Báo Đồng Nai điện tử
En

Thành công nhờ phát huy lợi thế

11:07, 20/07/2015

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Trảng Bom đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Trảng Bom đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Huyện đã tập trung khai thác tốt lợi thế, tiềm năng để tập trung phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ gắn với chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Công nhân Công ty Sanlim Furniture (Khu công nghiệp  Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) trong giờ sản xuất.
Công nhân Công ty Sanlim Furniture (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) trong giờ sản xuất.

Một trong những bài học kinh nghiệm được đồng chí Nguyễn Sơn Hùng, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, đúc kết đó là để đạt được các mục tiêu phát triển, trong quá trình lãnh đạo phải thường xuyên chỉ đạo sâu sát, cụ thể, phù hợp với tình hình địa phương.

* Khai thác thế mạnh

Là địa bàn có nhiều lợi thế để phát triển về công nghiệp, dịch vụ nên những năm qua Trảng Bom luôn xác định phải tập trung đầu tư cho lĩnh vực này. Theo đó, qua 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II (nhiệm kỳ 2010-2015), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng với tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 68,9% và dịch vụ chiếm 25,2%. Giá trị sản xuất  ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 14,5%/năm, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15%/năm.

Trong nhiệm kỳ qua, Trảng Bom đã thực hiện luân chuyển 15 cán bộ, điều động 16 đồng chí, bổ nhiệm 59 đồng chí cho các chức danh lãnh đạo các phòng, ban của huyện và lãnh đạo chủ chốt các xã, thị trấn. Việc bố trí, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ luôn tuân thủ quy hoạch, đảm bảo quy trình, thủ tục quy định, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ được luân chuyển đa số đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, từng bước trưởng thành, tạo được nguồn cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện. Huyện đã triển khai thực hiện tốt chủ trương “nhất thể hóa” chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, thị trấn, qua thực hiện bộ máy chính quyền cơ sở tinh gọn hơn, mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền có sự gắn kết chặt chẽ, khắc phục được tình trạng bao biện, làm thay hay buông lỏng lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 4 khu công nghiệp tập trung (Bàu Xéo, Sông Mây, Hố Nai, Giang Điền) thu hút 158 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 1.506 triệu USD, vốn thực hiện đạt 73,2% so với vốn đăng ký (146 dự án đi vào sản xuất thu hút hơn 98 ngàn lao động có việc làm ổn định). Công nghiệp địa phương từng bước tăng dần tỷ trọng, cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Hố Nai đã cho thuê 100%, cụm nghề gỗ mỹ nghệ Bình Minh đang triển khai thực hiện; các ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ, cơ khí, chế biến nông sản, thực phẩm, dệt may... phát triển mạnh, góp phần nâng cao giá trị sản xuất toàn ngành.

Theo đồng chí Nguyễn Sơn Hùng, kết quả tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng 5 năm đã tác động tích cực đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, tạo động lực cho quá trình xây dựng huyện thành huyện công nghiệp từng bước hiện đại theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II đề ra.

* Tăng tốc nông thôn mới

Nông dân Hoàng Văn Lập (ấp Trường An, xã Thanh Bình) phấn khởi cho biết: “Vào mảnh đất này lập nghiệp gần 40 năm, tôi cảm nhận được sự thay đổi hàng ngày của nó. Nếu không có những chính sách ưu đãi về vốn, hỗ trợ về cây trồng, vật nuôi, khoa học - kỹ thuật... cùng sự thuận tiện về giao thông, y tế, điện lưới… thì gia đình tôi cũng như hàng trăm nông dân khác không thể làm giàu trên mảnh đất của mình được”.

Thanh Bình là xã không có nhiều lợi thế về giao thông, hạ tầng… nhưng nhờ sự quyết tâm đã vươn lên trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Trảng Bom. Có được kết quả này, lãnh đạo xã cho rằng công đầu phải kể đến sự đóng góp của người dân. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân ở Thanh Bình đã đóng góp sửa chữa 37 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 61,76km. Tổng kinh phí từ hiến đất, cây trồng, kiến trúc trên đất từ nhân dân khoảng 6,2 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay“, Đảng bộ huyện Trảng Bom đã tập trung xử lý, giải quyết những vấn đề  bức xúc, nổi cộm. Cụ thể, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp, lộ trình khắc phục các hạn chế, khuyết điểm, tồn tại với 38 nội dung công việc cho giai đoạn 2012-2015. Đến nay, cơ bản các tồn tại này đã được khắc phục xong, trong đó có những vụ việc nổi cộm, như: thanh tra xử lý việc sử dụng kinh phí thực hiện dự án thanh long ruột đỏ của Phòng Kinh tế huyện; xử lý nghiêm tình trạng mất đoàn kết nội bộ cấp ủy xã Cây Gáo; tăng cường quản lý đất đai...

Đến nay, Trảng Bom đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2015 sẽ cơ bản đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này, Trảng Bom tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ, sử dụng giống mới, thực hiện cơ giới hóa, phát triển các dịch vụ phục vụ nông nghiệp… Huyện cũng triển khai xây dựng quy hoạch nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ lực, ổn định một số vùng chuyên canh cây công nghiệp (tiêu, cà phê), xây dựng cánh đồng lúa chất lượng cao; đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế trang trại, câu lạc bộ năng suất cao...

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể để triển khai thực hiện, trong đó tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương,  kết quả đạt được vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra và ngày càng vững chắc“ - đồng chí Nguyễn Sơn Hùng khẳng định.

Minh Ngọc

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều