Báo Đồng Nai điện tử
En

Bầu cử đại biểu Quốc hội - đã qua và hướng đến

11:05, 21/05/2016

Tư tưởng xây dựng một nhà nước do dân làm chủ đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nêu trong tác phẩm Đường Kách mệnh (năm 1927). Tiền thân của Quốc hội Việt Nam có thể nói là Quốc dân Đại hội Tân Trào ngày 16-8-1945.

Tư tưởng xây dựng một nhà nước do dân làm chủ đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nêu trong tác phẩm Đường Kách mệnh (năm 1927). Tiền thân của Quốc hội Việt Nam có thể nói là Quốc dân Đại hội Tân Trào ngày 16-8-1945.

Ngay sau khi “Tuyên ngôn độc lập”, ngày 3-9-1945 trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.

* Từ Bầu cử Quốc hội đầu tiên 6-1-1946...

Liền sau đó, Chính phủ lâm thời ra các sắc lệnh (số: 14, 39, 51, 71) về tổ chức bầu cử, ban đầu dự kiến vào ngày 23-12-1945, nhưng để thực hiện chủ trương thống nhất và hòa giải, đồng thời có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc tổng tuyển cử đến ngày chủ nhật 6-1-1946.

Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.

Cuộc tổng tuyển cử bầu cơ quan đại diện dân cử đầu tiên của nước Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, đã hoàn toàn thắng lợi tại tất cả 71 tỉnh, thành phố trong cả nước: số cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ 89%, bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.

*...Đến Quốc hội khóa XIII

Đến nay, Quốc hội đã trải qua 13 khóa, mỗi nhiệm kỳ đều đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ do lịch sử và nhân dân giao phó. Trong đó, có nhiều cột mốc ghi nhớ, đặc biệt là Quốc hội khóa XIII với nhiều nội dung đổi mới.

Quốc hội khóa XIII (2011-2016) bầu cử vào ngày 22-5-2011 với tỷ lệ 99,51% cử tri đi bỏ phiếu, bầu 500 đại biểu. Kỳ họp đầu tiên tổ chức vào ngày 21-7 đến 5-8-2011, bầu ra Chủ tịch Quốc hội là ông Nguyễn Sinh Hùng, cùng các Phó chủ tịch: Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu,  Nguyễn Thị Kim Ngân, Huỳnh Ngọc Sơn.

Đây là lần đầu tiên cử tri cả nước tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 trong cùng một ngày. Tại kỳ họp thứ 6 ngày 28-11-2013, Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp năm 2013. Lần đầu tiên, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; đăng cai tổ chức Đại hội đồng lần thứ 132 của Liên minh nghị viện thế giới tại Hà Nội trong tháng 3-2015; ban hành nghị quyết về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Theo đó, Văn phòng Quốc hội được tổ chức lại theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Kỳ họp thứ 11 (từ ngày 21-3 đến 12-4-2016), Quốc hội đã bầu ra Chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, bầu Chủ tịch nước: Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Xuân Phúc, và các chức danh khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

* Kỳ vọng đổi mới Quốc hội khóa XIV

Ngày mai 22-5-2016, toàn dân bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV cùng với bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Nhân dân thực hiện quyền cử tri của mình với mong ước Quốc hội và chính quyền địa phương tiếp tục  đổi mới sao cho thực chất, có hiệu lực, hiệu quả theo đúng Hiến pháp 2013 và định hướng phát triển, hội nhập của đất nước.

Phương hướng đổi mới đã được thể hiện rõ trong đường lối, chủ trương của Đảng: hoàn thiện cơ chế bầu cử để cử tri lựa chọn và bầu những người thực sự tiêu biểu vào cơ quan dân cử; nâng cao chất lượng đại biểu nhân dân, tăng hợp lý số lượng đại biểu chuyên trách; có cơ chế để đại biểu nhân dân gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri; cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ quan đại diện nhân dân; tiếp tục phát huy dân chủ, tính công khai, đối thoại trong thảo luận, hoạt động chất vấn tại diễn đàn Quốc hội, HĐND các cấp; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật; thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quyết định và giám sát các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là các công trình trọng điểm; giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Đối với Quốc hội, việc đổi mới tổ chức và hoạt động phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể theo nguyện vọng của nhân dân:

Thứ nhất, bảo đảm và nâng cao vai trò của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân; các đại biểu Quốc hội gắn bó một cách chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri, phản ánh kịp thời và đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri; bảo đảm các quyết định của Quốc hội thể hiện đầy đủ ý chí chung của nhân dân.

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác lập pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm luật, pháp lệnh quy định cụ thể, chi tiết, tăng tính khả thi để được triển khai áp dụng nhanh vào cuộc sống.

Thứ ba, tiếp tục phát huy vai trò của Quốc hội, trong quá trình cải cách thể chế, kiến tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy và phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững, sớm đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ tư, đổi mới và nâng cao vai trò của Quốc hội, hướng tới việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Thứ năm, tăng cường vai trò của Quốc hội trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực và quốc tế.

Kỳ vọng lớn lao của cử tri do chính cử tri quyết định. Mỗi lá phiếu hôm nay của cử tri là viên gạch kết nối thành tựu của quá khứ và kỳ vọng ở  tương lai.

HUỲNH VĂN TỚI

 

 

Tin xem nhiều