Bà Phạm Thị Kim Chung, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy, cho biết qua đối thoại, lãnh đạo các cấp được nghe trực tiếp và nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc của nhân dân.
Bà Phạm Thị Kim Chung, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy, cho biết qua đối thoại, lãnh đạo các cấp được nghe trực tiếp và nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc của nhân dân. Trên cơ sở đó, người lãnh đạo có cái nhìn đầy đủ hơn về cơ chế chính sách, việc thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của các cơ quan chức năng, từ đó có định hướng lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các vấn đề phù hợp hơn.
Qua đối thoại, từng người dân được phản ánh trực tiếp ý kiến của mình với người có thẩm quyền cao nhất ở địa phương mà không phải phản ánh qua một cấp trung gian nào như trước; đồng thời được nghe lãnh đạo trả lời, giải thích ngay một số vấn đề.
* Lắng nghe dân nói
Tại buổi đối thoại diễn ra vào ngày 30-3-2016 giữa Chủ tịch UBND huyện Định Quán Nguyễn Thị Thanh Yên với người dân xã La Ngà, đã có 27 ý kiến phản ánh của người dân được chuyển đến lãnh đạo huyện. Trong đó, có ý kiến đề nghị xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sống tại khu tái định cư làng bè...
Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Quách Hữu Đức trả lời ý kiến tại buổi đối thoại trực tiếp với người dân. Ảnh: Thanh Phương |
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ phía người dân, Chủ tịch UBND huyện Định Quán đã chỉ đạo các cơ quan liên quan của huyện thực hiện trách nhiệm đối với người dân. Cụ thể, thống nhất thời điểm làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính là thời điểm người dân hoàn tất việc nộp hồ sơ. Với những trường hợp sai sót trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giao UBND xã rà soát để huyện điều chỉnh. Giao Phòng Tài nguyên - môi trường tổ chức thông báo cho người dân kê khai, xét duyệt hồ sơ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong quý II-2016 diện tích đất của các hộ dân nằm trong khu tái định cư làng bè…
Huyện Nhơn Trạch là một trong những huyện tiên phong tổ chức hội nghị đối thoại với người dân ở 12/12 xã trong huyện với lãnh đạo các xã từ năm 2012. Trong đó, Ban Dân vận Huyện ủy đã chọn 4 xã làm điểm tại hội trường UBND xã là: Phú Hội, Vĩnh Thanh, Phú Thạnh, Phước Thiền; các xã còn lại tổ chức đối thoại tận địa bàn các ấp. Chỉ trong năm 2015, các xã trong huyện đã tổ chức được 56 buổi đối thoại, với gần 5 ngàn người dân tham dự.
Ông Võ Văn Sơn, ở ấp Đất Mới, xã Phú Hội nhớ lại, vào cuối năm 2015, ông có ra UBND xã Phú Hội làm giấy khai sinh, hộ khẩu cho cháu nội của ông. Sau khi phải đi lại nhiều lần bổ sung giấy tờ, ông mới nộp xong hồ sơ, nhưng chờ đến ngày hẹn lấy hồ sơ vẫn chưa có, lại được trả lời hồ sơ đã mất. Nhờ cuộc đối thoại với lãnh đạo xã, hồ sơ của ông đã được giải quyết 2 ngày sau đó, kèm theo lời xin lỗi, nhận trách nhiệm của lãnh đạo xã cũng khiến ông nguôi ngoai phần nào bức xúc. Ông Sơn chia sẻ: “Tổ chức được các buổi đối thoại với dân là hay lắm. Có một số chuyện người dân bức xúc nhưng không biết nói ai, đây là cơ hội để người dân nêu lên những phản ánh, kiến nghị để chính quyền địa phương quan tâm khắc phục, tạo được niềm tin trong nhân dân”.
Phó trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nhơn Trạch Bùi Văn Tuội cho biết thời gian đầu triển khai đối thoại về các xã, người dân tỏ ra không tin tưởng nhiều vì lo ngại tình trạng “hứa nhiều mà giải quyết chẳng bao nhiêu” nên bà con còn phát biểu chung chung. Thế nhưng do các ý kiến phản ánh, kiến nghị của bà con đều được xem xét giải quyết ngay theo thẩm quyền của xã; vấn đề nào thuộc huyện thì kiến nghị huyện giải quyết, Ban Dân vận Huyện ủy cũng tham mưu cho lãnh đạo huyện chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện giải quyết nên càng về sau, người dân cũng đã thẳng thắn góp ý nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế của địa phương, ngoài các vấn đề, như: xây dựng trái phép, ô nhiễm môi trường, tình hình quản lý đất công, an ninh trật tự... Người dân còn góp ý cho đội ngũ cán bộ, công chức, từng cá nhân cụ thể để chính quyền địa phương có chấn chỉnh kịp thời.
* Bớt e ngại
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Biên Hòa Nguyễn Văn Khang cho hay, khi có chủ trương lãnh đạo cấp ủy và chính quyền đối thoại trực tiếp với nhân dân, nhiều đồng chí e ngại, băn khoăn không biết diễn biến của các buổi đối thoại sẽ ra sao. Nhưng khi tổ chức đối thoại, kết quả đem lại rất tốt. Các ý kiến, kiến nghị của nhân dân đều trên tinh thần xây dựng, mong muốn các cấp, ngành, cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trảng Bom Lưu Thị Thúy Hằng cho biết việc đối thoại với nhân dân được lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện thực hiện kịp thời đã giúp cho những trường hợp còn có điểm khác về cách nghĩ, việc làm giữa nhân dân với chính quyền địa phương được tháo gỡ để tìm đến tiếng nói chung, trong số này có thể kể đến những vụ việc liên quan đến giải quyết đền bù, tái định cư tại xã Giang Điền, Sông mây trong thời gian vừa qua. |
Sau buổi đối thoại, đồng chí Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan liên quan của thành phố, khắc phục ngay một số nội dung mà doanh nghiệp và nhân dân đã kiến nghị nhiều tại các buổi đối thoại. Theo đó đến nay, Chi cục Thuế Biên Hòa đã phối hợp Phòng Tài nguyên - môi trường, Phòng Tài chính - kế hoạch thành phố rà soát lại các chính sách liên quan đến thuế, đất đai, thủ tục hành chính... để hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh. Thành phố cũng đã trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh sớm triển khai dự án giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đoạn ngã tư vòng xoay Tân Hiệp và mở tuyến đường từ trung tâm phường Trảng Dài qua đường Nguyễn Ái Quốc, nối với đường Đồng Khởi; dự án đường ven sông Cái, đường trục trung tâm TP.Biên Hòa...
Trong tháng 4-2016, huyện Nhơn Trạch cũng đã tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Nhơn Trạch với nhân dân 6 xã: Vĩnh Thanh, Phước Khánh, Phú Đông, Phú Thạnh, Đại Phước và Phú Hội với chuyên đề về giải quyết các chế độ, chính sách cho hộ nghèo, người có công với cách mạng. Qua đối thoại, người dân đã phản ánh một số vấn đề, như: giải quyết chế độ còn chưa công bằng, thủ tục chuyển tuyến khám bảo hiểm y tế còn rườm rà... Thậm chí có vụ việc đã được quan tâm giải quyết ngay, như trường hợp ông Trần Văn Ơn ở xã Phú Thạnh kiến nghị huyện hỗ trợ sửa lại nhà tình nghĩa đã xuống cấp, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư Huyện ủy Quách Hữu Đức và Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Dũng, chính quyền xã Phú Thạnh đã nhanh chóng sửa chữa lại căn nhà tình nghĩa cho ông Ơn.
Tại Đồng Nai, việc đối thoại với dân đã trở thành việc làm thường xuyên, nhất là những sự việc phức tạp kéo dài. Bên cạnh đó, việc đối thoại với dân còn được lồng ghép vào việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chỉ thị 04 của Bộ Chính trị về những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Qua đó đã giúp cán bộ gần dân hơn, từ đó giảm bớt những bức xúc trong nhân dân. |
Bà Phạm Thị Kiều Thu, Chánh văn phòng Huyện ủy Nhơn Trạch, cho rằng qua buổi tiếp xúc cử tri giúp lãnh đạo huyện nắm được thực tế hơn, biết dân cần cái gì, cái gì cần khắc phục để có phương pháp chỉ đạo, điều hành cho sát thực tiễn. Qua đó mới thấy nhu cầu người dân mong huyện thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại rất lớn. Sắp tới, huyện Nhơn Trạch sẽ tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo huyện với người dân mỗi quý/lần, hướng tới 1 tháng/lần, tổ chức đối thoại theo từng xã; theo chuyên đề gồm những vấn đề nổi cộm ở từng địa phương.
Nhóm P.V VH-XH