Ngày 2-11, thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 trong phiên làm việc của Quốc hội, các vấn đề, như: nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả... đã được nhiều đại biểu nêu ra.
Ngày 2-11, thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 trong phiên làm việc của Quốc hội, các vấn đề, như: nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả... đã được nhiều đại biểu nêu ra. Các đại biểu đề nghị năm 2017 phải siết chặt hơn nữa kỷ luật ngân sách, quản lý chặt chẽ hơn nữa nợ công, không chỉ siết chặt trần nợ công mà còn giao cho Chính phủ phấn đấu làm giảm nợ công; tập trung xử lý sớm nợ xấu, không để nợ chồng lên nợ, đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng này. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, do môi trường kinh doanh ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, rào cản, cần rà soát các quy định không còn phù hợp, cản trở đầu tư kinh doanh để trình Quốc hội sửa đổi, đáp ứng tình hình hội nhập và tạo điều kiện thuận lợi và sự phát triển của doanh nghiệp; có cơ chế đối thoại thường xuyên hơn, lắng nghe, thu thập thông tin phản hồi đồng hành với doanh nghiệp và các nhà đầu tư để kịp thời tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết những khuyến nghị của doanh nghiệp. Song song đó, nên chú trọng phát triển kinh tế vùng, bởi việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng và quy hoạch ngành theo từng vùng như hiện nay chưa phát huy hết tính hiệu quả trong định hướng điều phối phân bổ ngân sách, vai trò ràng buộc liên kết vùng và nội vùng vẫn còn nhiều hạn chế. Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy được vai trò đầu tàu, tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thật sự vượt trội, thiếu cơ chế chính sách đặc thù để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng và vùng có lợi thế làm đầu tàu kéo nền kinh tế phát triển.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy phát biểu ý kiến tại diễn đàn Quốc hội. |
Về việc tái cơ cấu nền kinh tế, việc chọn 3 khâu đột phá trong tái cơ cấu là đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy vậy, tái cơ cấu vẫn chưa đạt được những mục tiêu đề ra. Trong tái cơ cấu, Nhà nước trước tiên phải làm nhà kiến tạo nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng; đồng thời đưa ra các chính sách có tính chất đòn bẩy thu hút nguồn lực xã hội vào những lĩnh vực ưu tiên. Nhà nước phải là người định hướng, dẫn đường cho quá trình tái cơ cấu. Doanh nghiệp phải đóng vai trò quyết định, đóng góp nguồn lực chủ yếu cho tái cơ cấu. Bằng cách làm này, nguồn lực quốc gia sẽ được tái cơ cấu, phân bổ lại một cách hợp lý theo quy luật của thị trường.
Vấn đề tái cơ cấu đầu tư công gắn với tiềm năng phát triển vùng, địa phương cần gắn định hướng đầu tư công cho 6 vùng trong báo cáo đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ theo từng nhóm, ngành ưu tiên đã được xác định. Việc này nhằm làm rõ việc tái cơ cấu kinh tế gắn với xác định tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo điều kiện thuận lợi hình thành những tập đoàn lớn, vững mạnh, phát triển những sản phẩm ưu tiên cho xã hội.
H.L (tổng hợp)