Báo Đồng Nai điện tử
En

Đến với đồng bào bằng cả tấm lòng

10:05, 02/05/2016

"Bản chất của bà con người dân tộc thiểu số là chân thật, nên đến với đồng bào, người làm công tác dân tộc cũng phải chân thật".

“Bản chất của bà con người dân tộc thiểu số là chân thật, nên đến với đồng bào, người làm công tác dân tộc cũng phải chân thật”.

Các thí sinh người dân tộc thiểu số tham dự cuộc thi Người đẹp dân tộc do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức.
Các thí sinh người dân tộc thiểu số tham dự cuộc thi Người đẹp dân tộc do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức.

Đó là chia sẻ của ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, nhân 70 năm thành lập cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc. Ông Điểu Bảo cho biết, phần lớn thời gian công tác của ông liên quan đến công tác dân tộc. Ngay từ khi làm việc ở xã, huyện, ông đã phụ trách công tác dân tộc. Khi làm Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, ông cũng phụ trách công tác dân tộc. Đến khi trở thành đại biểu Quốc hội 3 khóa liên tục (khóa IX, X và XI), ông lại được bầu làm thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Từ năm 2008 đến nay, khi công tác tôn giáo chuyển về Sở Nội vụ và đổi tên Ban Tôn giáo - Dân tộc thành Ban Dân tộc, ông làm trưởng ban.

* Mong muốn điều tốt đến với đồng bào

Ông Điểu Bảo nhớ lại, trong kháng chiến công tác dân tộc ở Đồng Nai tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số đoàn kết một lòng hướng về cách mạng, đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Chiến tranh kết thúc, đội ngũ cán bộ dân tộc tỉnh đã tham mưu Đảng, Nhà nước tuyên dương những đóng góp to lớn của đồng bào dân tộc thiểu số trong 2 cuộc kháng chiến. Đến nay, đồng bào dân tộc Chơro, Mạ, S’Tiêng, Cơ ho ở các vùng Bù Cháp (huyện Tân Phú), Tà Lài, Lý Lịch (huyện Vĩnh Cửu), Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất), Định Quán, Trảng Bom, Long Khánh... đã được vinh danh có công với cách mạng, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương.

Không chỉ tri ân bằng tinh thần, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc còn tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện nhiều chính sách tác động tích cực đến cuộc sống của đồng bào. Từ chỗ kinh tế lạc hậu, đời sống thiếu thốn mọi thứ, nay mỗi năm ở Đồng Nai có hàng trăm hộ sản xuất - kinh doanh giỏi là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, năm 2015 có 20 hộ sản xuất - kinh doanh đạt lợi nhuận xấp xỉ 1 tỷ đồng; 4 hộ đạt lợi nhuận từ 1 đến hơn 1,5 tỷ đồng/năm.

Con em đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh ngoài việc học chung với con em đồng bào Kinh ở tất cả các trường, tỉnh còn xây riêng 3 trường dân tộc nội trú để phục vụ nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số. UBND tỉnh còn có chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên người dân tộc thiểu số đang theo học hệ đại học, cao đẳng chính quy ở các trường. Một số cán bộ người dân tộc thiểu số còn được đưa đi đào tạo ở nước ngoài...

* Phát huy vai trò người có uy tín

Ông Trương Long Châu, Phó ban Dân tộc tỉnh, nhận định làm công tác dân tộc hiện nay đã thuận lợi hơn nhiều so với trước, tuy nhiên khó khăn vẫn không phải ít. Trước đây, muốn nắm bắt tình hình trong đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ làm công tác dân tộc phải đi sâu, đi sát, trực tiếp xuống dân. Từ khi tỉnh xây dựng được đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua đội ngũ này việc nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả hơn.

Ông Điểu Bảo, khẳng định đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc trong toàn tỉnh hiện nay đã được đào tạo bài bản, đủ khả năng đáp ứng công việc thời kỳ hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, đây là công việc đặc thù, cán bộ làm công tác dân tộc luôn phải tận tâm với nghề, thường xuyên suy nghĩ để tham mưu cho tỉnh có những chính sách tốt hơn nữa cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thực sự là chỗ dựa, là nơi tin tưởng, gửi gắm niềm tin mỗi khi đồng bào cần đến.

Đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng rất tích cực cùng cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng không ngừng xây dựng tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, cảnh giác, đấu tranh trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho văn hóa các dân tộc ở Đồng Nai ngày càng phát triển, góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Theo ông Đặng Thanh Hiếu, Trưởng phòng Dân tộc TX.Long Khánh, đến nay Long Khánh cũng như các địa phương khác trong tỉnh đã mở được lớp dạy cồng chiêng cho đồng bào dân tộc. Phục dựng được một số lễ hội, như Tết Chol Chnam Thmay, lễ Sen Dolta, Ooc Om Boc của dân tộc Khmer; Tết Sayangva của dân tộc Chơro; Yang Koi và Yang Bơ Nơm của dân tộc Mạ; lễ Tả tài phán của dân tộc Hoa... Qua các lễ hội tạo không khí vui tươi, đoàn kết trong nhân dân.

“Việc gì có ích cho đồng bào, chúng tôi cố gắng làm, lấy đó làm thước đo công việc” - ông Hiếu bộc bạch.

Phương Hằng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều