Linh mục Nguyễn Văn Việt, Chưởng ấn Tòa Giám mục Xuân Lộc, cho biết Giáo hội Công giáo lấy ngày 1-9 hàng năm làm "Ngày thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên".
Linh mục Nguyễn Văn Việt, Chưởng ấn Tòa Giám mục Xuân Lộc, cho biết Giáo hội Công giáo lấy ngày 1-9 hàng năm làm “Ngày thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên”.
Riêng tại Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam rất quan tâm đến bảo vệ môi trường. Trong thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2015 đã bày tỏ hy vọng: “Ước gì các giáo xứ trở thành những mẫu gương điển hình trong việc giữ gìn và bảo vệ môi sinh”. Giáo hội Công giáo cho rằng, muốn cứu vãn môi sinh, thiên nhiên, trái đất, quan trọng nhất là phải thay đổi lối sống từ cá nhân đến xã hội. Và với cách riêng của mình, Giáo phận Xuân Lộc đã áp dụng “Mười bốn mối thương người” vào 4 môi trường đặc biệt là: tự nhiên, lao động, giao thông và đạo đức.
Tại Giáo phận Xuân Lộc, Giám mục Đinh Đức Đạo đã cụ thể hóa mong ước đó thành hiện thực bằng việc chỉ ra những thực hành cụ thể trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường lao động, môi trường giao thông, môi trường luân lý và xem đây là những việc làm thể hiện “việc thương người”.
Đối với bảo vệ môi trường tự nhiên, Tòa Giám mục Xuân Lộc đề nghị đồng bào giáo dân tiết kiệm nước và không làm ô nhiễm nguồn nước; giữ gìn vệ sinh cho đất, không xả rác thải bừa bãi, không lạm dụng trời mưa đổ rác ra đường cho trôi sang nhà hàng xóm, gây nghẹt cống; không xả khí độc, bụi khói vào không khí; bảo vệ rừng và động vật hoang dã…
Hướng dẫn những việc cần làm trong lao động, sản xuất, giáo phận nhắc nhở các tín hữu phải góp phần bảo vệ sức khỏe của mọi người, vì vậy không được sản xuất rau bẩn. Nếu có phải dùng thuốc và hóa chất cho cây ăn trái, rau trồng thì dùng đúng loại, đúng lượng, đúng thời hạn để không gây nhiễm độc thực phẩm.
Giáo phận cũng đề nghị các tín hữu không được sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Việc kinh doanh, buôn bán phải luôn chân thật, ngay thẳng, không sản xuất, chế biến, buôn bán hàng giả, hàng bẩn, hàng độc hại.
Cùng tích cực hưởng ứng phong trào “bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”, giáo phận nhắc nhở giáo dân tôn trọng sinh mạng của mình cũng như của người khác khi tham gia giao thông; thực hiện nghiêm túc các chỉ dẫn, biển báo và tín hiệu giao thông; sẵn sàng giúp đỡ người bị tai nạn và có ứng xử công bằng, nhã nhặn, kiềm chế trong trường hợp xảy ra va chạm giao thông, không vì thế mà gây ra hiềm khích, ẩu đả.
Những hoạt động đó nhằm nâng cao đạo đức của tín hữu, giáo phận cũng khuyên răn mỗi người nỗ lực sống trung thực, coi trọng lương tâm; cộng tác tạo môi trường sống lành mạnh trong làng xóm; thông tin với tinh thần trách nhiệm, tạo bầu không khí yêu thương, xây dựng, tránh gây thù hằn, chia rẽ; không vô cảm trước các nỗi đau của người bên cạnh.
Để lan tỏa tinh thần đoàn kết, thương yêu đến mọi người, vị chủ chăn của Giáo phận Xuân Lộc còn khích lệ: mỗi tín hữu khuyến khích nhau và mời gọi cả anh chị em không chung niềm tin cùng thực hiện những việc “thương người” cao quý này.
Với những chỉ dẫn cụ thể nêu trên, Giáo phận Xuân Lộc đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của mình đối với công tác bảo vệ môi trường và xem đây không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là đòi hỏi của niềm tin, là tinh thần, đạo đức Kitô giáo. Từ những việc làm thiết thực của giáo phận đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thống nhất ý chí và hành động, đồng lòng cùng cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp chăm lo cuộc sống của người dân ngày một tốt hơn và cùng chung sức xây dựng tỉnh nhà là nơi “an bình, hạnh phúc” với môi trường “xanh, sạch, đẹp”.
Thanh Nga