Báo Đồng Nai điện tử
En

Thành công nhờ dân vận khéo (Bài 2)

11:04, 06/04/2015

Không phải ngẫu nhiên mà tại Đồng Nai, chương trình xây dựng nông thôn mới nhận được sự đồng lòng, đồng thuận, đồng hành và đồng tiến của nhân dân. Một trong những bài học kinh nghiệm được Đảng bộ Đồng Nai rút ra chính là phải làm tốt công tác dân vận.

Không phải ngẫu nhiên mà tại Đồng Nai, chương trình xây dựng nông thôn mới nhận được sự đồng lòng, đồng thuận, đồng hành và đồng tiến của nhân dân. Một trong những bài học kinh nghiệm được Đảng bộ Đồng Nai rút ra chính là phải làm tốt công tác dân vận.

Nhân dân  ấp Ruộng Tre, xã Bảo Quang, TX.Long Khánh chung tay đổ bê tông tuyến đường tại tổ 5 của ấp.
Nhân dân ấp Ruộng Tre, xã Bảo Quang, TX.Long Khánh chung tay đổ bê tông tuyến đường tại tổ 5 của ấp.

Đồng chí Viên Hồng Tiến, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy, cho biết xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nên ngay sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Kế hoạch 97 thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hệ thống chính trị của Đồng Nai đã tích cực vào cuộc. Trong đó, mô hình dân vận khéo với cách thức, phương pháp tuyên truyền hiệu quả đã giúp nhân dân hiểu và nhận thức đầy đủ về vai trò chủ thể của mình.[links(right)]

* Nhân lên những cách làm hay

Ông Sẩm Dắt Phắn (72 tuổi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa tại xã Phú Vinh, huyện Định Quán) cho biết khi được Đảng ủy xã tín nhiệm chọn là thành viên tham gia vận động người dân xây dựng nông thôn mới, ông rất vui. Ông vui vì hiểu được ý nghĩa của chương trình và hơn thế nữa, ông biết rằng nếu xây dựng nông thôn mới thành công, bà con của xã Phú Vinh, mà đặc biệt là hơn 70% đồng bào dân tộc thiểu số ở đây sẽ có một cuộc sống mới khấm khá hơn, tốt đẹp hơn. Vậy là không quản khó khăn, ông đến từng nhà, vận động người dân hiến đất làm đường, tham gia các lớp tập huấn về khoa học - kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... “Giờ đây, 100% tuyến đường liên ấp của Phú Vinh đã được thảm nhựa hoặc bê tông hóa. Bà con đã biết tận dụng đất sản xuất, vừa trồng lúa vừa xen canh bắp. Không ít hộ gia đình đã biết làm giàu trên chính mảnh đất của mình nhờ học được những phương pháp kỹ thuật mới do cán bộ khuyến công, khuyến nông hướng dẫn” - ông  Sẩm Dắt Phắn nói.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành cho biết Đồng Nai đã đặc biệt coi trọng, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và dân vận khéo với cách thức, phương pháp tuyên truyền cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để nông dân hiểu và nhận thức đúng và đầy đủ về trách nhiệm, vai trò chủ thể của mình, hiện thực hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, vấn đề có ý nghĩa quan trọng là phải biết phát huy trí tuệ và sức mạnh của nhân dân, huy động hợp lý các nguồn lực trong dân để xây dựng nông thôn mới; mọi huy động đóng góp của dân phải được bàn bạc, công khai, dân chủ, đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư để nhân dân hiến kế, đề xuất cách thức thực hiện, khi nhân dân thấy được kết quả, lợi ích thiết thực, từ đó tăng thêm lòng tin, đồng lòng, đồng thuận, đồng hành của nhân dân trong quá trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Nhận xét về Chủ nhiệm liên hiệp câu lạc bộ tiêu năng suất cao Phước Lộc Trần Hữu Thắng, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Nguyễn Minh Nhật cho rằng đây là tấm gương điển hình vượt khó làm giàu và là một trong những nhân tố rất quan trọng giúp Xuân Lộc đạt chuẩn nông thôn mới. Cật lực lao động từ những ngày mới vào vùng đất Xuân Thọ lập nghiệp; trồng hết bắp, mãng cầu, mì đến cao su, tiêu; chịu mày mò, ham học hỏi để giảm công lao động, tiết kiệm nước tưới, tăng năng suất cây trồng... đến nay ông Thắng đã trở thành người trồng tiêu đạt năng suất cao nhất nước, với 11 tấn/hécta. Tỷ phú Trần Hữu Thắng còn là tấm gương dân vận khéo khi tận tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất của mình cho bà con trong và ngoài tỉnh.

Trong khi đó, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Cao Cường cho hay, qua các phong trào thi đua “Tuổi trẻ Đồng Nai chung tay xây dựng nông thôn mới” với phương châm “mỗi thanh niên một việc làm tình nguyện, mỗi cơ sở Đoàn một công trình, phần việc thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới”, đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên làm giàu bằng những mô hình thiết thực, như: mô hình nuôi bồ câu của anh Quách Thành Nguyên (xã Long Đức, huyện Long Thành), mô hình chăn nuôi heo của anh Phạm Quốc Tuấn (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất)… Đoàn viên thanh niên còn tích cực trong việc thực hiện các phong trào ở địa phương, đi đầu trong vận động người dân xây dựng nông thôn mới. 

* Phát huy dân chủ

Đồng chí Nguyễn Trọng Tuấn, Phó trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thống Nhất, chia sẻ kinh nghiệm: “Công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới phải đi trước một bước và phải được xem là chìa khóa mở ra thành công. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động vào cuộc thông qua các buổi sinh hoạt đoàn thể, họp tổ nhân dân, nhất là các buổi họp triển khai những dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn... Từ việc tuyên truyền cho người dân hiểu, phân tích để người dân thấy rõ nhiệm vụ của mình là phải trực tiếp góp công, góp sức cùng với chính quyền địa phương thực hiện các công trình nông thôn mới; kêu gọi người dân biết hy sinh lợi ích riêng để đạt mục đích lớn hơn của cả cộng đồng”.

Ông Đào Đình Điệp (trái), Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc), dẫn một mạnh thường quân được xã vận động đóng góp tiền xây nhà tình thương đến thăm hộ được nhận nhà.
Ông Đào Đình Điệp (trái), Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc), dẫn một mạnh thường quân được xã vận động đóng góp tiền xây nhà tình thương đến thăm hộ được nhận nhà.

Bà Thái Thị Út, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ), phấn khởi cho hay từ năm 2010 đến nay bà con trong xã đã đóng góp nhiều tỷ đồng cùng hàng chục ngàn mét vuông đất và tự tháo gỡ công trình phụ mà không nhận tiền đền bù để nâng cấp và mở rộng các tuyến đường. Để có được kết quả này là do bà con thấy được lợi ích của mình khi những con đường khang trang, rộng rãi được hoàn thành, giúp bà con đi lại dễ dàng, nông sản giao thương cho giá trị kinh tế cao hơn. “Điều quan trọng hơn là tất cả các khoản đóng góp của bà con đều được chúng tôi công khai, minh bạch và người dân trực tiếp tham gia giám sát” - bà Út nhấn mạnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 86% đường huyện quản lý, 74% đường xã quản lý được nhựa hóa, bê tông hóa. Hệ thống thủy lợi được chú trọng xây mới và nâng cấp với 11 công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; 49% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; hệ thống y tế ở nông thôn được đầu tư, nâng cấp với 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; thu nhập bình quân của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2014 đạt 32,58 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh đã giảm xuống còn 1,9%...

Ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), tất cả các công trình xã hội hóa giao thông nông thôn trước khi triển khai, người dân được mời đến để nghe thông báo về chủ trương. Nhân dân sẽ bàn bạc và quyết định về mức đóng góp cho phù hợp sức dân, kể cả việc đi vận động thêm các doanh nghiệp, mạnh thường quân. Sau khi nhận được sự đồng thuận, những dự án này sẽ được thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Ngoài ra, xã còn công khai các nội dung theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho bà con được biết, như: văn hóa, giáo dục, y tế...

“Người dân chúng tôi được thông tin đầy đủ, trực tiếp tham gia bàn bạc một cách dân chủ những công việc liên quan đến đời sống dân sinh nên sẵn sàng đóng góp sức người, sức của để xây dựng bộ mặt xã ngày càng giàu đẹp hơn” - ông Phan Hùng Dũng, ấp Tân Triều, xã Tân Bình, vui mừng cho biết.

Nguyễn Phượng - Văn Truyên

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều