Báo Đồng Nai điện tử
En

Truyền ''lửa'' cho thế hệ sau

10:11, 30/11/2016

Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 2-12-1956 đã trở thành mốc son chói lọi, bổ sung thêm nhân lực, vật lực cho cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.

Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 2-12-1956 đã trở thành mốc son chói lọi, bổ sung thêm nhân lực, vật lực cho cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.

Ông Nguyễn Tấn Ngọc (ngụ phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) kể cho các cháu nghe thành tích mà ông và những người bạn tù đã được Nhà nước ghi nhận trong kháng chiến.
Ông Nguyễn Tấn Ngọc (ngụ phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) kể cho các cháu nghe thành tích mà ông và những người bạn tù đã được Nhà nước ghi nhận trong kháng chiến.

[links()]Bên cạnh ý nghĩa to lớn ấy, cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp còn cổ vũ động viên những cán bộ, đảng viên, những người dân yêu nước bị giam cầm trong các nhà tù tiếp tục chiến đấu, nuôi dưỡng khát vọng trở về tiếp tục cống hiến cho cách mạng.

Khát vọng trở về

Sau nhiều lần thoát khỏi sự truy bắt của địch, tháng 6-1968, trong một lần đi họp mặc dù đã hóa trang rất kỹ nhưng bà Văn Thị Chích (tên thường gọi là Mười Sen, hiện ở xã Hóa An, TP.Biên Hòa) bị chỉ điểm và bị bắt đưa về Ty Cảnh sát Biên Hòa. Tại đây, bà bị chúng dùng những hình thức tra tấn, đánh đập dã man. Theo lời kể của bà, ban đầu chúng dùng ma trắc, giày đinh, nắm đấm, cùi chỏ... quật, nện, đá, đạp vào người bà như mưa suốt mấy tiếng đồng hồ mà không có kết quả nên địch chuyển sang “quay điện”. Lúc đó, toàn thân bà giật bắn lên, ngất xỉu tại chỗ. Địch tiếp tục tạt nước cho tỉnh rồi quay điện khiến bà chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Dã man hơn, chúng còn đổ nước xà phòng vào bụng, tréo gà, bẻ sườn, đi “máy bay”, “tàu lặn”... song bà vẫn kiên cường giữ vững khí tiết người cộng sản. Sau 2 tháng đánh đập, tra tấn mà không được gì, địch chuyển về Nhà lao Thủ Đức, khám Chí Hòa, Côn Đảo và cho đến cuối năm 1970 chuyển về Nhà lao Tân Hiệp.

Cùng thời điểm cuối năm 1970, bà Lê Thị Đức (hiện ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chuyển từ Nhà tù Côn Đảo về Nhà lao Tân Hiệp. Nhớ lại khoảng thời gian ở nhà lao, bà Đức cho biết như những trại giam khác mà bà đã từng đi qua, cuộc đấu tranh tại Nhà lao Tân Hiệp luôn mạnh mẽ mặc dù bị địch đàn áp cũng khốc liệt không kém. Bà còn nhớ trong hơn 2 năm bị giam cầm tại đây, bà đã cùng với anh em tù nhân tổ chức 4 cuộc đấu tranh lớn và một cuộc tuyệt thực chống lại chiêu bài chia rẽ, chống đàn áp tù nhân bằng lựu đạn cay, đòi dân sinh dân chủ... Trong những lần đấu tranh, địch đã tung cả trăm trái lựu đạn cay vào phòng khiến cho nhiều chị em bị thương, bị phỏng, ngộp, ngất xỉu...

Bị bắt bớ, đánh đập tra tấn đến “thừa sống thiếu chết” nhưng vì khát vọng trở về với cách mạng, khát vọng được tự do vẫn luôn thôi thúc khiến những người tù yêu nước quyết tâm đấu tranh đến cùng, thậm chí có người tù vượt ngục bị địch phát hiện bắt lại, đánh đập dã man nhưng vẫn nuôi ý chí vượt ngục lần thứ 2.

Từ khi còn là một thiếu niên 16 tuổi, ông Nguyễn Tấn Ngọc (hiện ở phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) đã tham gia rải truyền đơn tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia cách mạng. Năm 17 tuổi, ông bắt đầu nếm trải tù đày trong các ty cảnh sát, khám, nhà tù, nhà lao, như: Gia Định, Chí Hòa, Côn Đảo, Tân Hiệp. Kể lại lần vượt ngục đầu tiên nhưng bất thành tại Nhà lao Tân Hiệp, ông Ngọc cho hay hôm đó là đêm một ngày tháng 5-1970, ông Ngọc và một số anh em bạn tù đã dỡ nóc nhà lao trốn ra ngoài, nhưng trên đường trở về căn cứ đã bị địch bắt lại. Cả tháng trời sau đó, ông bị địch đánh đập, tra tấn, đưa ra tòa và bị kết án thêm 3 năm tù.

Viết tiếp trang sử vẻ vang

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp (2-12-1956) đã lùi vào quá khứ. Đối với những cựu tù chính trị, cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp cũng như khoảng thời gian sau này chiến đấu trong nhà tù mãi là những ‘’thước phim cuộc đời’’ khó quên thì đối với các thế hệ sinh sau đẻ muộn, sự kiện này mãi là niềm tự hào, từ đó trở thành động lực để thế hệ trẻ hôm nay vững tin, vượt qua những khó khăn, thử thách viết tiếp truyền thống vẻ vang của  thế hệ đi trước.

Đồng chí Đặng Mạnh Trung, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết thế hệ trẻ là những người chủ tương lai của đất nước. Vì vậy, công tác giáo dục thế hệ trẻ, trong đó có giáo dục lý tưởng cách mạng luôn được Đảng và Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Gần đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 42 về ‘’Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng các mạng, đạo đức và lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ’’ đã huy động sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể. Về phía tổ chức Đoàn, từ Trung ương đến địa phương đều đã ban hành nghị quyết, đề án liên quan đến giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống... cho thế hệ trẻ.

Với vai trò là thủ lĩnh của đoàn viên, thanh niên tỉnh, chị Bùi Thị Bích Thủy, Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết thời gian tới Tỉnh đoàn sẽ đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên thanh thiếu niên. Tổ chức tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và coi đây là tình cảm, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với những người đi trước. Tổ chức nhiều hoạt động khuyến khích đoàn viên, thanh niên học tập, nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong lao động... đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, đơn vị.

Nga Sơn

Sự kiện cũ hướng tới giá trị mới

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho biết việc Đồng Nai kỷ niệm 60 năm cuộc vượt ngục của tù chính trị Nhà lao Tân Hiệp mang nhiều ý nghĩa. Trước hết, là dịp để những người lớn tuổi, những người từng tham gia vào sự kiện vượt ngục ngày 2-12-1956 hồi tưởng, tưởng nhớ đồng đội. Nhưng quan trọng hơn, với số đông những người trẻ tuổi, nhất là học sinh, sinh viên hôm nay chưa bao giờ trải qua chiến tranh, thấy được công sức, sự hy sinh rất lớn của cha, ông mình.

Đầu tiên phải khẳng định, có những năm tháng lao tù, chiến đấu, hy sinh của cha, ông mới có ngày hôm nay. Trong lao tù, chiến sĩ cách mạng vẫn nuôi ý chí trở về đội ngũ, tiếp tục đấu tranh. Cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đồng bào ta phải có một ý chí kiên cường, tinh thần kỷ luật, ý thức tổ chức mới có thể làm nên sự kiện ngày 2-12-1956.

Những người tù chính trị dù chịu sự giám sát chặt chẽ, khổ ải nhưng vẫn giữ được đội ngũ, vẫn thành lập được hạt nhân chi bộ Đảng; tập hợp được cán bộ, đảng viên có những việc làm làm kẻ thù bất ngờ, gần 500 chiến sĩ đã vượt ngục thành công, tiếp tục trang bị, bổ sung cho lực lượng cách mạng.

Cuộc vượt ngục của các chiến sĩ cách mạng ở Nhà lao Tân Hiệp ngày 2-12-1956 khởi đầu cho những cuộc đấu tranh của nhân dân ta, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Đương nhiên, không quên tưởng nhớ 22 chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc vượt ngục Nhà lao Tân Hiệp.

 Di tích lịch sử là chứng tích vật chất, nhưng chứa đựng trong đó những giá trị tinh thần hay nói theo ngôn ngữ nghề nghiệp, nó là giá trị vật thể. Để phát huy được giá trị Nhà lao Tân Hiệp, việc bảo tồn những không gian lịch sử, kiến trúc lịch sử, hiện vật lịch sử, kể cả bảo tồn ký ức lịch sử, tư liệu, hồi ức là điều quan trọng vì, con người rồi đến lúc phải ra đi... Việc bảo tồn sẽ góp phần làm thế hệ sau nhận thức trung thực về quá khứ. Điều quan trọng nói được sức sống, ý chí của người cách mạng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng trải qua nhà tù quân phiệt của Trung Hoa, trong bài thơ của mình, Bác đã viết: “…thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao…”. Dù trong lao tù, tinh thần vẫn gắn bó thực tiễn đời sống, gắn với thực tiễn cách mạng, luôn luôn nuôi ý chí có ngày ta vượt qua song sắt, gông xiềng của nhà tù, tiếp tục tham gia chiến đấu cùng cách mạng. Thực tiễn sự kiện của Nhà lao Tân Hiệp là như vậy. Với ý chí của những người cách mạng, gần 500 chiến sĩ đã trở về với đội ngũ, tiếp tục tham gia chiến đấu cùng đồng đội. Sau này, có người trở thành anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa…

Nhà lao Tân Hiệp có giá trị lịch sử rất lớn, làm sao cho không gian di tích mỗi lần các bạn trẻ đến tham quan, nhận thức được giá trị lịch sử, vì lịch sử không lặp lại. Từ lịch sử, các bạn trẻ phải biết biến ý chí đời thường của chính mình thành hiện thực. Thế hệ trẻ phải luôn nghĩ, ngồi trong tù mà các chiến sĩ cách mạng, đồng bào ta vẫn nuôi ý chí, tại sao chúng ta không vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống?

Phương Hằng (ghi)

 

Tin xem nhiều