Đúng ngày này cách đây 99 năm, cuộc Cách mạng tháng Mười Nga do V.I.Lê-nin và Đảng Bolshevik lãnh đạo đã thành công. Đây là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên giành được thắng lợi trọn vẹn, biến người nô lệ thành người tự do.
Đúng ngày này cách đây 99 năm, cuộc Cách mạng tháng Mười Nga do V.I.Lê-nin và Đảng Bolshevik lãnh đạo đã thành công. Đây là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên giành được thắng lợi trọn vẹn, biến người nô lệ thành người tự do.
Lãnh tụ V.I.Lê-nin đã lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Mười Nga. |
Theo lịch sử nước Nga, trong năm 1917 ở Nga xảy ra 2 cuộc cách mạng: cuộc cách mạng thứ nhất là cách mạng tư sản, nổ ra vào tháng 2 (theo lịch cũ của Nga) hay tháng 3 (theo lịch hiện đại); cuộc cách mạng thứ 2 là cách mạng vô sản, nổ ra vào tháng 10 (theo lịch cũ của Nga), hay tháng 11 (theo lịch hiện đại).
* Giải phóng nhân dân khỏi ách bóc lột
Ở cuộc Cách mạng tháng Hai, giai cấp công nhân và nông dân Nga lật đổ chế độ chuyên chế Nga hoàng, lập ra các Xô-viết, đại biểu của công nhân, binh sĩ. Nhưng Xô-viết ở Petrograd là cơ quan Trung ương toàn Nga lại nằm trong tay chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản. Do vậy, sau Cách mạng tháng Hai năm 1917, tình hình nước Nga có 2 chính quyền song song tồn tại: Xô-viết của công nhân, binh sĩ và chính phủ lâm thời.
Ông Dmitry Alekseev, Phó lãnh sự Tổng lãnh sự quán Liên bang Nga tại TP.Hồ Chí Minh, khi nói về Cách mạng tháng Mười đã tự hào cho biết đây là cuộc cách mạng biểu hiện giá trị tình yêu đất nước của nhân dân Nga, thể hiện tinh thần đoàn kết, vai kề vai, nền tảng vững chắc của Nhà nước Nga, vì tinh thần bảo vệ quyền con người, quyền tự do, dân chủ, chân lý. Đất nước Nga đã trải qua con đường đầy khó khăn từ những năm đầu thập niên 90, giờ đây đang tiếp tục đối mặt những thách thức mới nhưng với sức mạnh từ tổ tiên, nhân dân Nga có quyền tự hào về những thành tựu trong lao động, cống hiến, công lý, Tổ quốc và niềm tin. Nga và Việt Nam đã có quan hệ lâu bền, có sự tương đồng giữa 2 dân tộc, 2 nước luôn hiện hữu sự tin cậy, giang tay giúp đỡ nhau. |
Để chấm dứt tình hình trên, V.I.Lê-nin và Đảng Bolshevik tích cực xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, chuẩn bị điều kiện cần thiết để tiến tới giành chính quyền khi thời cơ đến.
Rồi thời cơ cũng đến, nhất là sau sự kiện chính phủ lâm thời ra lệnh bắn vào đoàn biểu tình của công nhân và binh lính ở Petrograd tháng 7-1917, nên sự bố trí lực lượng giai cấp ở Nga có sự thay đổi cơ bản. Trong thư gửi các ủy viên Trung ương Đảng vào tối ngày 24 tháng mười (tức 6-11-1917), V.I.Lê-nin chỉ thị: “Vô luận trong trường hợp nào, vô luận vì một lý do nào cũng không được để chính quyền nằm trong tay Kérensky và đồng bọn cho đến ngày 25 tháng mười; việc đó tuyệt đối phải được giải quyết ngay tối nay hay đêm nay. Lịch sử sẽ không tha thứ cho những người cách mạng có thể thắng lợi hôm nay (và chắc chắn sẽ thắng lợi hôm nay) mà lại để chậm trễ... Những người cách mạng sẽ phạm tội ác vô cùng lớn nếu họ bỏ mất thời cơ”. Việc thực hiện nghiêm túc kế hoạch khởi nghĩa này đã bảo đảm cho cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười thắng lợi trọn vẹn.
Ngay sau khi cách mạng tháng Mười Nga thành công, V.I.Lê-nin và Đảng Bolshevik lãnh đạo nhân dân bắt tay vào xây dựng Nhà nước cách mạng. Thực hiện “sắc lệnh về ruộng đất”, nhằm giải phóng nhân dân khỏi ách bóc lột hàng ngàn năm của giai cấp địa chủ phong kiến; thi hành “chính sách dân tộc” trên tinh thần tôn trọng quyền tự quyết và bình đẳng giữa các dân tộc, xóa bỏ “nhà tù của các dân tộc” dưới chế độ chuyên chế Nga hoàng; công bố “Sắc lệnh về hòa bình”, mở ra mối quan hệ quốc tế mới, hòa bình, hữu nghị...
* Tự hào về cách mạng tháng Mười Nga
TS. Đặng Mạnh Trung, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tỉnh Đồng Nai, cho rằng Cách mạng tháng Mười Nga là sự kiện lịch sử chính trị trọng đại không chỉ đối với nhân dân Nga mà còn là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam và nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Cuộc cách mạng tháng Mười Nga đã giúp cho cách mạng Việt Nam thoát khỏi tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước và đã mở ra cho dân tộc Việt Nam con đường đấu tranh giành lại độc lập, giành lại quyền làm người.
Nhân kỷ niệm 99 năm Cách mạng tháng Mười Nga, Hội Hữu nghị Việt Nam- Liên bang Nga tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, như giới thiệu về Cách mạng tháng Mười Nga; triển lãm các hoạt động hữu nghị về mối quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga; giao lưu, chia sẻ về con người, đất nước Nga… |
Đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga, những người cộng sản và nhân dân Việt Nam đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945; cổ vũ cho nhân dân Việt Nam đấu tranh bền bỉ, anh dũng, giành thắng lợi cuối cùng, thống nhất Tổ quốc vào ngày 30-4-1975. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhân dân Việt Nam mãi mãi nhớ ơn cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 vĩ đại.
Giữa Việt Nam và Liên Xô (trước đây), nay là Liên bang Nga đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào ngày 30-1-1950. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của nhân dân Việt Nam cũng như sau năm 1975, nhân dân Liên Xô luôn kề vai sát cánh giúp đất nước ta trên nhiều lĩnh vực, như: kinh tế, khoa học, giáo dục và y tế.
Ông Huỳnh Văn Tâm, nguyên Bí thư Thành ủy Biên Hòa, một trong nhiều người con Đồng Nai đã được cử đi đào tạo ở Liên Xô, chia sẻ ông từng tốt nghiệp Trường đại học tổng hợp quốc gia Kiev, rồi về nước giảng dạy, sau đó tiếp tục sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, đến năm 1974 tốt nghiệp. Quá trình học tập ở Liên Xô, ông và các bạn sinh viên Việt Nam được đón nhận tình cảm rất ưu ái của các bạn Liên Xô. Lúc học ở Trường đại học tổng hợp quốc gia Kiev, có sinh viên Việt Nam và sinh viên nhiều nước khác nhưng riêng sinh viên Việt Nam được học môn quân sự, được học bắn súng. Đây là một ưu ái của nhà trường dành cho sinh viên Việt Nam. Sinh viên Việt Nam còn được tạo mọi điều kiện nghiên cứu khoa học. Trong các tiết học, sinh viên Việt Nam được xếp ngồi ở trước. Về ở ký túc xá, cứ 1 sinh viên Việt Nam được ở chung với 1 người Nga để giúp nói tiếng Nga tốt hơn. “Được học tập ở Nga 8 năm, với tình cảm tốt đẹp, chân tình mà con người, đất nước Nga dành cho tôi, nước Nga luôn ở trong trái tim tôi” - ông Tâm xúc động nói.
Sinh viên các trường đại học ở Đồng Nai xem triển lãm các hoạt động về mối quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga do Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày 4-11. |
Ở Đồng Nai còn có những “chứng nhân” lịch sử khác thể hiện mối quan hệ 2 nước là công trình Nhà máy thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu). Nhà máy được xây dựng với sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ của Liên Xô từ năm 1984, đến năm 1991 chính thức đi vào hoạt động. Năm 2016, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã tổ chức 2 đoàn xúc tiến thương mại đến Liên bang Nga. Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (huyện Long Thành), người được tham gia đoàn xúc tiến thương mại của tỉnh đến Liên bang Nga vừa qua, bày tỏ lần đầu tiên được đặt chân đến nước Nga, ông thật sự ngỡ ngàng: “Đất nước Nga to đẹp, kiến trúc tuyệt vời… Các doanh nghiệp của Đồng Nai mong muốn được làm ăn với một số doanh nghiệp Nga, học hỏi kinh nghiệm từ nước Nga. Ngày 18-7-2016, Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tỉnh Đồng Nai được thành lập. Hy vọng Hội sẽ là cầu nối để nâng cao quan hệ giữa Đồng Nai với đất nước Nga ngày càng phát triển hơn”.
Phương Hằng