Những ngày cuối tháng tư, ở thôn 8, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) - quê hương của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, hoa xoan trắng điểm tím nở rộ dọc đường đi. Những cánh đồng lúa trổ đòng đòng xanh mướt, còn đồng bắp thì phất cờ đậu trái. Khung cảnh làng quê thanh bình tràn sức sống, nao nao lòng người.
Những ngày cuối tháng tư, ở thôn 8, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) - quê hương của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, hoa xoan trắng điểm tím nở rộ dọc đường đi. Những cánh đồng lúa trổ đòng đòng xanh mướt, còn đồng bắp thì phất cờ đậu trái. Khung cảnh làng quê thanh bình tràn sức sống, nao nao lòng người.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới viếng mộ cố Tổng bí thư Hà Huy Tập ở xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: T.THÚY |
Nơi này, ngày 24-4-1906, cậu bé Khiêm - sau này là Tổng Bí thư Hà Huy Tập, cất tiếng khóc chào đời trong một mái nhà tranh nhỏ. Mấy ngày nay, suốt các con đường thôn 8 từng tốp người dân đua nhau làm cỏ, phát quang, vệ sinh đường làng để chuẩn bị kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư. Tiếng trò chuyện ríu rít, vui vẻ vang lên không ngớt. Không ngừng tay quét lá, Hà Thị Lan, học sinh Trường THPT Hà Huy Tập (xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên), cho biết đây là hoạt động tự nguyện của người dân trong thôn vì cố Tổng Bí thư không chỉ là người con đã làm rạng danh quê hương Nghệ Tĩnh, mà còn là niềm tự hào rất lớn của dòng tộc Hà Huy.
* Một tấc lòng son để với đời
Trải qua bao thăng trầm thời gian, mặc cho biến động của lịch sử, ngôi nhà tranh năm xưa của cố Tổng Bí thư vẫn được bà con dòng tộc và nhân dân Cẩm Xuyên giữ gìn nguyên vẹn, hiện nằm trong Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Đó là nếp nhà nhỏ 3 gian, 2 hồi, mái lợp bằng lá cọ, bình dị như bao gia đình khác trong làng. Những vật dụng trong nhà in dấu năm tháng tuổi thơ bên người mẹ tảo tần và người cha mẫu mực vẫn được bảo quản, sắp đặt y như lúc sinh thời, từ chiếc chõng tre đơn sơ, chiếc sập gỗ đóng chắp vá từ nhiều mảnh ván đến chiếc bàn nhỏ nơi cố Tổng Bí thư bắt đầu những bài học vỡ lòng... Cũng tại mái nhà này, ngày 30-3-1940, đồng chí Hà Huy Tập bị địch bắt đưa vào Sài Gòn xử bắn, vĩnh biệt quê mẹ Cẩm Xuyên. Từ mái tranh nghèo yên ả đến chiếc sập gỗ ọp ẹp, đều gợi nhớ đến ngôi nhà thuở thiếu thời của Bác Hồ ở làng Sen (tỉnh Nghệ An). Những mái nhà của các vị lãnh tụ cách mạng Việt Nam sao mà giống nhau, những nhân cách vĩ đại ấy cũng sao mà giống nhau đến thế.
Cô hướng dẫn viên Nguyễn Thị Nhuần cho biết, ngôi nhà tranh nơi cố Tổng Bí thư chào đời đã được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2004. Năm 2006, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, khu lưu niệm được mở rộng thêm nhiều hạng mục, công trình như: nhà thờ, nhà trưng bày, 3 cụm tượng đài... Trong đó, nhà trưng bày với gần 90 bức ảnh liên quan đến đồng chí cùng gia đình, bạn bè; các hiện vật tái hiện sinh động cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập, như: cặp sách, đĩa men, một số đồ dùng cá nhân, các bài báo, các bài lý luận chính trị cách mạng, bức thư viết cho người em rể Nguyễn Cương trước lúc bị địch xử bắn, các bài báo viết về đồng chí Hà Huy Tập...
Gần khu lưu niệm là ngôi mộ của cố Tổng Bí thư, nằm trên ngọn đồi Đồng Lem lộng gió, nhìn xuống cả một vùng rộng lớn của Cẩm Xuyên. Hy sinh ngày 28-8-1941 tại Sở Rác (nay thuộc Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh) nhưng mãi đến 68 năm sau hài cốt của đồng chí mới được phát hiện và ngày 1-12-2009 được đưa về quê nhà, yên nghỉ bên song thân. Nơi mộ có khắc câu nói hiên ngang lẫm liệt của đồng chí khi bị thực dân Pháp tuyên án tử hình: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động”.
* Tiếp nối truyền thống tổ tiên
Sinh ra, lớn lên nơi làng quê nghèo, tuổi thơ là những ngày vất vả khốn khó, điều gì đã hun đúc nên khí phách kiên cường ở vị Tổng Bí thư trẻ tuổi ấy?
Theo gia phả của dòng họ Hà Huy, đồng chí Hà Huy Tập xuất thân từ dòng tộc có truyền thống yêu nước, giúp dân. Ông tổ của dòng họ Hà được các gia phả ghi nhận là Thượng tướng quân, Thượng vị hầu Hà Mại (1334-1410), Trấn thủ Nghệ An (từ Đèo Ngang trở vào Thanh Hóa) - vùng phên dậu của triều đình, chốn biên ải phía Nam nước Đại Việt dưới triều Trần. Ông không những chỉ huy quân dân đoàn kết một lòng bảo vệ vững chắc biên cương đất nước mà còn tổ chức cho người dân khẩn hoang lập ấp, khai phóng cả vùng Nghệ An, vì vậy được người dân xứ Nghệ tôn là Thành hoàng. Con của Thượng tướng quân Hà Mại là Hoàng bảng Đại tướng quân Hà Tông Chính (1366-1413), phò nhà hậu Trần chống lại cuộc xâm lược của nhà Minh và hy sinh nên cũng được dân làng Cẩn Tiết tôn làm Thành hoàng. Dòng họ Hà sau này cũng xuất hiện nhiều vị quan thanh liêm, có công với dân với nước, được tôn làm Thành hoàng, như: Thượng thư kiêm Tế tửu Quốc tử giám Hà Công Trình (1430-1507), Thượng thư Tiến sĩ Hà Tông Mục (1653-1707), Hà Huy Quang (1680-1754)...
Bước ngoặt của quãng đời hoạt động cách mạng là lúc đồng chí Hà Huy Tập đến Quảng Châu (Trung Quốc) vào tháng 12-1928. Tại đây, đồng chí tiếp xúc với tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc và tác phẩm Đường Kách Mệnh, từ đó xác định được con đường đúng đắn để cứu nước, giải phóng dân tộc. Đồng chí là một trong số những thanh niên ưu tú được Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội cử đi đào tạo tại Trường đại học Phương Đông (Liên Xô cũ). Cuối năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản toàn liên bang (sau này là Đảng Cộng sản Liên Xô), được Quốc tế Cộng sản chỉ định hoạt động ở Ban Chỉ huy hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam). Tháng 7-1936, đồng chí được phân công về nước củng cố lại Ban Chấp ủy Trung ương Đảng và giữ chức Tổng Bí thư cho đến tháng 3-1938. |
Gia phả dòng họ Hà ghi nhận một sự kiện lớn: năm 1584 ông Hà Khiên, chắt đời thứ 7 của Thượng tướng quân Hà Mại trong lần làm tiệc đãi dân làng Tĩnh Thạch (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), chẳng may có người bị ngộ độc chết. Ông Hà Khiên và con trai trưởng Hà Thừa Dụ bị bắt giải lên quan, 3 người con còn lại phải trốn đi xứ khác. Trong đó, ông Hà Tính trốn sang làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa (nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), đổi sang họ Hà Huy và phát triển dòng họ ở nơi này, chính là tổ của dòng họ Hà Huy ở Cẩm Xuyên. Đồng chí Hà Huy Tập là hậu duệ của chi họ này, tính từ tổ Hà Huy Tính đến Hà Huy Tập là 13 đời (sau này cha con ông Hà Khiên được giải oan, tiếp tục ở lại làng Tĩnh Thạch phát triển dòng họ Hà ở Can Lộc).
Cũng từ chi họ Hà Huy ở Cẩm Xuyên, ông Hà Huy Quang, Huấn đạo huyện Can Lộc, cháu đời thứ 5 của tổ Hà Huy Tính, sau khi nghỉ hưu đã cùng con cháu đến khai hoang lập làng tại Sơn Thịnh (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) và tách thành một chi họ Hà Huy ở đây. Đồng chí Hà Huy Giáp, nhà hoạt động cách mạng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục thuộc chi họ Hà Huy ở Hương Sơn. Có một ngẫu nhiên đặc biệt, nhiều người thành đạt trong dòng họ Hà đều sinh vào tháng 4, như: Hà Mại, Hà Huy Tập, Hà Huy Giáp…
Theo gia phả chi họ Hà Huy ở Cẩm Xuyên, đồng chí Hà Huy Tập là con của cụ Hà Huy Tương, người từng đỗ Cử nhân Nho học nên còn được gọi là ông Cống Viên, nhưng ông không ra làm quan mà ở lại quê nhà để dạy học và bốc thuốc cứu người. Trong họ tộc con cháu luôn truyền đời di huấn của tổ Hà Tông Mục ngày 6-6-1695: Trung cần đối với nước, hiếu thuận đối với nhà, ăn ở hòa mục đối với dân làng. Vì thế từ nhỏ đồng chí Hà Huy Tập đã ảnh hưởng tư tưởng yêu nước, giúp dân của cha, của dòng tộc. Sau khi tốt nghiệp Diplôme hạng ưu, làm giáo viên tại Nha Trang, Nghệ An Sài Gòn, Bà Rịa, Biên Hòa, ở đâu đồng chí cũng tổ chức dạy chữ cho công nhân và dân nghèo, trích tiền lương mua sách vở cho các học sinh nghèo, qua đó tuyên truyền tinh thần yêu nước, giành độc lập dân tộc. Cũng từ rất sớm, đồng chí tham gia vào một tổ chức chính trị chống lại chính quyền thuộc địa Pháp là Hội Phục Việt - tiền thân của Tân Việt cách mạng Đảng sau này.
35 tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng, 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng, cuộc đời của đồng chí luôn tròn vẹn với dân, với nước, là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Bức thư cuối cùng đồng chí gửi cho người em rể Nguyễn Cương ngày 2-5-1941 bày tỏ tâm trạng rất thanh thản: “Ngày 25-9-1940, tôi bị Tòa đại hình Sài Gòn xử 5 năm tù. Ngày 25-3-1941, tôi bị Tòa án binh Sài Gòn tuyên án tử hình về tội “hoạt động Cộng sản” và “xúi giục phá hoại quốc phòng”… Cương nhận được thơ này thì nhớ viết thơ khuyên mẹ chớ khóc lóc buồn rầu. Nếu tôi phải chết thì ở nhà không nên thờ cúng, điếu phúng, gia đình bạn hữu chớ xem tôi là chết mà phải buồn, trái lại xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn mà thôi”.
Thanh Thúy