Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 4, khóa X diễn ra trong 2 ngày 7 và 8-4 có điểm mới là không tập trung vào báo cáo thành tích, mà dành phần lớn thời gian để thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn...
[links()]Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 4, khóa X diễn ra trong 2 ngày 7 và 8-4 có điểm mới rất đáng chú ý là: không tập trung vào báo cáo thành tích kết quả thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy trong quý I mà phần lớn thời gian dành cho thảo luận, tìm giải pháp gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại ở các đơn vị, địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Văn Chính |
Bước vào thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016, các địa phương phải đối mặt với tình hình nắng hạn, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Nước là vấn đề sống còn
Theo Bí thư Thị ủy Long Khánh Nguyễn Văn Nải, hầu hết các giếng đào phục vụ sản xuất trên địa bàn thị xã đã cạn. Hiện người dân chỉ dám tưới cầm chừng, cốt để cứu sống cây. Do không đủ nước tưới, tiêu, cà phê bị rụng trái non. Trước tình hình này, Bí thư Thị ủy Long Khánh kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh sớm chỉ đạo việc xây dựng các hồ chứa nước trên địa bàn thị xã. Hiện nay ở Long Khánh chưa có hồ chứa nước nào. Thị xã đã quy hoạch hồ chứa nước Cầu Dầu, nay đã giải phóng xong mặt bằng.
Đối với nước sinh hoạt lấy từ giếng khoan cũng đang trong tình trạng khan hiếm nước. Toàn thị xã có khoảng 2 ngàn giếng khoan nhưng hơn 1 ngàn giếng đang cạn dần. “Nhân dân mà không có nước sinh hoạt và nước sản xuất thì lại trở về “nông thôn cũ”, không phải nông thôn mới, vì không có nước thì làm sao mọi thứ tươi tốt được, sẽ tiêu điều hết” - Bí thư Thị ủy Long Khánh bày tỏ.
Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Phạm Văn Thuận thì cho biết, hồ chứa nước trên địa bàn huyện có nhưng mực nước trong các hồ đã xuống thấp, như hồ Núi Le chỉ còn 1,45/3,5 triệu m3 nước. Để giảm bớt việc hút nước ở cây trồng, một số bà con phải hái bớt tiêu. Nếu 1 tháng nữa không có mưa, bà con đã tính đến chuyện phải đi mua nước về tưới để cứu cây. Huyện đã xây dựng kế hoạch nạo vét hồ Gia Ui để tăng sức chứa của hồ từ 1,5-1,8 triệu m3 nước. Huyện cũng kêu gọi xã hội hóa việc xây dựng hệ thống cung cấp nước cho nhân dân.
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Lâm Văn Nghĩa thì đưa ra giải pháp, để thu hút nhà đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước cho nhân dân phải có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư. Khuyến cáo nhân dân chuyển đổi cây trồng, hạn chế những loại cây có nhu cầu cao về nước tưới. Đồng thời, quan tâm đến hệ thống thủy lợi, vì nó rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nước là vấn đề sống còn của tất cả mọi người.
Đề cao đạo đức con người
Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo cho rằng, Đồng Nai đã chủ động đưa tin và xử lý việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chứ không phải ém thông tin. Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề là khi chất salbutamol được nhập về để phục vụ cho công tác y tế, nhưng tại sao lại rơi vào tay người chăn nuôi. Trước khi để cơ quan chức năng trả lời vấn đề này, các địa phương nên tuyên truyền, giáo dục đạo đức con người trong sản xuất, chăn nuôi, qua đó để mọi người nhận thức về ý thức trách nhiệm trong bảo vệ sức khỏe, nòi giống của đất nước; không được tự mình hại dân tộc mình.
Tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) Nguyễn Hữu Hiểu thì chia sẻ, lâu nay vấn đề nông nghiệp của tỉnh luôn được quan tâm. Nhưng vẫn còn rào cản để nông nghiệp phát triển. Dofico đã nhiều lần đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đi giới thiệu với nước ngoài, trong đó có xoài. Các đối tác đều khen xoài ngon nhưng đến khi cho nhập, họ lại cho nhập xoài loại khác, không phải ở Đồng Nai. Mặt khác, nông dân luôn nói khó tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, nhưng khi thu mua sản phẩm trong dân thì chất lượng không đồng đều, không có tính bền vững, cứ ai trả giá cao thì dân bán.
Một vấn đề khác được Bí thư Huyện ủy Long Thành Nguyễn Quốc Cường nêu hiện nay còn 4 hộ ở rạch Bà Chèo nằm trong vùng ô nhiễm, bị thiệt hại do nước xả thải từ Nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Long Thành, thuộc Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành, chưa nhận tiền đền bù. Mới đây, huyện đã đi kiểm tra, thấy đúng là người dân bị thiệt hại, nhưng việc đền bù chưa thỏa đáng. Có hộ hơn 19 ngàn m2 nằm trong vùng ô nhiễm nhưng chỉ được đền bù 97m2. Dân không đồng tình, đi khiếu kiện. Vụ việc này đã kéo dài từ năm 2011 đến nay, tỉnh nên chỉ đạo giải quyết dứt điểm, sớm ổn định tình hình.
Thay ngay cán bộ vòi vĩnh dân Một trong những nội dung được đề cập nhiều tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 4 là cải cách hành chính. Trong năm 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đồng Nai đã nâng 7 bậc. Song người dân, doanh nghiệp vẫn kêu ca nhiều về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức. Ngay cán bộ cấp dưới, muốn giải quyết việc gì vẫn phải chạy lên cấp trên nhiều lần. Cán bộ, công chức vẫn giải quyết công việc theo kiểu ì ạch, cái gì cũng “ngâm”. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nêu rõ sau hội nghị này, cán bộ, công chức nào còn hành dân, vòi vĩnh, kể cả là thủ trưởng đơn vị cũng dứt khoát thay ngay. Cán bộ trong hệ thống chính trị mà hành dân thì không dung túng. Tất cả phải cùng hỗ trợ nhau để hoàn thành nhiệm vụ chung của tỉnh. Dứt khoát năm 2016, Đồng Nai phải tiếp tục tăng hạng trong xếp loại chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, không thể cứ trì trệ mãi được. |
Phương Hằng