Những mong mỏi tìm được hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa đêm 31-1-1968 cuối cùng đã được toại nguyện bằng một lễ truy điệu và an táng với nghi thức trang trọng và xúc động vào sáng 12-7 tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.
Những mong mỏi tìm được hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa đêm 31-1-1968 cuối cùng đã được toại nguyện bằng một lễ truy điệu và an táng với nghi thức trang trọng và xúc động vào sáng 12-7 tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gặp mặt động viên thân nhân các liệt sĩ hy sinh tại Sân bay Biên Hòa. Ảnh: Công Nghĩa |
[links()]Những chiếc quách chứa hài cốt liệt sĩ được phủ cờ Tổ quốc đỏ thắm cùng lời điếu văn xúc động do Bí thư Thành ủy Biên Hòa Lê Văn Dành đọc tại lễ truy điệu đã làm nhiều người không cầm được nước mắt...
* 49 năm ray rứt
Sáng 12-7, ông Phạm Văn Thắng (ở phường Xuân An, TX.Long Khánh) về dự lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa với một niềm xúc động mạnh. Ông Thắng là em trai liệt sĩ Phạm Văn Dạt. Từ khi nghe tin tìm thấy hài cốt liệt sĩ ngày 13-4, ngày hôm sau ông đã lên Biên Hòa ngay. Ông Thắng chia sẻ: “Ngày giải phóng, không thấy anh trai kêu về mẹ tôi buồn lắm. Mẹ bảo tôi đi tìm anh trai suốt. Năm nào tới ngày giỗ con trai mẹ tôi cũng khóc hết nước mắt. Nay tìm được các hài cốt liệt sĩ tại Sân bay Biên Hòa, có tên anh trai tôi, đó là niềm vui không gì bằng. Từ nay gia đình tôi đã biết nơi anh trai tôi hy sinh, nơi anh đang an nghỉ để đến hương khói cho anh và đồng đội ấm lòng”.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh: Đất nước sẽ mãi khắc ghi công ơn các liệt sĩ Sau lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ, trưa 12-7, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã gặp mặt thân mật và tặng quà 64 thân nhân của các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa năm 1968. Phó chủ tịch nước chia sẻ trước những mất mát của các gia đình khi có người thân hy sinh và khẳng định: “Đất nước sẽ mãi khắc ghi công ơn các liệt sĩ”. |
Còn bà Bùi Thị Mỹ và em gái (quê huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) vào Đồng Nai dự lễ truy điệu đã mang theo một lá thư vô cùng xúc động của anh trai là liệt sĩ Bùi Văn Thùy gửi về từ chiến trường miền Nam năm 1967. Trong thư, anh Thùy luôn dặn mẹ và các em phải cẩn thận mỗi khi ra đường, vì có thể sẽ gặp máy bay Mỹ ném bom. Anh trai còn dặn bà Mỹ phải cố gắng học tập để khi lớn lên còn phục vụ Tổ quốc. Đặc biệt, trong lá thư anh Thùy dặn mẹ mình: “Nếu sau này con hy sinh, con không cần mẹ đòi chế độ gì cho con cả. Con đi bộ đội là để làm tròn trách nhiệm với Tổ quốc, vì hạnh phúc của mọi người”.
Còn bà Tạ Thị Kiều Chung (ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) khi được hỏi về liệt sĩ Lê Hữu Lễ là chồng của bà, hy sinh năm 1968 tại Sân bay Biên Hòa, bà chỉ kịp nói mấy lời đã giàn giụa nước mắt. Bà Chung kể: “Vợ chồng tôi cưới nhau được 2 năm, có được đứa con rồi anh ấy nhập ngũ và hy sinh không biết cụ thể là ở nơi nào. Khi con tôi lớn lên, nhiều lần 2 mẹ con đã đi tìm nhưng không thấy”. Bà xúc động nói: “Tôi gần như không còn hy vọng sẽ có ngày tìm được chồng, nay tỉnh Đồng Nai báo đã tìm ra chồng và các đồng đội hy sinh, được Nhà nước lo an táng chu đáo tôi vô cùng mãn nguyện và an lòng. Từ nay về sau, mỗi ngày giỗ anh, tôi có chỗ để tới thắp hương cho anh và đồng đội”.
Những chiếc quách chứa hài cốt liệt sĩ được phủ cờ Tổ quốc đỏ rực. Ảnh: Công Nghĩa |
Với ông Lê Văn Toàn (quê huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) việc tỉnh Đồng Nai tìm được nơi anh trai của ông là liệt sĩ Lê Xuân Thắng hy sinh và báo về cho gia đình ông biết được ví như một giấc mơ có thật. Ông Toàn cho biết, anh trai của ông đi bộ đội năm 1965 khi chưa lập gia đình và hy sinh năm 1968. Trong giấy báo tử chỉ ghi hy sinh tại chiến trường miền Nam. Gia đình đã nhiều lần đi tìm kiếm xem anh trai nằm ở đâu để đưa anh về quê nhưng không thấy. Ông Toàn xúc động chia sẻ thêm: “Anh tôi và các đồng đội được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai, ở chung một ngôi mộ tập thể, thế là gia đình tôi đã có thể an tâm để về quê báo niềm vui này với anh em họ hàng và bà con lối xóm”.
* Niềm vui và nước mắt
Bà Ngô Thị Thủy, con của liệt sĩ Ngô Văn Bảng (ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đã hồi hộp suốt nhiều ngày nay khi được báo tin về về nơi an nghỉ của cha mình. Bà Thủy kể: “Cha tôi đi bộ đội năm 1963, tới năm 1966 thì về thăm gia đình. Sau lần đó thì mẹ sinh ra tôi. Năm 1968 cha tôi hy sinh, nhưng phải tới năm 1974 gia đình mới nhận được giấy báo tử. Tôi chưa từng gặp cha một lần trong đời nên rất mong sẽ có ngày tìm được hài cốt của cha. Tôi rất mừng và xúc động khi vào Đồng Nai và thấy cha tôi và các đồng đội được tỉnh tổ chức lễ truy điệu và an táng một cách trang trọng, chúng tôi được đón tiếp ân cần như người nhà”.
Ông Nguyễn Văn Đồng và 3 người thân trong gia đình (ở TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cùng có chung niềm vui xen lẫn xúc động khi vào dự lễ truy điệu và an táng chú ruột là liệt sĩ Nguyễn Hùng Hòa. Ông Đồng kể: “Ngày chú tôi đi bộ đội tuổi đời còn rất trẻ nên chưa kịp lập gia đình. Do không biết chú hy sinh ở đâu nên có lần gia đình tôi đã vào Nghĩa trang Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị) để tìm nhưng không thấy. Thông tin về chú tôi gần như vô vọng gần nửa thế kỷ qua, nay bất ngờ nhận được tin báo của tỉnh Đồng Nai khiến cả gia đình tôi như vỡ òa trong xúc động. Tôi muốn nói lời cảm ơn tỉnh Đồng Nai đã không quản ngại khó khăn, vất vả để tìm kiếm hài cốt của chú tôi nói riêng và những liệt sĩ khác nói chung”.
Ông Đỗ Viết Năm là cựu chiến binh Tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa, nhờ tỉnh Đồng Nai tìm thấy các đồng đội của mình hy sinh trong Sân bay Biên Hòa và tổ chức lễ truy điệu và an táng mà ông mới có dịp trở lại nơi 49 năm về trước từng chiến đấu ác liệt. Ông Năm chia sẻ: “Tôi đã 74 tuổi đời, không còn gì mãn nguyện hơn là nay tỉnh Đồng Nai tìm thấy được đồng đội của chúng tôi. Tôi như được nhẹ vơi đi những trăn trở trong lòng khi đồng đội của mình nay đã được về nghĩa trang an nghỉ, được hương khói ấm cúng trong tình cảm của người thân, của đồng đội, đặc biệt là sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo từ Trung ương tới tỉnh”.
Ông Phùng Duy Cường, cựu chiến binh Tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa thì chia sẻ: “Chúng tôi từng vào sinh ra tử với nhau, người không may ngã xuống, người may mắn sống sót thì luôn đau đáu nghĩ về đồng đội. Mỗi đêm nghĩ về đồng đội hy sinh mà chưa tìm thấy hài cốt là mỗi đêm tôi thao thức không ngủ. Chúng tôi người mất người còn, tuy không cùng một gia đình nhưng coi nhau như anh em ruột thịt. Ngày tìm thấy đồng đội cũng chính là ngày tôi như tìm thấy người thân ruột thịt của chính mình”...
Công Nghĩa - Hạnh Dung