Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân rộng mô hình tự quản hay

10:11, 02/11/2016

Bên cạnh những cơ quan quản lý Nhà nước, các tầng lớp nhân dân cũng đang tham gia đóng góp tích cực và trực tiếp vào việc bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, trộm cắp tài sản...

Bên cạnh những cơ quan quản lý Nhà nước, các tầng lớp nhân dân cũng đang tham gia đóng góp tích cực và trực tiếp vào việc bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, trộm cắp tài sản...

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới (bìa trái) trao đổi với thành viên ban ấp xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom về việc thực hiện mô hình tự quản.
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới (bìa trái) trao đổi với thành viên ban ấp xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom về việc thực hiện mô hình tự quản.

Đóng góp này của người dân không chỉ tự phát theo kiểu “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” mà đã trở thành thói quen, phản xạ, có quy ước, nề nếp cụ thể thông qua các tổ tự quản.

Từ nông thôn...

Ở hầu khắp các xã hiện nay đều có mô hình tự quản liên gia với những tên gọi khác nhau, như các xã: Bảo Bình, Xuân Đông, Xuân Mỹ, Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) có mô hình 1-4; tại xã Bình Minh, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) có mô hình 1+4; ở xã Trà Cổ (huyện Tân Phú)  với mô hình 1+5; ở xã Phú Vinh (huyện Định Quán), xã Mã Đà, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) có mô hình tổ liên gia tự quản...

Điểm chung của mô hình tự quản liên gia này là mỗi gia đình cựu chiến binh, công an, dân quân đóng vai trò nòng cốt để chung sức cùng 4 (hoặc 5 hay nhiều hơn) hộ dân khác phối hợp giữ gìn an ninh trật tại khu dân cư. Điều này đã góp phần cùng các cơ quan chức năng ổn định tình hình an ninh trật tự, giáo dục con em tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật. Nhờ đó, những vụ thanh niên điều khiển xe máy phóng nhanh, nẹt pô, lạng lách gây nguy hiểm cho người đi đường đã giảm đi đáng kể.

Công an xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ) và người dân  ấp Tân Bảo thực hiện mô hình “Tiếng kẻng an ninh”.
Công an xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ) và người dân ấp Tân Bảo thực hiện mô hình “Tiếng kẻng an ninh”.

Trong đó phải kể đến thành công của xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ). Từ một xã có tình hình an ninh trật tự, trộm cắp diễn ra thường xuyên, song nhờ thực hiện mô hình 1-4 mà đã trở thành địa bàn an ninh. Đến nay, cách làm này đã được triển khai ở cả 9 ấp của xã Xuân Đông với 4.121 hộ dân toàn xã tham gia và nhận được sự đồng tình cao từ phía người dân. Bà Phạm Thị Mến (ngụ xã Xuân Đông) cho hay: “Tôi thấy từ khi cách làm này được triển khai, tình hình an ninh được bảo đảm, bà con an tâm làm ăn”.

Ngoài tự quản liên gia thì mô hình “Tiếng kẻng an ninh” do công an các xã thực hiện cũng đang có những đóng góp tích cực. Trong đó, tất cả các xã tại huyện Cẩm Mỹ, xã Quảng Biên (huyện Trảng Bom), xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch)... đã góp phần giảm tệ nạn trộm cắp, trả lại yên bình nơi vùng quê.

Với mô hình này, lực lượng công an xã cùng nhân dân ở mỗi ấp tìm kiếm những vật dụng bằng kim loại khi gõ phát ra âm thanh lớn treo ở nhà, đề ra quy ước tiếng gõ (như tiếng gõ dồn dập là báo có trộm cướp, gõ từng đợt liên tục là báo có người lạ vào khu dân cư, gõ từng tiếng cách quãng với thời gian kéo dài là thông báo đến dự họp...). Theo ông Lù Phạm Chương (ngụ tổ 13, ấp Tân Bảo, xã Bảo Bình): “Do đây là khu rẫy trồng cây lâu năm nên trong ấp nhà này cách nhà kia khá xa. Lợi dụng tình trạng thưa vắng dân cư, kẻ xấu ngang nhiên vào nhà dân trộm chó, nông sản mà gia đình tôi cũng từng là nạn nhân. Nhưng từ năm 2013, khi mô hình “Tiếng kẻng an ninh” được công an xã triển khai xuống ấp thì tình trạng này đã giảm hẳn. Bởi chỉ cần cảm thấy nghi vấn là bà con gõ kẻng báo động cho cả ấp đến địa điểm có người khả nghi xuất hiện, nên bọn giang hồ bất hảo cũng ngán tiếng kẻng này lắm”.

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới cho rằng để các mô hình tự quản có sự lan tỏa sâu rộng, thời gian tới, bên cạnh việc khảo sát, đánh giá dư luận để kịp thời nắm rõ tình hình, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tiến hành tổng hợp, đánh giá hiệu quả cũng như xác định số lượng các mô hình để thông tin đến các tầng lớp nhân dân. Từ đó, địa phương nào nhận thấy mô hình nào là phù hợp với địa bàn sẽ tiến hành học tập, triển khai.

Ngoài những mô hình kể trên thì tại 2 xã Bắc Sơn, Cây Gáo (huyện Trảng Bom) hay tại khu Bàu Sen (ấp 3, xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch)... đều có các tổ tự quản về an ninh trật tự, mô hình “Giáo dục con em không vi phạm tệ nạn xã hội” để tham gia tuần tra canh gác trên các tuyến đường, cùng giáo dục con em không vi phạm pháp luật, không vướng vào tệ nạn xã hội. “Mô hình này được chúng tôi thực hiện từ năm 2013 đến nay. Ngoài tuyên truyền trong các buổi họp dân ở tổ, ấp, vào ban đêm chúng tôi còn liên hệ trực tiếp với phụ huynh để đến tận nhà tuyên truyền cho con em trong xã. Mục đích chính khi chúng tôi thực hiện mô hình này là tuyên truyền và phối hợp cùng phụ huynh giáo dục đạo đức, lối sống cho các em ngay từ gia đình chứ không ỷ lại vào trường lớp, xã hội. Nhờ vậy mà từ năm 2014 đến nay tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, thanh thiếu niên, học sinh không vi phạm pháp luật hay vướng vào thói hư, tật xấu” - bà Vũ Thị Xuân Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cây Gáo, nói.

...đến thành thị

Ở khu vực thành thị, thị trấn, thị tứ sầm uất với mật độ dân số cao cũng xuất hiện nhiều cách làm hay trong công tác đảm bảo an ninh trât tự, phòng chống tệ nạn xã hội, như: đội xe ôm tự quản của Công an thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom); đội dân phòng xe ôm ở các xã: Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất), Phước Bình, An Phước (huyện Long Thành), xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch)...

Theo đại diện Công an huyện Long Thành, tại các xã Phước Bình, An Phước khi xảy ra tai nạn giao thông, điểm ùn tắc giao thông, các thành viên trong đội xe ôm tự quản với trang phục đồng bộ sẽ triển khai để cứu giúp người bị nạn, bảo vệ hiện trường, điều tiết giao thông trước khi lực lượng chức năng đến nơi xảy ra sự cố. Nhờ có những đội xe ôm tự quản này mà nhiều trường hợp người bị nạn được cứu chữa kịp thời, tình hình kẹt xe, ùn ứ phương tiện giao thông nhanh chóng được giải quyết.

Đặc biệt, để nắm vững tình hình ở những khu vực tập trung đông người từ các nơi đến thuê nhà ở để làm ăn, sinh sống, học tập... đã xuất hiện tổ tự quản về an ninh trật tự, trong đó có Tổ tự quản về an ninh trật tự số 1 (KP.5A, phường Long Bình) và Tổ xung kích tình nguyện phòng chống tội phạm KP.7 phường Tân Phong
(TP.Biên Hòa); mô hình tự quản về an ninh, trật tự khu nhà trọ ở xã Bắc Sơn (KP.1, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom); Câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ phường Xuân Trung (TX.Long Khánh)...

Trong đó, tại KP.5, phường Long Bình, nơi có gần 5 ngàn công nhân đang tạm trú để làm việc tại các khu công nghiệp, rất nhiều mô hình đã được triển khai. Theo ông Đàm Văn Nhượng, Trưởng KP.5, số dân tạm trú ở khu phố còn đông hơn cả dân thường trú (4.800 khẩu). Do vậy để đảm bảo an ninh trật tự, quản lý tốt địa bàn, nhất là tại các khu vực nhà trọ, các đoàn thể ở khu phố đã triển khai nhiều việc làm cụ thể, như: xây dựng mô hình nhà trọ văn hóa; tổ chức tuyên truyền pháp luật về tạm trú, tạm vắng, an toàn giao thông, phòng ngừa tội phạm ma túy, mại dâm… cho người ở trọ và nhân dân thường trú.

Chưa tạo sự lan tỏa

Một trong những hạn chế mà các mô hình tự quản còn gặp phải, đó là hiện mỗi mô hình chỉ đang gói gọn trong một phạm vi ấp, khu phố, xã, phường nhất định chứ chưa có sự lan tỏa. Nguyên nhân chính của việc này là do các địa phương, đơn vị còn thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự phối hợp, liên kết trong thực hiện.

Ngoài ra, số quần chúng nhân dân đóng vai trò là đầu tàu, góp sức trong việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn chưa đồng đều. Thêm vào đó, mỗi người đều làm với lòng nhiệt tình là chính, vậy nên mới có tình trạng khi mô hình, tổ tự quản mới ra đời thì có đông người tham gia, một thời gian sau thì thưa vắng dần.

Văn Truyên

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều