Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với hơn 18.500 doanh nghiệp, thu hút trên 810 ngàn lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Ngoài việc chăm lo bảo vệ các chế độ chính sách cho công nhân lao động, Đồng Nai còn rất quan tâm phát triển Đảng và thành lập các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp.
Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với hơn 18.500 doanh nghiệp, thu hút trên 810 ngàn lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Ngoài việc chăm lo bảo vệ các chế độ chính sách cho công nhân lao động, Đồng Nai còn rất quan tâm phát triển Đảng và thành lập các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp. Quan điểm của Đồng Nai là: ở đâu có công nhân, ở đó phải có tổ chức Đảng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thăm công nhân Công ty Taekwang Vina. Đây là đơn vị đã thành lập chi bộ Đảng. |
Với nhận thức trên, Ban TVTU Đồng Nai đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo 07 của tỉnh, các huyện, Đảng ủy trực thuộc tỉnh có các khu công nghiệp tập trung để thực hiện có hiệu quả việc phát triển Đảng và thành lập các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển Đảng và xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Để việc phát triển Đảng và thành lập các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài Nhà nước, đạt được kết quả tích cực, theo ý kiến một số đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) cần rất nhiều giải pháp phù hợp.
* Những kết quả bước đầu
Đồng chí Nguyễn Thị Nga, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Trảng Bom, cho biết để có cơ sở xây dựng tổ chức Đảng, Huyện ủy Trảng Bom đã quan tâm xây dựng tổ chức Công đoàn trong các khu công nghiệp. Qua đó, nếu như đầu nhiệm kỳ, toàn huyện có 107 Công đoàn cơ sở, với 47.207 công đoàn viên thì hiện nay toàn huyện có 145 tổ chức (tăng 35,5%), với 96.615 công đoàn viên (tăng 104,6%). Tổ chức Công đoàn mạnh sẽ là kênh quan trọng để làm cầu nối, giới thiệu nguồn cho Đảng xem xét, kết nạp. Do đó, số đảng viên và tổ chức Đảng trong doanh nghiệp từng bước được nâng lên. Nếu như đầu nhiệm kỳ chỉ có 5 chi bộ trong các khu công nghiệp với 76 đảng viên, thì đến nay số lượng tổ chức Đảng trong các khu công nghiệp là 17 chi bộ (tăng 240%), trực thuộc 2 Đảng bộ cơ sở, là: Đảng bộ khối doanh nghiệp và Đảng bộ Liên đoàn Lao động huyện, với 263 đảng viên (tăng 246% so với đầu nhiệm kỳ).
Còn đồng chí Nguyễn Công Chính, Phó bí thư thường trực Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh, cho biết Đảng ủy khối thường xuyên gặp gỡ các chủ doanh nghiệp để tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, chức năng của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Xây dựng những đảng viên thật sự gương mẫu, chấp hành tốt các quy định của doanh nghiệp, tích cực lao động sản xuất… từ đó tác động tích cực vào nhận thức của giới chủ, việc phát triển Đảng, thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp chỉ có lợi cho doanh nghiệp, góp phần làm cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh đạt hiệu quả hơn.
* Nâng cao nhận thức
Bên cạnh kết quả tích cực, theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, chủ doanh nghiệp hoặc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chưa tích cực ủng hộ việc xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Họ cho rằng, có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp sẽ chia quyền, gây khó khăn cho sản xuất - kinh doanh.
Để việc phát triển Đảng và xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp đạt kết quả tích cực hơn, đồng chí Nguyễn Thị Nga cho rằng cần tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 07 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đến các cấp ủy Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhằm không ngừng nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm và củng cố niềm tin trong thanh niên, công nhân lao động vào sự lãnh đạo của Đảng, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương, góp phần đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của tỉnh.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đến tháng 8-2015, toàn tỉnh có 116 tổ chức cơ sở Đảng và 2.680 đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, có 5 tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp tư nhân, 11 tổ chức Đảng trong công ty TNHH tư nhân, 28 tổ chức Đảng trong công ty cổ phần tư nhân, 19 tổ chức cơ sở Đảng trong công ty cổ phần có vốn Nhà nước dưới 50%, 46 tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và 4 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài. |
Đồng thời, tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, chủ doanh nghiệp và người lao động. Tích cực đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ theo hướng thiết thực, phù hợp với điều kiện lao động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng để không ngừng phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên ở doanh nghiệp, từ đó tạo sức hấp dẫn của tổ chức Đảng đối với đảng viên và quần chúng, tạo điều kiện, phát hiện, giúp đỡ quần chúng phấn đấu trở thành đảng viên. Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong việc phát triển các tổ chức đoàn thể, nhất là tổ chức Công đoàn, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của tổ chức Đảng đối với các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp. Thông qua tổ chức đoàn thể, việc giới thiệu quần chúng ưu tú cho tổ chức Đảng để đào tạo, bồi dưỡng nguồn cho Đảng dồi dào hơn.
Hàng năm, mỗi địa phương cũng nên tổ chức họp mặt với chủ doanh nghiệp ngoài quốc doanh từ 1-2 lần để nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Phổ biến kịp thời những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước có liên quan đến doanh nghiệp, qua đó kêu gọi doanh nghiệp tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Các ban Đảng cấp huyện, Đảng ủy Liên đoàn Lao động huyện, Đảng ủy khối doanh nghiệp, Huyện đoàn thường xuyên sâu sát, hướng dẫn các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp hoạt động đúng điều lệ của tổ chức mình, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới, phát triển đoàn viên, hội viên, thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể gắn với nhiệm vụ xây dựng tổ chức trong sạch vững mạnh.
Trong khi đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải hướng vào việc thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp; phát huy vai trò các đoàn thể cùng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ lợi ích chính đáng cho người lao động và doanh nghiệp. Tăng cường chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh việc tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước và tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phải quan tâm kết nạp cả chủ doanh nghiệp. Quan tâm phát triển công nhân trẻ có trình độ, quần chúng có uy tín, nắm giữ các vị trí quan trọng, ủy viên ban chấp hành các đoàn thể.
Phương Hằng