Dù công nghiệp khá phát triển nhưng Đảng bộ huyện Long Thành luôn xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, từ đó tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới.
Dù công nghiệp khá phát triển nhưng Đảng bộ huyện Long Thành luôn xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, từ đó tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, toàn huyện có 10/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã còn lại đều đạt từ 14 đến 18 tiêu chí.
Ông Tăng Văn Sang (xã Cẩm Đường) giới thiệu mô hình nuôi bò sữa cho những nông dân trong tỉnh quan tâm đến nghề này. |
Theo Bí thư Huyện ủy Long Thành Nguyễn Văn Được, từ đầu năm đến nay Đảng bộ huyện rốt ráo chỉ đạo trên tinh thần tập trung mọi nguồn lực nhằm hoàn thành mục tiêu đạt huyện nông thôn mới trong năm 2015. Đảng bộ huyện và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc xây dựng nông thôn mới với tinh thần quyết tâm, thực hiện quyết liệt, hoạt động đồng bộ trên cơ sở xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện cụ thể thực tiễn địa phương. Công tác kiểm tra, đánh giá được thực hiện thường xuyên, kịp thời nhằm tháo gỡ ngay những tồn tại, vướng mắc.
* Khai thác thế mạnh nông nghiệp
Trong 5 năm (2010-2015), Đảng bộ huyện Long Thành đã chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên 1 hécta đất nông nghiệp từ trên 50 triệu đồng trong năm 2010 tăng lên 115 triệu đồng vào năm 2015. Thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn từng bước được nâng lên, đạt trên 34 triệu đồng/người vào năm 2014, tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh và vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với quy hoạch. Kinh tế khu vực nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đạt chuẩn an toàn. Cụ thể, huyện đã xây dựng mô hình sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trồng trong nhà lưới, nhà màng đạt chuẩn VietGAP tại xã Long Phước; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất sầu riêng VietGAP tại 2 xã Bình Sơn và Bình An với diện tích 15 hécta và hiện đang tiếp tục mở rộng với cây măng cụt. Mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao đã phát triển được 65 hécta tại các xã Long Phước và Bình An.
Đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn luôn được huyện Long Thành chú trọng. 5 năm qua, huyện đã nâng cấp, sửa chữa và làm mới 176km đường; duy tu thường xuyên 70km đường các loại và 220m cầu, cống với tổng kinh phí trên 648 tỷ đồng. Các tuyến đường huyện được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 81%; đường liên xã đạt gần 56%. Các tuyến đường thôn, xóm đều được cứng hóa. Đầu tư cơ sở vật chất cho trường học các cấp gần 392 tỷ đồng; đầu tư gần 86 tỷ đồng cho hệ thống thủy lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ dân sinh. |
Đảng bộ huyện Long Thành cũng chú trọng khai thác lợi thế riêng phát triển đa dạng những mô hình sản xuất mang lại lợi nhuận cao, như: mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ tại xã Long Phước; mô hình nuôi bò sữa tại xã Lộc An, An Phước... Ông Tăng Văn Sang, nông dân nuôi bò sữa tại xã Cẩm Đường, vui vẻ cho biết: “Làm nông mà ngày nào cũng có tiền thu vào thì còn gì bằng. Gia đình tôi đầu tư nuôi bò sữa hơn 10 năm nay, khởi đầu từ vài con giống tôi đã nhân được đàn bò khoảng 40 con. Sữa thu hàng ngày được doanh nghiệp chế biến tại địa phương bao tiêu với giá tốt. Thấy nghề này cho thu nhập cao, ổn định nên nhiều nông dân trên địa bàn huyện cũng chuyển sang nuôi bò sữa. Giai đoạn hiện nay, giá con giống bò sữa đứng ở mức cao vì nghề nuôi bò sữa đang “nóng” trên thị trường”.
Không ít nông dân đang giàu lên nhờ nông nghiệp và sẵn sàng đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới. Là bộ đội phục viên, về địa phương ở xã Lộc An, đảng viên Võ Hữu Thời tiếp tục phát huy vai trò của người đảng viên gương mẫu trong lao động, sản xuất. Bằng sức lao động, từ đôi bàn tay trắng ông đã xây dựng được cả cơ ngơi với trang trại rộng 17 hécta nuôi heo, đào ao thả cá và trồng tràm, dó bầu, cao su. Người đảng viên gương mẫu này cũng luôn đi đầu trong phong trào đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ông đã hiến gần 4 ngàn m2 đất trồng cao su để làm đường giao thông; đóng góp hơn 400 triệu đồng để làm đường điện, đường giao thông nông thôn.
* Gắn với đô thị, công nghiệp
Quan tâm phát triển song hành giữa nông nghiệp và công nghiệp, thương mại, dịch vụ nên huyện Long Thành thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn. Bà Nguyên Vũ Hồng Mây, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thủ Mây (TX. Long Khánh) đầu tư trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu các loại nông sản, nhận xét: “Tôi đầu tư mở chi nhánh và xưởng sản xuất tại huyện Long Thành vì địa phương này có nhiều lợi thế về hạ tầng giao thông: về đường biển thì gần các cảng lớn của Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh; đường bộ thì đã có đường cao tốc góp phần giảm chi phí vận chuyển hàng hóa. Mặt khác, huyện có các khu công nghiệp phát triển nhanh; lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng khá hoàn thiện đều là những điểm cộng khi doanh nghiệp xem xét đầu tư”. Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Long Thành cũng đánh giá cao về Đảng bộ, chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và phát triển.
Không chỉ doanh nghiệp mà bản thân nông dân cũng rất năng động khi ứng dụng khoa học - kỹ thuật làm nông ngay trong khu đô thị với diện tích ít nhưng vẫn cho lợi nhuận cao. Ông Vũ Đức Thi, nông dân tại thị trấn Long Thành đã tận dụng 800m2 đất vườn, đầu tư nhà lưới và hệ thống tưới phun mưa để trồng rau sạch. Làm theo mô hình này, chi phí sản xuất giảm, làm ra sản phẩm rau an toàn với năng suất cao hơn hẳn so với cách làm truyền thống. Hiện mô hình trồng rau trong đô thị ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm đất này đang thu hút nhiều nông dân tham gia.
Vùng dâu đặc sản ở xã An Phước. |
Phó chủ tịch UBND huyện Huỳnh Văn Sơn nhận xét nông dân rất nhạy bén trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập. Địa phương cũng triển khai đồng loạt các giải pháp về quy hoạch, hình thành một số vùng chăn nuôi tập trung, vùng chuyên canh cây trồng; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho thu nhập cao hơn… Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Huỳnh Văn Sơn cho biết: “Để phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện xác định phải đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất. Long Thành có rất nhiều tuyến đường huyện, xã, ấp, nhiều đường ngõ, xóm cần đầu tư trong điều kiện ngân sách có hạn. Những khó khăn này Đảng bộ huyện đều xác định được để chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện: phần nào cần tìm nhà đầu tư, phần nào vận động nhân dân. Ở đây, Đảng bộ địa phương đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra”.
Huyện Long Thành đã huy động tổng nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn vốn huy động được từ năm 2010 đến tháng 6-2015 là 3.805 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách gần 1.360 tỷ đồng; ngân sách huyện trên 730 tỷ đồng, ngân sách xã gần 76 tỷ đồng. Vốn đóng góp của dân gần 90 tỷ đồng; nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư vào trang trại, chợ, đường điện khoảng 2.355 tỷ đồng. |
Chia sẻ về kinh nghiệm chỉ đạo trong xây dựng nông thôn mới, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn Trần Quốc Tuấn cho biết: “Thời gian đầu xây dựng nông thôn mới, người dân không biết, không hiểu gì về chương trình. Đảng bộ xã đã chỉ đạo tổ chức họp dân ở từng ấp, đưa từng tiêu chí ra bàn bạc và chỉ rõ sự gắn bó thiết thực của từng tiêu chí này với lợi ích của người dân; công khai, minh bạch để người dân đồng tình, ủng hộ”.
Bình Nguyên