Ngày 7-7, HĐND tỉnh đã tổ chức thảo luận về nội dung, chương trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới, gắn với các vấn đề khó khăn, tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015.
Ngày 7-7, HĐND tỉnh đã tổ chức thảo luận về nội dung, chương trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới, gắn với các vấn đề khó khăn, tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015.
Một trong những nội dung các đại biểu HĐND tỉnh tập trung thảo luận nhiều là bất cập trong phát triển đô thị, như: quy hoạch treo, dự án treo, tái định cư, ngập nước, ùn tắc giao thông...
* Bất cập trong phát triển đô thị
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Lan, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh, chỉ ra bất cập trong phát triển đô thị của TP.Biên Hòa hiện nay là tình trạng ngập úng vào mùa mưa nhiều năm liền không được khắc phục gây ô nhiễm môi trường, tình hình ùn tắc giao thông vẫn còn xảy ra ở một số nơi, kể cả các “điểm nóng” về giao thông đã được làm cầu vượt, như: ngã tư Amata, ngã tư Vũng Tàu...
Đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, tham dự thảo luận tại Tổ đại biểu số 2. |
Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Doãn Văn Đồng cho biết TP.Biên Hòa đã kiến nghị UBND tỉnh làm tuyến đường 2 chiều ở khu vực ngã tư Amata để giải quyết tình trạng ùn tắc do người dân đi ngược chiều. Còn ở ngã tư Vũng Tàu, thành phố đã đề nghị ngành giao thông điều chỉnh lại hệ thống đèn giao thông cho phù hợp. Với tình trạng nhiều tuyến đường chính trong nội ô quá tải vào giờ cao điểm, thành phố đề nghị UBND tỉnh xúc tiến nhanh việc làm tuyến đường ven sông Đồng Nai để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Riêng về tình trạng ngập úng khi trời mưa ở TP.Biên Hòa, theo ông Doãn Văn Đồng dù thành phố đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa khắc phục được. Nguyên nhân là do tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi hệ thống cống nhỏ nên không thoát nước kịp. Hệ thống suối Săn Máu đã được nạo vét, khơi thông nhưng các tuyến mương đấu nối vào chưa có nên nước thoát chậm. Ngoài ra, ý thức nhiều người dân chưa cao, có đến 60% hộ dân trong thành phố không đăng ký đổ rác mà tống hết xuống mương, suối gây tắc nghẽn.
Đại biểu Doãn Văn Đồng đề nghị UBND tỉnh rà soát để có giải pháp hỗ trợ nâng cấp đồng bộ toàn hệ thống thoát nước của thành phố, tránh tình trạng nâng cấp, sửa chữa không đồng nhất, giải quyết không dứt điểm, càng chống càng ngập như ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, cần xác định dự án thoát nước toàn thành phố là một vấn đề trọng điểm để tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020, có như vậy TP.Biên Hòa mới trở thành đô thị loại I như mục tiêu đề ra.
* Ít doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết
Các đại biểu cũng đặt nhiều vấn đề về trách nhiệm quản lý Nhà nước về tình trạng bán sầu riêng non, giết mổ heo lậu, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trương Văn Vở đặt câu hỏi: đến nay UBND tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp đến đâu? Tổ chức kinh tế hợp tác như thế nào?
Phát biểu tại buổi thảo luận, đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhận định tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh khá lạc quan, đạt được các mục tiêu, nghị quyết đề ra. Từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành lãnh đạo làm sao để đảm bảo tăng trưởng ổn định, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND và giải quyết những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm. |
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo cho biết việc triển khai chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Theo đó, Sở Kế hoạch - đầu tư đã phối hợp triển khai các chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Đồng Nai cũng có nhiều chính sách, chương trình lồng ghép để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông, điện, chương trình cây con chủ lực, đào tạo nghề lao động nông thôn... Sắp tới, theo chủ trương của Chính phủ sẽ có chính sách riêng hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp, hy vọng sẽ có những cơ chế, chính sách để tháo gỡ vấn đề này.
Tuy nhiên, để triển khai các chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả, theo ông Phạm Minh Đạo, chính sách còn cần có nguồn lực để thực hiện, nhất là tính toán đến nguồn nhân lực nông nghiệp. Ngoài ra, để thực hiện được chuỗi liên kết phải có sự đồng bộ giữa ngành với ngành, ngành với huyện, liên huyện mới tạo được sự thống nhất, thuận lợi trong triển khai thực hiện.
Ngọc Thư