Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó tinh giản biên chế (phần tiếp theo)

10:04, 19/04/2017

Đồng Nai đang thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương cho đến năm 2021. Dù rất cố gắng, số lượng biên chế có cắt giảm theo từng năm nhưng hiện tại tổng số biên chế công chức của tỉnh vẫn cao hơn chỉ tiêu do Bộ Nội vụ giao cho tỉnh.

Đồng Nai đang thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương cho đến năm 2021. Dù rất cố gắng, số lượng biên chế có cắt giảm theo từng năm nhưng hiện tại tổng số biên chế công chức của tỉnh vẫn cao hơn chỉ tiêu do Bộ Nội vụ giao cho tỉnh.

Bài cuối: Không dễ tinh giản

Lý giải về tình trạng này, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Thuộc cho biết thực hiện đề án tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ, Đồng Nai đã xây dựng đề án nhưng trình đi trình lại vẫn chưa được phê duyệt. UBND tỉnh đã 3 lần yêu cầu các cơ quan, đơn vị cắt giảm biên chế nhưng không cơ quan nào thực hiện được.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính là một cách nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ công chức. Trong ảnh: Công chức bộ phận một cửa hiện đại Sở Kế hoạch - đầu tư giải quyết công việc qua mạng internet.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính là một cách nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ công chức. Trong ảnh: Công chức bộ phận một cửa hiện đại Sở Kế hoạch - đầu tư giải quyết công việc qua mạng internet.

 Nguyên nhân chính do Đồng Nai là tỉnh đông dân số, nhu cầu làm các thủ tục hành chính rất lớn khiến khối lượng công việc ngày càng nhiều.

* Vì sao biên chế chưa giảm?

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Thuộc cũng cho rằng, nguyên nhân một phần cũng do các sở, ngành, cơ quan đơn vị còn “sống tình cảm”, người ít làm thì giao việc ít, cuối cùng cũng hoàn thành nhiệm vụ, không có trường hợp nào đánh giá 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ.

Chính việc đánh giá cuối cùng ai cũng tốt hết, thì lấy đâu người mà tinh giản? Do đó, việc thực hiện tinh giản biên chế chỉ mới áp dụng ở những người nghỉ hưu trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2021 nên chưa cắt giảm được biên chế.

Hiện tại, tổng số biên chế công chức cấp huyện, tỉnh là 3.556 biên chế, vẫn cao hơn chỉ tiêu do Bộ Nội vụ giao cho tỉnh là 87 biên chế. Riêng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập cơ bản vẫn giữ nguyên số lượng của năm 2014 là trên 46 ngàn viên chức.

Việc không được tăng biên chế viên chức khiến nhiều bệnh viện khó khăn trong hoạt động khi bệnh nhân đến điều trị ngày càng tăng. Trong ảnh: Điều dưỡng Bệnh viện đa khoa Thống Nhất chăm sóc bệnh nhân.
Việc không được tăng biên chế viên chức khiến nhiều bệnh viện khó khăn trong hoạt động khi bệnh nhân đến điều trị ngày càng tăng. Trong ảnh: Điều dưỡng Bệnh viện đa khoa Thống Nhất chăm sóc bệnh nhân.

Bên cạnh đó, việc thực hiện tinh giản biên chế đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực y tế và GD-ĐT gặp nhiều khó khăn. Đây là 2 đơn vị sự nghiệp có số lượng biên chế rất lớn, hơn 39 ngàn/hơn 46 ngàn viên chức của tỉnh nhưng đến nay chưa thực hiện được cắt giảm biên chế do các đơn vị sự nghiệp này được ngành giao biên chế theo định mức (căn cứ số lớp, số học sinh đối với giáo dục; số dân, số giường bệnh đối với y tế).

Trong khi đó, tại Đồng Nai, hàng năm số học sinh, số trường học đều tăng; số lượng giường bệnh ở các bệnh viện cũng tăng, kéo theo số lượng viên chức của 2 đơn vị sự nghiệp này cũng tăng nhằm phục vụ tình hình thực tế của địa phương.

* Bất cập từ đề án vị trí việc làm

Tại các buổi giám sát kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016, ông Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đã ghi nhận các kiến nghị của UBND tỉnh và các địa phương để có ý kiến đề xuất trong kỳ họp Quốc hội giữa năm 2017. Ông Bùi Xuân Thống đề nghị UBND tỉnh và các huyện cần chú ý tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, cũng như trong giải quyết công việc để giảm sức lao động cho cán bộ, công chức; tăng cường kiểm tra, giám sát công chức, công vụ; kêu gọi xã hội hóa các lĩnh vực y tế, giáo dục để giảm gánh nặng cho ngân sách trong trả lương cho người lao động.

Một trong những bất cập trong tinh giản biên chế nữa chính là từ đề án vị trí việc làm.

Theo đề án vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh phê duyệt đã hoàn thành và gửi cho Bộ Nội vụ từ năm 2014 đã xác định hơn 2 ngàn vị trí việc làm nhưng Bộ Nội vụ mới phê duyệt hơn 300 vị trí việc làm đối với các cơ quan, tổ chức, hành chính của Đồng Nai.

Đến nay, Bộ Nội vụ vẫn chưa phê duyệt xong danh mục vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp, điều này gây khó khăn cho tỉnh khi triển khai thực hiện.

Phó giám đốc Sở Nội vụ Ngô Minh Dũng phân tích: sở dĩ Đồng Nai xác định nhiều vị trí việc làm vì xác định từng vị trí cụ thể trên từng nhiệm vụ công việc, do cùng một nhiệm vụ nhưng có nhiều vị trí khác nhau, có những tiêu chí khác nhau.

Ví dụ, cùng làm ở phòng cải cách hành chính của Sở Nội vụ nhưng tùy tính chất, yêu cầu công việc cần có nhiều vị trí khác nhau, trong khi Bộ Nội vụ chỉ xác định một vị trí cho một nhiệm vụ là không phù hợp với tình hình thực tiễn ở Đồng Nai.

Cũng theo ông Ngô Minh Dũng, chủ trương xác định vị trí việc làm của Chính phủ là khoa học, phù hợp. Tuy nhiên, việc xây dựng vị trí việc làm phải căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan chuyên môn để xác định, trong khi quy định chức năng, nhiệm vụ chuyên môn là do các bộ, ngành chuyên môn của Trung ương quy định.

“Cần có một “bức tranh chung” về vị trí việc làm thực hiện thống nhất trong cả nước. Riêng việc xác định số người làm việc phải có quy định hệ số cho từng vùng, miền khác nhau dựa trên các tiêu chí: dân số, đơn vị hành chính, diện tích, vùng kinh tế trọng điểm... Có như vậy mới quản lý thống nhất trong cả nước. Một khi đã xác định được vị trí việc làm thì việc tinh giản biên chế sẽ không còn ý nghĩa, vì khi xác định được vị trí gắn với nhiệm vụ sẽ xác định được số người làm việc và số người dôi dư” - ông Dũng cho biết.

Trong thời gian tới, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án tinh giản biên chế của Chính phủ đối với các viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập được giao biên chế trên địa bàn tỉnh khi các cơ quan, đơn vị này hoàn chỉnh đề án theo đúng quy định (trừ những đơn vị được giao theo định mức). Theo lộ trình sẽ cắt giảm 409 biên chế, từ 3.556 biên chế công chức tỉnh, huyện năm 2015 xuống còn 3.147 vào năm 2021.

* Giải pháp nào tinh gọn bộ máy?

Tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016 mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng đã kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề xuất Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ xem xét, nghiên cứu điều chỉnh việc tinh giản biên chế theo hướng chỉ tinh giản những cán bộ, công chức không đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu việc ra khỏi bộ máy chứ không cắt biên chế của ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là những địa phương có dân số đông như Đồng Nai.

Vì, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, với tình hình ở Đồng Nai, khối lượng công việc ngày càng tăng, nhân sự ngày càng cắt giảm sẽ không đủ nhân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, công việc quá tải, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công việc và chất lượng phục vụ nhân dân tại các đơn vị, địa phương.

Thực hiện chủ trương không tăng biên chế, để đáp ứng yêu cầu công việc, Đồng Nai đang từng bước hiện đại hóa công sở gắn liền với hiện đại hóa nền hành chính nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, điều hành của các cơ quan, đơn vị. Theo đó, tỉnh đã đẩy mạnh  ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân qua việc hoàn thiện bộ phận một cửa liên thông hiện đại từ cấp xã đến cấp tỉnh.

Ngọc Thư

[links()]

Tin xem nhiều