Trong 2 ngày (20 và 21-4), tại Khu di tích Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Tây Ninh và Ban liên lạc cơ quan Hội Phụ nữ giải phóng khu Đông Nam bộ đã phối hợp tổ chức họp mặt truyền thống lần thứ 17-2015.
Trong 2 ngày (20 và 21-4), tại Khu di tích Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Tây Ninh và Ban liên lạc cơ quan Hội Phụ nữ giải phóng khu Đông Nam bộ đã phối hợp tổ chức họp mặt truyền thống lần thứ 17-2015.
Bà Nguyễn Bạch Tuyết, nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ khu Đông Nam bộ tặng biểu trưng và hoa chúc mừng cán bộ, hội viên trong ngày họp mặt. Ảnh: N. Tuyết |
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng mỗi lần họp mặt là mỗi lần cán bộ, hội viên cơ quan Hội Phụ nữ giải phóng khu Đông Nam bộ lại bồi hồi xúc động nhớ về một thời đấu tranh gian khổ, hy sinh nhưng đầy tự hào mà mình đã trải qua.
* Hy sinh niềm riêng
18 tuổi, bà Lương Thị Hiếu (tỉnh Tây Ninh) đã làm liên lạc cho cách mạng. Một thời gian ngắn sau đó, bà được cử đi học lớp y tá để phục vụ cho bộ đội - chăm sóc thương binh và nhân dân địa phương và trở thành thượng tá, bác sĩ quân y. Bà kể, năm 1967 Mỹ đánh trúng căn cứ, làm sập hầm, nhiều người hy sinh, một số bị thương trong đó có bà. Sau khi được đưa lên khỏi hầm và tỉnh lại, bà đã trực tiếp cấp cứu cho các đồng chí bị thương. Sau chiến công này, bà đã được Tỉnh đội tặng một khẩu súng ngắn và bằng khen.
Không chỉ đối diện với sự hy sinh xương máu, người phụ nữ trong kháng chiến còn phải hy sinh cả hạnh phúc riêng. Lớn lên trong gia đình 2 bên nội ngoại, cha mẹ, các anh đều tham gia cách mạng nên bà Nguyễn Thị Nhung, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Dương tham gia cách mạng từ năm 6 tuổi (năm 1958). 17 năm tham gia cách mạng, bà đã mất đi người chồng, một mình sinh con trong điều kiện chiến tranh ác liệt. “Năm con gái được 18 tháng tuổi, tôi phải gửi về nhờ mẹ tôi nuôi giúp. Để tránh sự nghi ngờ của địch, chị gái tôi phải nhận là thấy đứa trẻ mồ côi tội nghiệp nên xin về nuôi. Sau ngày giải phóng, gặp lại nhau thì con gái tôi gọi tôi bằng dì, gọi chị gái tôi bằng má” - bà Nhung ngậm ngùi kể.
Có mặt tại lễ họp mặt, bà Nguyễn Thị Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Lập, huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), cho hay: “Tôi rất xúc động và tự hào trước sự hy sinh của các cô, các mẹ để các thế hệ con cháu người Việt có được độc lập, tự do suốt 40 năm qua. Các cô, các mẹ sẽ mãi là tấm gương sáng để các thế hệ phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ miền Đông Nam bộ nói riêng học tập và noi theo. Là người đại diện cho thế hệ phụ nữ đi sau, bản thân tôi sẽ nỗ lực hơn nữa trong học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và công tác để xứng đáng với sự hy sinh của các cô, các mẹ”. |
Thậm chí, bà Nguyễn Thị Minh Tư (TP.Biên Hòa) đã phải gác lại hạnh phúc lứa đôi cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thoát ly tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi (cuối năm 1961) cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà đã từng tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường từ mặt trận Long An đến Tây Ninh, Phước Long, Đồng Nai, Lâm Đồng... Chiến trường khốc liệt, bà và đồng đội lúc nào ra trận cũng xác định tư tưởng vững vàng, sẵn sàng chiến đấu, quyết một mất một còn với địch. Bà kể, có lần trong một trận đánh, đạn bay, pháo dội trên đầu, càng đánh càng hăng say tới mức quên luôn mệnh lệnh rút lui, bị địch phát hiện. Nhờ đồng đội giải vây nên bà thoát chết. Không những phải đối mặt với sự hy sinh về thể xác, mà những chiến sĩ cách mạng như bà không dám nghĩ đến hạnh phúc riêng tư. Khoảng năm 1969, bà và ông Bùi Năm Trung (thường gọi là Hai Hớn) có tình cảm sâu sắc với nhau nhưng trong lúc cuộc kháng chiến đang khốc liệt, ông bà đã hẹn và chờ nhau đến ngày đất nước hòa bình. Tháng 4-1975, đất nước thống nhất, nhưng phải đến đầu năm 1976, ông bà mới được gặp lại nhau và 8 tháng sau mới chính thức kết hôn.
* Phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất
Phát biểu tại buổi họp mặt, bà Nguyễn Bạch Tuyết, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ khu Đông Nam bộ, nhận định vai trò của phụ nữ ở nước ta nói chung, miền Đông Nam bộ nói riêng chỉ được khẳng định từ sau Cách mạng tháng Tám thành công. Giai đoạn này phụ nữ không chỉ làm hậu phương phục vụ tiền tuyến mà còn trực tiếp tham gia đấu tranh. Vì thế phụ nữ Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập, người phụ nữ đòi hỏi phải có 4 phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Do vậy, phụ nữ ngày nay phấn đấu để có được sự “tự tin, tự trọng” là hành động thiết thực nhất tiếp nối truyền thống “anh hùng, bất khuất” của các thế hệ phụ nữ đi trước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Nai, cho biết tiếp nối truyền thống anh hùng, bất khuất của các thế hệ cán bộ Hội Phụ nữ giải phóng khu Đông Nam bộ, thời gian qua các cấp Hội LHPN tỉnh nói riêng, các Hội LHPN các tỉnh miền Đông Nam bộ nói chung không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lãnh đạo các tầng lớp phụ nữ đẩy mạnh rèn luyện phẩm chất phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phụ nữ ngày nay tích cực đóng góp tài năng, trí tuệ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội để xứng đáng với truyền thống anh hùng.
Nga Sơn