Báo Đồng Nai điện tử
En

Gian lận trong kinh doanh xăng dầu: Vi phạm nhiều, phát hiện chẳng bao nhiêu

11:12, 11/12/2015

Gian lận trong kinh doanh xăng dầu đã trở thành đề tài nóng trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa VIII.

Gian lận trong kinh doanh xăng dầu đã trở thành đề tài nóng trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa VIII.

* Nhiều hành vi gian lận

Trả lời chất vấn các đại biểu tại kỳ họp, Phó giám đốc Sở Công thương Trương Phước Đông cho biết tình hình gian lận trong kinh doanh xăng dầu còn phức tạp và tinh vi. Trong năm 2015, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) kiểm tra 46 vụ, phát hiện và xử lý được 16 vụ với tổng số tiền phạt vi phạm là trên 246 triệu đồng; đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra 32 vụ, phát hiện và xử lý 9 vụ với số tiền 402 triệu đồng.

Trong khi đó, từ đầu năm tới nay, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường - chất lượng (Sở Khoa học - công nghệ) đã tiến hành 70 cuộc kiểm tra, phát hiện và xử phạt 61 vụ với số tiền trên 6,4 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm phổ biến là: gian lận về số lượng, phá niêm phong kẹp chì để điều chỉnh làm sai lệch kết quả đo, tự ý sửa chữa trụ bơm xăng dầu nhưng không qua kiểm định… Các doanh nghiệp vi phạm còn sử dụng thiết bị điều khiển từ xa để tác động vào hệ thống điện tử của trụ bơm để gian lận.

Ông Trương Phước Đông cho rằng do lực lượng kiểm tra còn mỏng, người tiêu dùng chưa khai báo việc mình bị doanh nghiệp gian lận nên khó phát hiện vi phạm.

* Làm rõ trách nhiệm

Làm rõ trách nhiệm của Sở Công thương trong quản lý kinh doanh xăng dầu, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Tư cho rằng thực tế lực lượng kiểm tra xăng dầu thời gian qua không mỏng, thậm chí còn dày đặc, trong đó có nhiều đơn vị được giao nhiệm vụ, gồm: Công an, Sở Công thương, Sở Khoa học - công nghệ. Do đó, cần thẳng thắn nhìn nhận còn có sự buông lỏng quản lý lĩnh vực này. Ông Trần Văn Tư đề nghị, cần xem xét công khai danh tính các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có sai phạm để người dân được biết.

Bày tỏ sự không hài lòng khi lãnh đạo Sở Công thương đổ lỗi cho người tiêu dùng không khai báo việc mình bị doanh nghiệp gian lận nên Sở Công thương phát hiện chưa nhiều doanh nghiệp vi phạm, ông Trần Văn Tư cho rằng: “Người tiêu dùng không ai đi mua xăng dầu mà lại cầm thước đi đo cả, do đó trách nhiệm phải thuộc về cơ quan Nhà nước”. Ông cũng đặt ra câu hỏi với lãnh đạo Sở Công thương: “Nếu phát hiện cây xăng dầu gian lận thì có thể xem xét tước giấy phép kinh doanh, cho đóng cửa được không?”.

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, lãnh đạo Sở Công thương trong thời gian tới cần nghiên cứu để tham mưu cho UBND tỉnh về các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn gian lận xăng dầu; lưu ý việc phải có đơn vị làm đầu mối và chịu trách nhiệm về kiểm tra xăng dầu, tránh tình trạng có nhiều đơn vị cùng được giao nhiệm vụ nhưng mạnh ai nấy làm, thiếu sự phối hợp, thậm chí có thể làm phiền tới hoạt động của những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Công Nghĩa

 

Tin xem nhiều