TP.Biên Hòa là địa phương có đông ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp và đông cử tri nhất tỉnh. Do đó, công tác triển khai bầu cử ở Biên Hòa gặp nhiều khó khăn hơn các địa phương khác.
TP.Biên Hòa là địa phương có đông ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp và đông cử tri nhất tỉnh. Do đó, công tác triển khai bầu cử ở Biên Hòa gặp nhiều khó khăn hơn các địa phương khác.
Một cử tri ở KP.1, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) đóng góp ý kiến tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú cho ứng cử viên HĐND các cấp. |
Một trong những khó khăn đó là công tác lập danh sách cử tri do số lượng cử tri đông, dự kiến lên đến trên 657 ngàn người, số lượng cử tri lại thường xuyên biến động. Hiện vẫn còn một số phường đông dân cư, như: Long Bình, Trảng Dài, Long Bình Tân... chưa hoàn thành công tác lập danh sách cử tri.
* Cử tri đông, biến động nhiều
Bà Trần Thị Chung, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử, Chủ tịch UBND phường Trảng Dài, cho biết lý do đến nay chưa lập xong danh sách cử tri là do dân số đông, địa bàn rộng. Toàn phường có đến gần 60 ngàn cử tri (trong khi các phường khác chỉ có từ 5 -9 ngàn cử tri), đến nay đã có 4/5 khu phố hoàn tất việc lập danh sách cử tri, chỉ còn KP.4 vẫn đang tiếp tục rà soát để lập danh sách cử tri.
Tương tự tại phường Long Bình cũng chịu áp lực bởi số cử tri quá đông, dự kiến lên đến hơn 65 ngàn cử tri, trong đó số cử tri tạm trú chiếm từ 30-40% tổng số cử tri, sinh sống tại các nhà trọ trong toàn phường. Việc lập danh sách cử tri ngoài tổ trưởng ở các khu phố còn huy động cả lực lượng cảnh sát khu vực. Tuy nhiên, nhiều nhà trọ không có chủ ở địa phương nên việc đưa kê khai danh sách cử tri tạm trú rất khó, phải gõ cửa từng nhà trọ để lập danh sách nhưng công nhân làm tăng ca thất thường nên phải đi lại rất nhiều lần.
Ông Lâm Tấn Khải, Phó chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP.Biên Hòa, Phó chủ tịch HĐND thành phố, cho biết để đảm bảo việc triển khai công tác bầu cử đúng tiến độ theo quy định, Ủy ban Bầu cử thành phố đã tổ chức họp giao ban mỗi tuần/lần để nắm tình hình, tiến độ thực hiện của các phường, xã, nhất là việc niêm yết danh sách cử tri và tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để cử tri ý thức ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử; tổ chức tập huấn hướng dẫn các phường, xã thành lập các tổ bỏ phiếu; tập huấn công tác của các tổ bầu cử... |
Ông Bùi Đức Nam, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử, Chủ tịch UBND phường Long Bình, cho biết cái khó nữa là nhiều người tạm trú không chịu bầu cử tại phường mà nói sẽ về nơi thường trú để bầu cử. Trong trường hợp này, phường vừa yêu cầu họ ký tên vào cam kết sẽ trở về địa phương bầu cử, nhưng vẫn cho lập danh sách để dự phòng họ ở lại bầu cử tại phường. “Việc lập danh sách cử tri phải chặt chẽ vì hiện nay có quy định tạm trú trên 12 tháng thì được bầu cử 4 cấp là bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh, thành phố, phường, xã nhưng nếu tạm trú dưới 12 tháng thì chỉ được bầu cử 3 cấp là bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh, thành phố. Không cho lập danh sách cử tri tạm trú hết nếu lỡ họ không về nơi thường trú bầu cử mà ở lại phường bầu cử thì lúc ấy cả ngàn cử tri phát sinh này sẽ khó mà xoay xở đủ thẻ cử tri, phiếu bầu” - ông Nam nhấn mạnh.
* Nỗ lực hoàn thành tiến độ bầu cử
Ông Lê Văn Công, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Biên Hòa, cho biết TP.Biên Hòa là địa phương có đông người ứng cử nhất. Cụ thể, ở TP.Biên Hòa có: 11/18 người ứng cử đại biểu Quốc hội, 100/148 người ứng cử đại biểu HĐND thường trú tại TP.Biên Hòa, 69 người ứng cử đại biểu HĐND thành phố và 1.479 người ứng cử đại biểu HĐND xã, phường. Do số lượng ứng cử viên đông, phải tổ chức nhiều hội nghị nên đến nay vẫn chưa triển khai xong việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Tuy nhiên theo kế hoạch của các phường, xã dự kiến sẽ hoàn thành công tác niêm yết danh sách cử tri và lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, đảm bảo đúng tiến độ theo quy định là ngày 12-4.
Một khó khăn nữa của TP.Biên Hòa hiện nay chính là công tác tuyên truyền về bầu cử đến đông đảo lực lượng công nhân. Mặc dù, Liên đoàn Lao động thành phố đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho công nhân nhưng mới triển khai bước đầu nên còn hạn chế. Hình thức tuyên truyền hiện nay chủ yếu vẫn là qua truyền thanh, pa-nô, áp-phích, phát đĩa CD hỏi - đáp về bầu cử đến các khu nhà trọ. Do đó, Ủy ban Bầu cử thành phố đã có chỉ đạo các ngành liên quan và các phường, xã tập trung tuyên truyền cho công nhân ở các khu nhà trọ bằng các hình thức phong phú để cử tri biết được ngày 22-5 đi bầu cử, hiểu những điểm mới của bầu cử, các tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp để bầu đúng số lượng, đảm bảo chất lượng.
Ngọc Thư