Đây là một trong 2 mũi nhọn đột phá nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân được cụ thể hóa trong chương trình đào tạo sau đại học (thuộc chương trình đào tạo tổng thể, phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai).
Đây là một trong 2 mũi nhọn đột phá nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân được cụ thể hóa trong chương trình đào tạo sau đại học (thuộc chương trình đào tạo tổng thể, phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai).
Trong số 8 trình độ đào tạo giai đoạn 2011-2015 chỉ duy nhất có đào tạo bác sĩ chuyên khoa II không đạt chỉ tiêu, còn lại các trình độ khác đều đào tạo vượt so với kế hoạch, chỉ tiêu đề ra. Nổi bật nhất là đào tạo thạc sĩ trong nước, đạt 554,8% so với chỉ tiêu.
* Vượt xa chỉ tiêu
Chương trình đào tạo sau đại học do Sở Khoa học - công nghệ chủ trì. Qua 5 năm (2011-2015), chương trình đã chọn cử 1.604 ứng viên tham gia, tăng 1.248 người so với giai đoạn 2006-2010. Đặc biệt, tăng nhanh ở bậc đào tạo tiến sĩ với 129 người (tăng 117 người). Tính đến nay, đã có 696 người hoàn thành chương trình đào tạo. Số học viên đạt loại xuất sắc, giỏi được UBND tỉnh khen thưởng chiếm 33%, loại khá chiếm 60%.
Một dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2012-2013. |
Giảng viên Nguyễn Ngọc Duy (Khoa Vật lý Trường đại học Đồng Nai) chia sẻ: “Tôi tham gia chương trình ở loại hình đào tạo tiến sĩ trong nước chuyên ngành vật lý nguyên tử hạt nhân. Song song với đó, tôi được nhận học bổng của Trường đại học Tokyo Nhật Bản cũng về chuyên ngành này. Trong quá trình đào tạo ở trong và ngoài nước từ 2008-2014, tôi vừa về nước giảng dạy ở Trường đại học Đồng Nai vừa học, nghiên cứu ở lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và ở nhiều trường đại học, các viện nghiên cứu hạt nhân tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Nga. Thời gian được đào tạo ở nước ngoài cho tôi rất nhiều kiến thức bổ ích, giúp tôi theo đuổi đam mê nghiên cứu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Mục tiêu của chương trình đào tạo sau đại học giai đoạn 2016-2020 là tập trung đào tạo đội ngũ tiến sĩ, thạc sĩ tại nước ngoài và hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi đầu ngành ở các lĩnh vực mũi nhọn mà nhu cầu của tỉnh còn thiếu, như: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, y tế, vật liệu mới. Việc đào tạo trong nước vẫn tiếp tục duy trì đào tạo những ngành nghề mà tỉnh đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao như bác sĩ chuyên khoa II; tiến sĩ, thạc sĩ mà chủ yếu là các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, chương trình sẽ không tiếp tục đào tạo về lĩnh vực khoa học nhân văn ở trong nước, nếu tiếp tục, chỉ đào tạo ở nước ngoài. |
Nhận học vị tiến sĩ năm 32 tuổi, giảng viên Nguyễn Ngọc Duy đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đào tạo đội ngũ sinh viên Khoa Vật lý Trường đại học Đồng Nai như đạt nhiều giải cao trong kỳ thi Olympic vật lý sinh viên toàn quốc năm 2015 vừa qua. Bản thân TS.Nguyễn Ngọc Duy đã góp phần tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo vật lý cấp ngành, tham gia vào nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật trong lĩnh vực vật lý với các nhà khoa học, giáo viên và tham gia phản biện các đề tài nghiên cứu khoa học trong và ngoài tỉnh. TS.Nguyễn Ngọc Duy cũng đã công bố 22 công trình nghiên cứu khoa học uy tín trong và ngoài nước.
Trong 9 chuyên ngành đào tạo, lĩnh vực khoa học tự nhiên có số lượng học viên tham gia đông nhất với 23,1%, tiếp đó là khoa học giáo dục, khoa học kỹ thuật, khoa học y dược, khoa học pháp lý, kinh tế - quản lý, khoa học nông nghiệp, khoa học xã hội nhân văn và khoa học quân sự. Những ngành thuộc lĩnh vực GD-ĐT, y tế, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật là những lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu nhân lực khoa học và công nghệ mà tỉnh có nhu cầu.
* Chú trọng tạo nguồn
Để đưa Đồng Nai tiếp tục phát triển, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trong những năm tới, một vấn đề cần được quan tâm là bồi dưỡng, đào tạo cho được đội ngũ cán bộ lãnh đạo nguồn có đầy đủ năng lực, phẩm chất, có tâm, có tầm. 5 năm qua, chương trình đào tạo sau đại học đã tuyển chọn được 13 học sinh xuất sắc, cử đi đào tạo ở nước ngoài nhằm tạo nguồn cho tỉnh.
TS. Nguyễn Ngọc Duy, giảng viên Trường đại học Đồng Nai, trong một đợt nghiên cứu khoa học tại nước ngoài. |
Trương Trúc Thanh (cựu học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) cho biết: “Sau khi được Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Phạm Văn Sáng phổ biến về chương trình du học tại Oklahoma City University (OCU) của Hoa Kỳ, em đã mạnh dạn đăng ký bởi xét thấy mình có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu tham gia chương trình. Em chọn học Khoa Giáo dục tại trường này với nguyện vọng sau khi ra trường, về nước sẽ là một giáo viên dạy tiếng Anh”.
Học sinh tự tin phát triển năng khiếu Từ những lớp đào tạo năng khiếu do Sở GD-ĐT phối hợp với Nhà thiếu nhi Đồng Nai, Sở Khoa học - công nghệ và Sở Văn hóa - thể thao và du lịch phối hợp tổ chức trong 5 năm qua, nhiều học sinh đã có điều kiện phát huy sở trường, năng khiếu bản thân, đạt được nhiều thành tích cao trong các giải thưởng, hội thi. Điều đặc biệt, nhiều em đã và đang theo đuổi những đam mê của mình theo hướng tích cực. Năm học 2014-2015, học sinh tỉnh Đồng Nai đã giành nhiều giải cao trong các hội thi cấp vùng, cấp toàn quốc, như: hội thi tin học trẻ lần thứ 21, hội thi giai điệu tuổi hồng, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, cuộc thi tài năng tiếng Anh, Olympic tiếng Anh, giải taekwondo, cup bóng đá Milo... Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết: “Công tác tuyển chọn những học sinh ưu tú của các đơn vị, địa phương tham gia chương trình luôn được các ngành chức năng chú trọng. Nhiều tài năng trẻ đã được phát hiện và đưa vào đội tuyển để đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuyên sâu. Tất cả các nội dung đào tạo của chương trình gồm đào tạo năng khiếu về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, ngoại ngữ, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và các lớp học sinh có năng lực đặc biệt khác đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra”. |
Cùng đợt du học tại Trường đại học OCU với Trúc Thanh dịp tháng 8-2015 vừa qua còn có em Lương Nguyễn Hồng Vy (sinh viên Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông). Hồng Vy đã đăng ký học ngành công nghệ thông tin và truyền thông tại OCU với mong muốn sau khi tốt nghiệp, về nước sẽ được làm đúng chuyên ngành, phục vụ sự phát triển của tỉnh nhà trong tương lai.
Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, chủ nhiệm chương trình, chia sẻ: “Giai đoạn 2016-2020, chương trình sẽ ưu tiên về tạo nguồn. Đối tượng tham gia tạo nguồn là những học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi nhiều năm liền, có phẩm chất đạo đức tốt, có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 6.0 trở lên… bổ sung thêm lĩnh vực đào tạo ngành hàng không, nhằm đi trước, đón đầu sự ra đời, phát triển của Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Mỗi năm dự kiến đào tạo khoảng 10 em. Chú trọng tạo nguồn để có đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, vững chính trị, tạo đột phá là chiến lược phát triển lâu dài của tỉnh”.
Hạnh Dung