Nghị quyết của Tỉnh ủy từ nhiệm kỳ 2005-2010 đã đặt vấn đề, phải đổi mới việc quán triệt học tập nghị quyết của Đảng sao cho hiệu quả nhất, tạo hấp dẫn người nghe.
Nghị quyết của Tỉnh ủy từ nhiệm kỳ 2005-2010 đã đặt vấn đề, phải đổi mới việc quán triệt học tập nghị quyết của Đảng sao cho hiệu quả nhất, tạo hấp dẫn người nghe.
Hội nghị trực tuyến do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức. |
Thực hiện chủ trương này, những năm qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu và cùng các ngành chức năng tích cực thực hiện dự án hội nghị truyền hình trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Bước đầu, dự án được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp huyện.
* Tiết kiệm kinh phí và thời gian
Hiện nay, mỗi khi ở tỉnh triển khai học tập, quán triệt nghị quyết thì nội dung chính được phát đi từ điểm cầu hội trường Tỉnh ủy đến 11 điểm cầu hội trường các huyện, thị xã, thành phố. Ưu điểm lớn nhất của hội nghị truyền hình trực tuyến là cùng lúc tất cả các đối tượng đều được học tập nghị quyết ở một thời gian nhất định, thay cho việc triển khai theo kiểu truyền thống từng bước, từng cấp với các thời gian khác nhau như trước đây (cấp tỉnh trước, cấp huyện sau và cuối cùng là cấp cơ sở). Việc tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến đã tiết kiệm được thời gian di chuyển của cán bộ, đảng viên và báo cáo viên từ cơ sở về tỉnh và từ tỉnh về cơ sở; tiết kiệm được kinh phí tổ chức hội nghị.
Kết quả, từ năm 2014 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp các ban Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành tổ chức được 63 hội nghị trực tuyến, với 72.494 đại biểu tham dự. Hội nghị truyền hình trực tuyến không chỉ phục vụ học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng mà còn phát huy tác dụng trong sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo đó, trong số 63 hội nghị nói trên, có nhiều hội nghị giao ban của các sở, ngành; tập huấn giảng viên, báo cáo viên cấp ủy trực thuộc tỉnh; bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới và đảng viên trẻ trên địa bàn tỉnh; giáo dục chính trị hè cho giáo viên… cũng được thực hiện bằng hình thức truyền hình trực tuyến. Ngay cả dịp đoàn công tác Trung ương về kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị ở Đồng Nai năm 2014 cũng được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai bằng hình thức truyền hình trực tuyến.
* Nên mở rộng đến cấp xã
Dự án hội nghị truyền hình trực tuyến ở Đồng Nai được chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 2013-2014: thực hiện thử nghiệm dự án trên cơ sở các nội dung phục vụ công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, đào tạo từ xa; giai đoạn 2015-2016: thực hiện mô hình hội nghị trực tuyến từ Trung ương xuống tỉnh và từ tỉnh xuống huyện; giai đoạn từ năm 2016 trở đi: nghiên cứu mở rộng đầu tư đến cấp xã. |
Bên cạnh sự nổi trội về ưu điểm, hội nghị truyền hình trực tuyến cũng khó tránh khỏi một số hạn chế. Theo Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Nhơn Trạch Lê Ngọc Lân, nhiều lúc tỉnh tổ chức hội nghị truyền hình trực tuyến bị trùng lịch hội nghị của địa phương. Có hội nghị tỉnh triệu tập quá gấp, trong khi cùng thời gian đó huyện cũng có hội nghị đã chuẩn bị mọi điều kiện cho hội nghị, do đó để thực hiện hội nghị của tỉnh, huyện phải điều chỉnh cuộc họp, gây lãng phí.
Một lãnh đạo xã An Phước (huyện Long Thành) thì bày tỏ, hội nghị truyền hình trực tuyến cũng như truyền hình trực tiếp là mang tính độc thoại, không có sự tương tác, không có điều kiện trao đổi thông tin 2 chiều giữa báo cáo viên và người nghe; chỉ có một chiều người nói, còn người nghe muốn trao đổi thông tin để làm rõ một số vấn đề với báo cáo viên thì không thực hiện được.
Trong khi đó, Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Phú Phạm Thanh Hải nêu hội nghị truyền hình trực tuyến có lúc âm thanh không rõ, mất hình ảnh. Cán bộ ở huyện chưa hiểu hết về quy trình vận hành hệ thống đường truyền nên đôi khi còn lúng túng.
Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Long Khánh Phạm Văn Hoàng thì nhận xét, việc tổ chức hội nghị theo hình thức truyền hình trực tuyến là khâu đột phá, rất táo bạo của Đồng Nai nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Tuy nhiên, hiện còn thiếu quy định tạm thời về thực hiện hội nghị truyền hình trực tuyến. Mỗi lần tổ chức hội nghị trực tuyến, Ban Tuyên giáo Thị ủy phải cử 2 cán bộ phụ trách hệ thống máy móc, âm thanh, đường truyền, không làm được việc gì khác ngoài việc này. Cán bộ được phân công phụ trách hội nghị trực tuyến chịu nhiều áp lực với thường trực cấp ủy mỗi khi hệ thống bị trục trặc, song hiện chưa có chế độ phụ cấp cho cán bộ phụ trách công việc này. Hiện nay, địa điểm truyền hình trực tuyến ở Long Khánh cũng chưa được ổn định, lúc thì ở UBND huyện, lúc ở Ủy ban MTTQ, lúc ở Tổng công ty cao su Đồng Nai. Mỗi lần bị dời địa điểm, máy móc phải tháo lắp mất thời gian, tốn công, chất lượng bị ảnh hưởng. Tỉnh nên nghiên cứu triển khai hội nghị truyền hình trực tuyến thêm một cấp độ nữa: từ huyện đến xuống cơ sở. Như vậy, sẽ liên thông hoàn chỉnh từ tỉnh xuống huyện, xã, phường, thị trấn.
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Mạnh Trung cho biết dự án hội nghị trực tuyến mới vận hành nên còn một số trục trặc là điều không tránh khỏi. Tới đây, tỉnh sẽ quan tâm tập huấn cho cán bộ vận hành hệ thống dự án ở cấp huyện, khối để nâng cao kỹ năng vận hành. Còn về chế độ phụ cấp cho cán bộ phụ trách vận hành dự án phải theo quy định của UBND tỉnh, trong đó phải đạt yêu cầu, cán bộ phải vận hành thường xuyên, liên tục từ 20 máy trở lên mới được hưởng chế độ. Cho nên, các huyện động viên tinh thần làm việc của cán bộ là chính; công sức của một vài cán bộ bỏ ra là quý nhưng lại tiết kiệm được kinh phí tổ chức, thời gian đi lại cho hàng trăm, hàng ngàn cán bộ, đảng viên khác còn lớn hơn.
Phương Hằng