Cùng nhau vượt qua những thời khắc khó khăn của chiến tranh, đến khi hòa bình lập lại, các cựu chiến binh (CCB) của huyện Xuân Lộc đã ra sức giúp nhau làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.
Cùng nhau vượt qua những thời khắc khó khăn của chiến tranh, đến khi hòa bình lập lại, các cựu chiến binh (CCB) của huyện Xuân Lộc đã ra sức giúp nhau làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.
Những việc làm thiết thực góp phần xây dựng huyện Xuân Lộc giàu mạnh của hội viên Hội CCB huyện ngày càng gia tăng.
* Giúp nhau vượt khó
Năm 2010, huyện Xuân Lộc có 1.840 gia đình hội viên CCB, trong đó có 2% hộ nghèo, 1% ở nhà tạm và 6% hộ giàu. Trước thực trạng này, cộng thêm việc cả huyện tích cực thực hiện nông thôn mới, Hội CCB huyện đã phát động phong trào thi đua CCB giúp nhau thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Ông Quách Văn Liên (giữa) đưa Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Xuân Lộc Phạm Quang Nghĩa đi thăm vườn tiêu của gia đình. |
Từ định hướng đó, hàng năm Hội CCB huyện Xuân Lộc đã tổ chức các lớp tập huấn công tác xóa đói giảm nghèo, bổ trợ kiến thức chăn nuôi trồng trọt, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt. Qua đó, từ năm 2011 đến nay, đã có gần 300 lớp được mở ra với 4,8 ngàn lượt hội viên tham gia, kiến thức thu được qua các lớp tập huấn đều phát huy hiệu quả trong các lĩnh vực làm kinh tế gia đình tại địa phương.
Ông Phạm Quang Nghĩa, Phó chủ tịch Hội CCB huyện Xuân Lộc, cho biết: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã xây dựng nguồn quỹ tình thương trên 3,2 tỷ đồng; hội viên giúp nhau sản xuất trên 2 tỷ đồng, hàng chục ngàn cây giống, con giống các loại. Chúng tôi cũng đã xây dựng được 13 nhà đồng đội, sửa chữa 3 căn nhà khác trong 5 năm qua, với tổng số tiền 950 triệu đồng. Nhiều đơn vị Hội CCB cơ sở tổ chức sinh hoạt tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hộ hội viên nghèo, từ đó phân công cụ thể những gia đình hội viên làm kinh tế giỏi chỉ dẫn các hộ CCB khó khăn phương thức làm kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống có năng suất cao vào canh tác, sản xuất, chăn nuôi…”.
Bằng những việc làm đó, trong 5 năm qua, Hội CCB huyện đã có 86 hộ thoát nghèo. Hiện toàn huyện có 227 hộ gia đình CCB giàu (chiếm tỷ lệ 13%), số hộ khá, trung bình là 1.870 hộ (86%) và hộ gia đình hội viên nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 20 hộ (0,9%). Từ đây, các hộ gia đình CCB đã có những đóng góp thiết thực hơn cho việc xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế của huyện và nhất là việc hoàn thành nông thôn mới vừa qua.
* Làm giàu cho địa phương
Trong quá trình giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đã xuất hiện không ít những điển hình trong phong trào CCB sản xuất - kinh doanh giỏi, có thu nhập bình quân từ hàng trăm triệu đồng/năm trở lên; số lượng hội viên sản xuất - kinh doanh giỏi thu nhập từ 100-500 triệu đồng/năm lên đến gần 90 hội viên, từ đó đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương với mức thu nhập ổn định. Điển hình như: CCB Nguyễn Văn Thất (xã Xuân Tâm) trồng cao su thu lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho trên 20 người; CCB Phạm Đức Toàn (xã Bảo Hòa) có xưởng chế biến hạt điều cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho trên 200 người…
Trong 9 tháng của năm 2015, hội viên Hội CCB trong toàn huyện Xuân Lộc đã giúp vốn sản xuất được gần 285 triệu đồng, 400 ngày công lao động, 6 chỉ vàng, 500kg phân bón và hàng ngàn cây, con giống các loại. |
Hội CCB huyện còn tích cực phát động hội viên và nhân dân thực hiện có hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư, hiến đất làm đường, xây dựng trường học. Trong 5 năm qua, các cấp Hội CCB ở huyện Xuân Lộc đã đóng góp trên 80 triệu đồng và hàng ngàn ngày công lao động nhân các ngày dân vận do cấp ủy, chính quyền địa phương phát động.
Nổi bật trong chương trình xây dựng nông thôn mới là đã có nhiều tập thể, cá nhân CCB tích cực tham gia, như: hội viên Phan Hồng Oanh (Hội CCB thị trấn Gia Ray) hiến trên 600m2 đất; hội viên Dương Thị Thu, Hội CCB xã Xuân Thọ hiến 3 ngàn m2 đất; hội viên Đỗ Văn Khoa (Hội CCB thị trấn Gia Ray) hiến 1,5 ngàn m2 đất…, để phục vụ làm đường nông thôn hoặc các công trình văn hóa phục vụ cộng đồng.
“Từ một hộ nghèo, sau nhiều năm nhận sự hỗ trợ nguồn vốn của CCB các cấp, cộng thêm việc tự mở rộng quy mô sản xuất, hiện gia đình tôi đã vươn lên thành một hộ khá, với 5 ngàn m2 trồng tiêu cho thu nhập hàng năm trên 200 triệu đồng. Từ đó, tôi dùng thu nhập của gia đình để cho những hộ khó khăn hơn vay vốn sản xuất, giúp họ thoát khỏi cảnh sống khó khăn, giống như tôi từng được nhiều người giúp đỡ trước đây” - ông Quách Văn Liên, hội viên Hội CCB thị trấn Gia Ray, chia sẻ.
Đăng Tùng