Báo Đồng Nai điện tử
En

Gia đình hạnh phúc, đẩy lùi bạo lực

04:06, 28/06/2016

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và nhất là sự ra đời của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình từ ngày 1-7-2008, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và nhất là sự ra đời của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình từ ngày 1-7-2008, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực.

Một gia đình tham quan triển lãm ảnh gia đình tại ngày hội “Gia đình yêu thương” do Nhà thiếu nhi  Đồng Nai tổ chức.
Một gia đình tham quan triển lãm ảnh gia đình tại ngày hội “Gia đình yêu thương” do Nhà thiếu nhi Đồng Nai tổ chức.

Bên cạnh số vụ bạo lực giảm hàng năm, chuyển biến quan trọng của công tác phòng, chống bạo lực gia đình là góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và thúc đẩy xã hội phát triển.

* Những ‘’tế bào’’ hạnh phúc

Cùng là giáo viên, thời gian này đang nghỉ hè nên vợ chồng anh Nguyễn Văn Hoàng, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa) và chị Nguyễn Thị Thanh Thương, giáo viên Trường THCS Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) luôn dành thời gian cho nhau và chăm sóc cô công chúa nhỏ hơn 2 tuổi. Căn nhà rộng rãi, thoáng mát ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) của anh chị lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Qua lời kể của chị Thương, anh chị biết nhau khi cùng tham gia lớp luyện thi đại học và sau này học chung và cùng học liên thông tại một trường. Vợ chồng trẻ không tránh khỏi những trận tranh luận nảy lửa, song anh chị luôn biết điểm dừng đúng lúc và vì thế luôn giữ được hòa khí sau hơn 4 năm chung một mái nhà.

Trường hợp của vợ chồng chị Nguyễn Thị Đào và anh Nguyễn Tấn Minh, xã Hàng Gòn (TX.Long Khánh) đặc biệt hơn. Anh Minh bị chấn thương cột sống sau một tai nạn lúc còn trẻ nên khi biết chị yêu và quyết định kết hôn, người thân chị hết lời khuyên can nhưng không có kết quả. Chị Đào kể, những năm đầu cuộc sống của vợ chồng trẻ hết sức khó khăn. Để vừa lo cho các con vừa có tiền lo cho các em ăn học, anh chị làm đủ nghề, ai thuê gì làm nấy. Nhờ sự đồng lòng, đến nay anh chị đã mở trang trại nuôi ong lấy mật xuất khẩu, cuộc sống của gia đình mới dễ thở hơn, chị có điều kiện tham gia công tác xã hội.

Với gia đình anh Nguyễn Văn Thanh và chị Ngọc Thị Pẹp (cùng là công nhân Công ty cổ phần Taekwang Vina ở Khu công nghiệp  Biên Hòa 2 thì hạnh phúc chính từ sự đồng cảm. Sinh ra như bao đứa trẻ bình thường nhưng sau cơn sốt nặng, chân anh bị bại liệt, đi lại khó khăn. Mang trong mình mặc cảm khiếm khuyết, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, vì không muốn làm phiền tới người khác nên anh luôn tự động viên mình cố gắng. Niềm vui và sự tự tin đã trở lại khi anh gặp chị Ngọc Thị Pẹp - người cùng cảnh ngộ. Hạnh phúc khi được nên duyên vợ chồng và hạnh phúc ấy được nhân lên khi cả 2 có được một cô con gái hơn 3 tuổi lành lặn, xinh xắn. Cuộc sống vật chất còn nhiều thiếu thốn, song niềm vui và hạnh phúc vẫn luôn tràn ngập trong căn phòng trọ chật hẹp.

* Hạn chế bạo lực từ gia đình

Thời gian qua, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Số vụ bạo lực gia đình mà Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình thống kê được giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh xảy ra 777 vụ thì đến năm 2015 giảm còn khoảng gần 100 vụ.

Theo ThS. Lê Minh Công, bạo lực gia đình ảnh hưởng rất nặng nề đến cảm xúc, sự phát triển thể chất, trí tuệ và đạo đức của con trẻ. Nếu thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ bạo hành, trẻ sẽ có những biểu hiện rối loạn về tâm lý, sợ hãi, thiếu tự tin... ảnh hưởng đến học tập, kỹ năng sống và hòa nhập xã hội của trẻ. Nếu những đứa trẻ này không được quan tâm, giáo dục đúng mức thì các em dễ trở thành những đứa trẻ có vấn đề về nhân cách, đạo đức...

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (thuộc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch) thì đây là số liệu không chính xác so với số vụ xảy ra trong thực tế. Nguyên nhân là do khả năng nhận diện bạo lực gia đình còn hạn chế, cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở kiêm nhiệm nhiều việc, thiếu kinh nghiệm nên chưa thật sự sâu sát, chưa nắm bắt kịp thời các vụ bạo lực xảy ra trên địa bàn; một số đơn vị, địa phương “ém” vì sợ làm ảnh hưởng đến thành tích của tập thể. Bản thân nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình có tâm lý không nên ‘’vạch áo cho người xem lưng’’ nên đành ‘’ngậm bồ hòn làm ngọt’’, chỉ khi nào không chịu nổi mới báo chính quyền địa phương hoặc nhờ tư vấn miễn phí qua điện thoại.

Duy trì hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí từ nhiều năm nay và gần đây kiêm luôn nhiệm vụ của Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình nên Trung tá Lê Thị Lợi, Trưởng công an phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) đã tư vấn nhiều trường hợp liên quan đến bạo lực gia đình dưới các hình thức: bạo lực thân thể, bạo lực kinh tế, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục. Trung tá Lợi dẫn chứng, gần đây nhất là trường hợp chị N.T.V. và anh N.V.N. ở TP.Biên Hòa. Ban đầu 2 người cảm thấy mến nhau nên qua lại và có một đứa con. Vì ghen tuông nên anh N. mang con về phòng trọ của mình. Chị V. qua phòng trọ thăm con thì bị anh N. trói đánh.

Về góc độ tâm lý, ThS. Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lý Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh, cho hay phòng, chống bạo lực gia đình phải xuất phát từ chính các thành viên trong gia đình. Nếu họ không nhận thức được thì rất khó thay đổi. Đồng thời, bản thân các thành viên trong gia đình phải có kỹ năng để thay đổi, biết kiểm soát cảm xúc cá nhân...

Nga Sơn

 

 

 

 

Tin xem nhiều