Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến ngày một khó khăn do những thay đổi về địa hình, địa vật theo thời gian.
Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến ngày một khó khăn do những thay đổi về địa hình, địa vật theo thời gian. Khó khăn lớn hơn, đó là những nhân chứng tham gia chiến đấu, trực tiếp thực hiện hoặc chứng kiến việc chôn cất liệt sĩ khi hy sinh nay không còn nhiều.
TX.Long Khánh tiến hành truy điệu và an táng 7 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy ở phường Xuân Thanh. Ảnh: C. Nghĩa |
Vì thế, sau những cuộc tìm kiếm và quy tập được số lượng lớn hài cốt liệt sĩ từ năm 2013 tới 2015, thời gian qua tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc thu thập, tiếp nhận thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ còn chưa tìm thấy. Nhiều thông tin người dân cung cấp thực sự có giá trị và đã góp phần không nhỏ vào kết quả tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Những nguồn tin quý
Đại tá Trương Quang Châu, Phó chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết mỗi thông tin về nơi nghi chôn cất hài cốt liệt sĩ do các cựu chiến binh hay người dân cung cấp đều rất đáng trân trọng. Nhiều người dân và doanh nghiệp ngoài cung cấp thông tin nơi chôn cất hài cốt liệt sĩ còn góp tiền, ngày công để phục vụ công tác khai quật. Thời gian tới, những thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ sẽ tiếp tục được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh nghiên cứu và triển khai.
Ông Nguyễn Văn Lai (ngụ KP. 2, phường An Bình, TP.Biên Hòa) đã cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương về nơi chôn cất của 4 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Nhờ vậy lực lượng tìm kiếm hài cốt của tỉnh và TP.Biên Hòa đã quy tập được 4 bộ hài cốt liệt sĩ, đều có danh tính cụ thể. Cả 4 liệt sĩ này đã được đưa về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh một cách trang trọng.
Trong 9 tháng của năm 2016, từ những nguồn tin được cung cấp, lực lượng tìm kiếm của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã tìm được 14 hài cốt liệt sĩ, trong số này có 3 hài cốt đã xác định rõ danh tính và 11 hài cốt chưa xác định được danh tính. |
Tương tự, ông Nguyễn Quang Vũ, thành viên Ban Liên lạc Tiểu đoàn 440, Bà Rịa - Long Khánh và bà Phạm Thị Lan (ngụ KP.5, phường Xuân Bình, TX.Long Khánh) cũng là những người cung cấp thông tin quan trọng, giúp lực lượng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của tỉnh và TX.Long Khánh khai quật được 2 hố chôn liệt sĩ tại phường Xuân Thanh (TX.Long Khánh). Trong 2 hố chôn liệt sĩ nói trên, có 1 hố chôn tập thể gồm 6 hài cốt và 1 hố chôn cá nhân.
Còn ông Phạm Văn Lý (ấp Hưng Phát, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) trong khi làm rẫy đã phát hiện được 1 hài cốt gói trong áo mưa màu xanh. Ông Lý nghi đây có thể là hài cốt liệt sĩ vì vùng Hưng Thịnh trong kháng chiến chống Mỹ rất ác liệt, nên đã giữ nguyên hiện trường và báo cho chính quyền xuống khai quật. Theo Phòng Chính sách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, hài cốt tìm được tại rẫy nhà ông Lý khi được khai quật không rõ danh tính, đang trong quá trình tiếp tục xác minh. Tuy nhiên, tinh thần và ý thức của ông Lý rất đáng được khen ngợi.
Chạy đua với thời gian
Với tốc độ phát triển về kinh tế và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, địa hình, địa vật sẽ tiếp tục có sự thay đổi. Còn nhiều địa điểm khi có hài cốt liệt sĩ đã và đang được cơ quan chức năng tích cực khảo sát tìm kiếm nhưng chưa có kết quả, trong đó có khu vực Sân bay Biên Hòa (TP.Biên Hòa); các xã Bình Lộc, Suối Tre, phường Xuân Thanh (TX.Long Khánh); xã Bình Sơn, Phước Bình, Long An (huyện Long Thành)… Nhiều điểm nói trên hiện đã có các công trình và khu dân cư đông đúc nên việc tìm kiếm sẽ càng khó khăn hơn.
Đại tá Mai Xuân Chiến, Phó chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Phó ban Chỉ đạo 1237 về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh, cho biết công tác tìm kiếm các phần mộ liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến càng để lâu sẽ càng khó khăn hơn. Khó khăn lớn nhất hiện nay là thông tin cụ thể về nơi chôn cất liệt sĩ còn thiếu, nhiều nhân chứng trực tiếp tham gia chiến đấu, trực tiếp chôn cất liệt sĩ khi hy sinh nay đã già yếu, không còn đủ minh mẫn, hoặc đã qua đời. Bên cạnh đó, địa hình, địa vật tại các nơi được cho là chôn cất liệt sĩ hy sinh trước đây nay đã thay đổi gần như không còn nguyên trạng.
Trong khi đó, theo Hội Cựu chiến binh tỉnh, qua việc kiểm tra tại các địa phương thực hiện Đề án 1237 về tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, việc nâng cao ý thức công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở các địa phương, nhất là cấp xã hiện vẫn chưa được làm tốt, chưa sâu rộng, thông tin chưa đến được với người dân, do đó có thể ảnh hướng tới kết quả tìm kiếm. Đại diện Hội Cựu chiến binh huyện Nhơn Trạch cho biết có tình trạng doanh nghiệp khi xây dựng nhà xưởng phát hiện vật liệu nổ thì báo cho cơ quan chức năng tới xử lý, nhưng phát hiện thấy hài cốt thì “ngại” báo vì sợ phải tạm dừng thi công để phục vụ khai quật.
Tại hội nghị sơ kết công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh năm 2016, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo 1237 tỉnh nhấn mạnh để việc tìm kiếm hài cốt có kết quả cao hơn, cần thu thập và xử lý thông tin một cách khoa học, đồng thời việc khảo sát và quy tập hài cốt liệt sĩ phải thực hiện một cách bài bản, khen thưởng kịp thời, kiên quyết loại trừ xử lý nghiêm hình thức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ theo cách mê tín dị đoan.
Công Nghĩa