Báo Đồng Nai điện tử
En

Vững một niềm tin vào chân lý cách mạng

10:04, 29/04/2015

40 năm trước, Chiến dịch Hồ Chí Minh được khởi động từ ngày 26-4-1975 đã kết thúc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 bằng sự kiện lịch sử: 5 cánh quân từ các hướng tiến về Sài Gòn, bắt sống toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đánh dấu cột mốc hòa bình, thống nhất đất nước vào đúng trưa 30-4-1975.

40 năm trước, Chiến dịch Hồ Chí Minh được khởi động từ ngày 26-4-1975 đã kết thúc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 bằng sự kiện lịch sử: 5 cánh quân từ các hướng tiến về Sài Gòn, bắt sống toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đánh dấu cột mốc hòa bình, thống nhất đất nước vào đúng trưa 30-4-1975.

Công ty cổ phần Đồng Tiến là một trong những doanh nghiệp của tỉnh đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập hàng tháng khá cao. ảnh: T.L
Công ty cổ phần Đồng Tiến là một trong những doanh nghiệp của tỉnh đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập hàng tháng khá cao. ảnh: T.L

Góp phần vào 5 cánh quân tiến về Sài Gòn, quân dân Đồng Nai cùng lực lượng chủ lực Quân đoàn 4, Quân đoàn 2 đã lập nhiều chiến công oanh liệt, tạo thành hành lang tiến quân từ hướng Đông và Đông Nam. Ở mặt trận hướng Đông, quân dân Biên Hòa - Đồng Nai cùng lực lượng chủ lực Quân đoàn 4 đã giải phóng Định Quán - Tân Phú, đập tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc - Long Khánh mở ngõ vào Biên Hòa, từ đó thẳng tiến vào nội thành Sài Gòn. Ở mặt trận hướng Đông Nam, Quân đoàn 2 cùng quân dân địa phương giải phóng Bà Rịa, diệt các căn cứ trọng điểm: Nước Trong, Long Bình, Thành Tuy Hạ; vượt sông Lòng Tàu - sông Đồng Nai hợp cùng Quân đoàn 4 chiếm Dinh Độc Lập.

Ngày trọng đại của lịch sử dân tộc

Ngày 30-4-1975 mãi mãi in đậm vết son vào nhận thức và cảm xúc của mỗi người Việt Nam. 40 năm đã qua, giờ nhìn lại, càng thấm thía kết quả, đặc điểm và ý nghĩa của cột mốc lịch sử này. Đây là cột mốc chấm dứt cuộc chiến kéo dài gây thương vong, đau khổ cho người Việt Nam, kết thúc sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn lệ thuộc ngoại bang; cũng là chấm dứt sự can thiệp trực tiếp bằng quân sự của cường quốc ngoại xâm vào miền Nam. Chiến tranh kết thúc bằng sự kiện 30-4-1975 đã thể hiện khát vọng hòa bình và tính nhân văn sâu sắc của người Việt Nam. Người nước ngoài ghi nhận: Không có tàn phá đô thị, không có “tắm máu”, cướp phá, trả đũa hận thù… Điều đó cho thấy, mục tiêu cách mạng là giải phóng, chứ không phải là hủy diệt hoặc làm nhục. Chính người Mỹ nhìn nhận chiến dịch “Gió lốc” đưa các nhân viên rút chạy an toàn là do quân giải phóng không truy kích, có ý dành cho thời gian thích hợp. Không có chuyện miền Bắc chiến thắng miền Nam, chỉ có chuyện quân dân giải phóng miền Nam chiến thắng đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Tổng thống đương nhiệm Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện để tránh đổ máu, không có chuyện bàn giao thỏa thuận.

Thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam mở ra kỷ nguyên mới. Từ đây đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, Bắc Nam sum họp, cộng đồng các dân tộc đoàn kết chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc độc lập, tự do để đem lại hạnh phúc cho mọi người.

Thắng lợi 30-4-1975 của Việt Nam đánh dấu sự thắng thế của chính nghĩa, động viên các phong trào cách mạng chống đế quốc, chống xâm lược trên thế giới, góp phần làm thay đổi cục diện chính trị khu vực Đông Nam Á và chiến lược của các nước lớn, trong đó vị thế của Việt Nam được đề cao. Ở góc nhìn của người Mỹ, chiến thắng 30-4-1975 là chiến thắng của dân tộc Việt Nam đối với Mỹ và chính quyền được Mỹ bảo hộ, khác xa một cuộc nội chiến vì nó có chính nghĩa, khẳng định nguyên tắc thống nhất dân tộc mà chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố rồi phản bội. Một nhân viên cao cấp của Tòa đại sứ Mỹ xem đây là bài học lịch sử với cảnh báo: Ai không học được gì ở bài học lịch sử sẽ phải lặp lại sai lầm trong lịch sử. Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ nhận ra: Việt Nam chiến đấu với lý lẽ của lòng yêu nước dưới sự lãnh đạo thống nhất của người Cộng sản Việt Nam vì một nước Việt Nam thống nhất.

Dẫu nhìn ở một góc độ nào thì thắng lợi 30-4-1975 cũng là thắng lợi của nhân dân Việt Nam, trong đó lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt, như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Các vị tướng dù công lao to lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả là nhân dân.

Bài học lớn cho tương lai

Đất nước độc lập, hòa bình, nhưng hậu quả chiến tranh cũng rất nặng nề. Hàng triệu người hy sinh, thương tật, nhiễm độc hóa học; nhiều tài sản, nhà cửa, cơ sở hạ tầng bị tàn phá. Để xây dựng quê hương, toàn dân phải chung tay khắc phục lâu dài. Một sự ngẫu nhiên có ý nghĩa lịch sử: liền kề sau ngày độc lập cũng là ngày giải phóng người lao động. Thời điểm 1-5-1975, người lao động được giải phóng bắt tay ngay vào việc thu dọn làm sạch, đẹp quê hương, chợ búa, giao thông trở lại sinh hoạt bình thường, Đài Truyền hình Sài Gòn giải phóng ra mắt chương trình truyền hình giải phóng đầu tiên. Từ ấy đến nay, người Việt Nam kỷ niệm ngày 30-4 gắn liền với kỷ niệm Ngày quốc tế Lao động 1-5.

Mạng lưới giao thông nông thôn ở nhiều địa phương trong tỉnh đã được đầu tư xây dựng trong những năm qua. Trong ảnh: đường giao thông ở xã nông thôn mới Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc). ảnh: Huy Anh
Mạng lưới giao thông nông thôn ở nhiều địa phương trong tỉnh đã được đầu tư xây dựng trong những năm qua. Trong ảnh: đường giao thông ở xã nông thôn mới Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc). ảnh: Huy Anh

Bài học lịch sử từ chiến thắng 30-4-1975 không chỉ có ý nghĩa trong đấu tranh giải phóng, mà có ý nghĩa động lực đối với mọi cuộc cách mạng làm thay đổi vận mệnh của dân tộc, của đất nước. Đảng ta đã vận dụng bài học này thành công trong việc lãnh đạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 40 năm qua. Ngọn cờ của chặng đường mới vẫn là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhưng đối tượng của cách mạng được xác định là đói nghèo, lạc hậu, hậu quả chiến tranh, tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí và âm mưu diễn biến hòa bình từ bên ngoài. Nối tiếp cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cuộc đấu tranh để phát triển  đất nước được xem là cuộc cách mạng toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước nhiều mặt khó khăn, phức tạp hơn là nhiệm vụ giải phóng đất nước. Cuộc cách mạng này không nhất thiết phải có tiếng súng, tất cả tiền phương cũng là hậu phương, mọi người dân đều là chiến sĩ, lòng yêu nước và niềm tin là vũ khí; phẩm chất anh hùng và mầm mống  giặc thù đều có ngay trong mỗi người...

Nhờ biết vận dụng sáng tạo bài học lịch sử từ thắng lợi 30-4-1975 mà Đảng ta đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng đổi mới để xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, đạt được những thành tựu to lớn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 40 năm qua dân tộc Việt Nam đã thể hiện ý chí quyết tâm chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, từng bước làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; giữ vững được độc lập, tự chủ, tự lập, tự cường, có đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn môi trường hòa bình, phát triển chung của thế giới và khu vực.

 Bài học lịch sử từ thắng lợi 30-4-1975 cũng đã được vận dụng vào thực tế ở Đồng Nai - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đến thời điểm cuối năm 2014, Đồng Nai đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện; chỉ số GDP tăng bình quân 12% năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, bình quân đầu người ước đạt 3 ngàn USD (năm 2015); đạt và vượt 32/40 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ tỉnh; cơ bản là tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chặng đường tiếp theo của Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai được thể hiện trong phương hướng, mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ X với chủ đề: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước; nêu cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân; khai thác hiệu quả các nguồn lực, chăm lo cho con người, xây dựng Đồng Nai văn minh, giàu đẹp, phát triển bền vững”.

Từ thực tiễn ở Đồng Nai, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đúc kết 6 nhân tố tạo nên thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh có thể được vận dụng tiếp tục cho công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước ở mọi chặng đường, đó là: có sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, thống nhất của Đảng, kết tinh được lòng yêu nước và truyền thống cách mạng của nhân dân, trong đó đảng viên là tiêu biểu, tiên phong, gương mẫu; xác định mục tiêu chính nghĩa, giương cao ngọn cờ độc lập, tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong môi trường hòa bình, phát triển của thế giới; có đường lối, phương pháp cách mạng khoa học; phát huy được sức mạnh tổng hợp, đại đoàn kết của toàn dân; có đường lối đối ngoại và quan hệ ngoại giao đúng đắn, khôn khéo tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ, hợp tác của nhân dân và các nước trên thế giới. Và trên hết, phải có niềm tin sắt đá vào chân lý, vào sự lãnh đạo của Đảng hướng đến mục tiêu đã chọn.

Huỳnh Văn Tới

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều