Báo Đồng Nai điện tử
En

Người dân xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

11:04, 27/04/2016

Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở trung ương và địa phương.

Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở trung ương và địa phương.

Từ cuộc tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên của dân tộc

Dưới ách thống trị tàn bạo của đế quốc và phong kiến, người dân Việt Nam bị tước đoạt mọi quyền dân chủ. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đem lại quyền làm chủ cho mỗi công dân. Lần đầu tiên, mọi người được tự do thảo luận, bàn bạc và chọn lựa những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội.

Để tổ chức cuộc tổng tuyển cử thật sự tự do, dân chủ, biến các quy định của pháp luật bầu cử tự do, dân chủ thành hiện thực trong cuộc sống vào những ngày đầu đất nước giành được độc lập là việc vô cùng khó khăn. Có thể nói, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta được tổ chức trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”: thù trong giặc ngoài đe dọa, chống phá, hơn 90% nhân dân trong nước bị mù chữ; nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945 làm cho hơn 2 triệu người dân chết đói vẫn chưa dứt hẳn; ở Nam bộ và Nam Trung bộ, thực dân Pháp mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược và âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta; ở phía Bắc, 18 vạn quân Tưởng Giới Thạch lấy danh nghĩa đồng minh tràn vào tước vũ khí quân Nhật, lôi kéo bè lũ tay sai, Việt gian chống phá chính phủ lâm thời, phá hoại tổng tuyển cử, gây mất ổn định chính trị.

Ngày 6-1-1946, với lòng yêu nước, ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, toàn thể nhân dân từ Nam chí Bắc đã tham gia bỏ phiếu. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu là 89%, bầu ra 403 đại biểu Quốc hội, trong đó 87% là những người xuất thân từ công nhân, nông dân, viên chức và quân nhân cách mạng. Do trong điều kiện chiến tranh và đất nước bị chia cắt, nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khóa I kéo dài đến 14 năm (tháng 1-1946 đến 5-1960). Lần đầu tiên ở nước ta và ở cả vùng Đông Nam Á xuất hiện một Quốc hội thật sự dân chủ, được bầu theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Người dân tham gia  xây dựng Nhà nước trong tình hình mới

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp lần này có ý nghĩa hết sức to lớn. Công cuộc đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của nước ta những năm gần đây đã và đang thu được những thành tựu quan trọng, nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh quốc tế và khu vực có những thuận lợi và khó khăn đan xen lẫn nhau, như: tình hình căng thẳng ở Biển Đông, khủng hoảng kinh tế và an ninh một số khu vực trên thế giới; việc Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Sinh viên ở TP.Biên Hòa tìm hiểu về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Ảnh: Văn Chính
Sinh viên ở TP.Biên Hòa tìm hiểu về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Ảnh: Văn Chính

Trước tình hình đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải ra sức phấn đấu, đoàn kết thống nhất, chung sức vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Một là, bầu cử ngay sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc thắng lợi; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Cương lĩnh chính trị và Nghị quyết đại hội đã đề ra. Hai là, điều kiện quan trọng để nước ta từng bước cụ thể hóa các quy định dân chủ trong tổ chức bộ máy nhà nước theo quy định mới của Hiến pháp năm 2013 xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân và vì dân. Ba là, cơ hội để nước ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

Mục đích của cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp lần này là để nhân dân lựa chọn được những người có đủ đức, tài, xứng đáng đại diện cho các tầng lớp nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Đây là cơ hội và là cơ sở pháp lý quan trọng để nhân dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Việc tham gia tích cực vào các hoạt động quản lý Nhà nước và xã hội của người dân sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển phồn thịnh của đất nước.

Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của đất nước trong ngày 22-5-2016 sắp tới.

Viên Hồng Tiến

(Giám đốc Sở Tư pháp)

 

 

Tin xem nhiều