Nguyên tắc tập trung dân chủ được ghi trong điều lệ và được thông qua tại Đại hội IV của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga năm 1906. Tư tưởng này của Lênin đặt nền móng cho việc xây dựng đảng vô sản kiểu mới ở Nga, sau đó đã được các đảng trong Quốc tế Cộng sản thừa nhận...
Nguyên tắc tập trung dân chủ được ghi trong điều lệ và được thông qua tại Đại hội IV của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga năm 1906. Tư tưởng này của Lênin đặt nền móng cho việc xây dựng đảng vô sản kiểu mới ở Nga, sau đó đã được các đảng trong Quốc tế Cộng sản thừa nhận bằng việc quy định điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản là phải xây dựng theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva trước các đơn vị tham gia khóa huấn luyện quân sự toàn dân, ngày 25-5-1919. |
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng. Nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ đạo toàn bộ hoạt động xây dựng tổ chức và hoạt động của Đảng, vừa bảo đảm cho Đảng thống nhất ý chí và hành động, vừa phát huy dân chủ, tạo nên sức mạnh vô địch của Đảng.
* Nội dung cơ bản
Có thể thấy nguyên tắc tập trung dân chủ là sự kết hợp hài hòa và khoa học giữa 2 mặt tập trung và dân chủ tạo thành chỉnh thể thống nhất của một nguyên tắc. Dân chủ là điều kiện, là tiền đề của tập trung, cũng như tập trung là cơ sở, là cái bảo đảm cho dân chủ được thực hiện. |
Nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ được quy định tại Điều 9 của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, đó là: cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa 2 kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là Ban Chấp hành Đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp ủy).
Cấp ủy các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp ủy cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức Đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình. Tổ chức Đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.
Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng.
Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số. Tổ chức Đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.
* Giữ vững nguyên tắc
Kể từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chế độ tập trung, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được giữ vững. Những quyết sách lớn của Đảng đều được tổ chức thảo luận rộng rãi, lấy ý kiến của đảng viên và tổ chức Đảng từ cơ sở. Sinh hoạt chi bộ, các hội nghị Đảng được tiến hành dân chủ. Dân chủ trong Đảng ngày càng được mở rộng. Việc bầu cử trong Đảng ngày càng theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, đặc biệt bầu cử tại Đại hội XII của Đảng đã thể hiện rõ nguyên tắc tập trung dân chủ.
Công tác tổ chức và cán bộ, nhất là đánh giá tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ đã được tiến hành cơ bản công khai, dân chủ. Tình trạng cục bộ, mất đoàn kết trong cán bộ được chấn chỉnh, những tổ chức, cá nhân vi phạm bị xử lý kịp thời. Tuy nhiên, Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đó là: nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng khi ban hành chưa tạo được thống nhất cao trong Đảng và xã hội. Đã xuất hiện tình trạng dao động, hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tình trạng tùy tiện, thiếu ý thức tổ chức, kỷ luật, không chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn diễn ra ở nhiều nơi. Dân chủ trong Ðảng và trong xã hội còn bị vi phạm. Kỷ cương, kỷ luật ở nhiều cấp, nhiều ngành có lúc không nghiêm. Còn thiếu những quy chế cụ thể bảo đảm phát huy dân chủ, thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ.
Một số cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ lãnh đạo thiếu tôn trọng và phát huy quyền của đảng viên, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới; cán bộ lãnh đạo ở một số nơi gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức. Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm.
Hồng Phúc