sở y tế xuống cấp; thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút, hỗ trợ, đào tạo bác sĩ, nhất là tại tuyến y tế cơ sở; tăng cường kiểm tra đối với công tác khám chữa bệnh để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế.

Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp

Trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình an ninh trật tự tiếp tục được giữ vững, ổn định. Toàn tỉnh xảy ra 800 vụ vi phạm pháp luật, giảm 117 vụ so với cùng kỳ 2016. Hoạt động của các loại tội phạm tuy đã được kiềm chế, kéo giảm nhưng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là ở khu vực nhiều quán rượu bia, quán bar, vũ trường, quán karaoke và ở các địa bàn có nhiều khu công nghiệp tập trung như: TP.Biên Hòa, các huyện: Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành.

Đặng Ngọc

 

 

Tin xem nhiều