Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Đồng Nai đã dành nhiều nguồn lực cho công tác đền ơn đáp nghĩa, xoa dịu đi những nỗi đau chiến tranh.
Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Đồng Nai đã dành nhiều nguồn lực cho công tác đền ơn đáp nghĩa, xoa dịu đi những nỗi đau chiến tranh.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc rà soát và giải quyết các chế độ cơ bản, đầy đủ cho người có công trong kháng chiến theo quy định. Sau nhiều năm tìm kiếm, tỉnh cũng đã quy tập được trên 11,7 ngàn hài cốt liệt sĩ về an nghỉ tại 6 nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh, và nhiệm vụ này vẫn được tiếp tục triển khai.
* Thực hiện tốt chính sách
Theo Trưởng phòng Chính sách người có công (Sở Lao động - thương binh và xã hội) Nguyễn Thanh Bình, Sở đang quản lý trên 54,6 ngàn hồ sơ của các đối tượng người có công, gồm: thương bệnh binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người tham gia kháng chiến được tặng huân, huy chương các loại, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học… Trong số đó có trên 13,6 ngàn người được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với tổng kinh phí lên tới gần 19 tỷ đồng/tháng. Tỉnh thường xuyên cập nhật các chính sách chế độ mới dành cho người có công để đảm bảo các đối tượng được hưởng đầy đủ và công bằng.
Mẹ Lê Thị Mận (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) mới được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đầu năm 2014. |
Qua rà soát của Sở Lao động - thương binh và xã hội, hơn một nửa số hộ gia đình chính sách hiện có mức sống cao hơn mức trung bình của người dân tại địa phương nơi cư trú, trong đó có nhiều hộ tự lực làm kinh tế giỏi. Toàn tỉnh chỉ có 78 đối tượng người có công tuổi cao sức yếu nhưng được các địa phương thường xuyên quan tâm, đồng thời được các mạnh thường quân nhận hỗ trợ hàng tháng. Tất cả các đối tượng người có công và thân nhân của họ đều được tỉnh hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Đầu năm 2015, Đồng Nai mua mới bảo hiểm y tế cho 22.729 đối tượng người có công và thân nhân của người có công với tổng số tiền lên tới 11,3 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã lên danh sách đưa trên 4 ngàn đối tượng người có công đi điều dưỡng và phục hồi sức khỏe tại các địa điểm du lịch. |
Ông Nguyễn Ngọc Thân (xã Bình Lộc, TX.Long Khánh) là thương binh 2/4 từng bị địch bắt tù đày, có 45 năm tuổi Đảng, cho biết gia đình ông có tới 6 anh em và đều tham gia kháng chiến, trong đó có 2 người là liệt sĩ. Những năm qua, ông Thân luôn nhận được đầy đủ các chế độ chính sách, đồng thời còn được tỉnh đưa đi nghỉ dưỡng nhiều lần, trong đó có lần ông được ra Hà Nội viếng lăng Bác, được lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước gặp gỡ thăm hỏi. “Năm 2014 vừa qua, mẹ tôi được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là một vinh dự rất lớn cho thấy Đảng và Nhà nước luôn ghi nhớ đến sự đóng góp của gia đình chúng tôi, trong đó có mẹ tôi” - ông Thân xúc động chia sẻ.
Ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho hay từ năm 2012 tỉnh đã rà soát lại về điều kiện nhà ở đối với tất cả các đối tượng người có công, đến nay tỉnh đã hoàn thành việc xây mới và sửa chữa nhà cho 861/934 hộ có nhu cầu. Hiện chỉ còn 41 hộ đang trong quá trình sửa chữa lại nhà và các địa phương đều nỗ lực hoàn thành trước ngày 30-4, trong khi đó một số ít hộ khác sẽ được tái định cư đến nơi ở mới trong thời gian sớm nhất.
* An lòng người đang sống
Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đồng Nai đã có tổng cộng 887 người được Nhà nước công nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện có 96 mẹ còn sống. Nhiều mẹ đã được Nhà nước xây tặng nhà tình nghĩa và được địa phương vận động các đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời với mức trung bình là 750 ngàn đồng/tháng.
Đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh). |
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mận (86 tuổi, ngụ phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) được phong tặng danh hiệu năm 2014, xúc động chia sẻ: “Mẹ rất mừng vì sau ngày đất nước hòa bình, Đảng và Nhà nước luôn chăm lo đầy đủ chính sách cho mẹ, thay chồng và con của mẹ đã hy sinh. Sự hy sinh nào trong chiến tranh cũng là thiệt thòi nhưng với sự quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần của địa phương thì mẹ cảm thấy rất ấm lòng”.
Ông Nguyễn Văn Thuộc, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết với đạo lý uống nước nhớ nguồn, Đồng Nai sẽ tiếp tục chăm lo, giải quyết đầy đủ và chu đáo các chính sách cho người có công, đặc biệt là chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho các lão thành cách mạng, thương bệnh binh, mẹ Việt Nam anh hùng. Một nhiệm vụ sẽ được ngành đẩy mạnh triển khai, đó là tranh thủ các nhân chứng còn sống để tiếp tục tìm kiếm cho được hài cốt liệt sĩ còn nằm rải rác ở đâu đó, sớm chấm dứt sự khắc khoải chờ đợi của nhiều gia đình và đồng đội. |
Thượng tá Đoàn Công Tâm, Trưởng ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết mong mỏi lớn nhất của nhiều gia đình, đồng đội là sớm tìm thấy được các hài cốt liệt sĩ còn nằm đâu đó trong lòng đất mẹ. Chính vì vậy, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đều được tỉnh kiên trì thực hiện trong thời gian dài và đã thành công, như vụ tìm kiếm hơn 100 hài cốt liệt sĩ tại xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), hay vụ tìm kiếm 36 hài cốt liệt sĩ ở xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh).
Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 6 nghĩa trang liệt sĩ, 5 đền thờ, 4 đài tưởng niệm, 43 nhà bia ghi danh các liệt sĩ ở các xã, phường. Tất cả các phần mộ liệt sĩ nằm ở các nghĩa trang liệt sĩ đều được xây kiên cố, ốp đá granite sạch đẹp và trang trọng. Một số nghĩa trang còn có gắn đèn điện chiếu sáng về đêm trên các phần mộ, đồng thời được các cơ sở Đoàn nhận chăm sóc thường xuyên.
Công Nghĩa