Báo Đồng Nai điện tử
En

Người chắp bút cho kế hoạch nghi binh

10:03, 11/03/2015

Đúng dịp kỷ niệm 40 năm Buôn Ma Thuột được giải phóng (11-3), chúng tôi đến thăm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trung tướng Khuất Duy Tiến, người đã được Bộ Tư lệnh mặt trận giao nhiệm vụ chắp bút một kế hoạch tuyệt mật: "Kế hoạch nghi binh" khi quân ta bước vào giai đoạn đầu của Chiến dịch Tổng tiến công mùa xuân năm 1975.

Đúng dịp kỷ niệm 40 năm Buôn Ma Thuột được giải phóng (11-3), chúng tôi đến thăm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Trưởng phòng Tác chiến Mặt trận B3 - Tây Nguyên. Trên cương vị này, ông được Bộ Tư lệnh mặt trận giao nhiệm vụ chắp bút một kế hoạch tuyệt mật: “Kế hoạch nghi binh” khi quân ta bước vào giai đoạn đầu của Chiến dịch Tổng tiến công mùa xuân năm 1975.

Trung tướng Khuất Duy Tiến tại nhà riêng tháng 3-2015.
Trung tướng Khuất Duy Tiến tại nhà riêng tháng 3-2015.

Ở tuổi 85, Trung tướng Khuất Duy Tiến vẫn giữ được sức khỏe và sự nhanh nhẹn, quắc thước của một vị chỉ huy từng vào sinh ra tử qua các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Vị lão tướng nhớ lại thời khắc đầu năm 1975 tại chiến trường Tây Nguyên: “Ngày 12-1-1975, chúng tôi nhận được điện của Bộ Tổng tham mưu do Phó tổng tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền ký, yêu cầu phải chuẩn bị thêm mục tiêu Buôn Ma Thuột… Chúng tôi nhận định ở tầm chỉ đạo chiến lược, trước tình hình phát triển rất mau lẹ nên trong vòng 5 tháng mà Bộ Tổng tham mưu đã ba lần thay đổi nhiệm vụ đối với Tây Nguyên.

Trước đó, chúng tôi đã tổ chức làm nhiều việc như: Xây dựng kế hoạch tác chiến, thiết bị chiến trường, thông qua quyết tâm chiến đấu đã lấy tên chiến dịch là “Chiến dịch 275” (tháng 2 năm 1795). Việc chuyển mục tiêu chủ yếu từ Gia Nghĩa về Buôn Ma Thuột có nghĩa là chúng tôi phải “lật cánh”, gần như phải làm lại từ đầu, từ xây dựng phương án, kế hoạch tác chiến đến thiết bị chiến trường, tổ chức mạng lưới bảo đảm hậu cần với khối lượng công việc rất lớn mà thời gian còn lại không nhiều”.

Một vấn đề làm cho Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên và cơ quan tác chiến phải suy nghĩ, cân nhắc mất nhiều thời gian nhất là tổ chức đột phá vào Buôn Ma Thuột như thế nào? Vì đây là trận mở đầu và cũng là trận then chốt quyết định của chiến dịch…

Ông Tiến nhớ lại: “Tư lệnh Vũ Lăng, Quyền Tham mưu trưởng Nguyễn Quốc Thước và Phòng Tác chiến chúng tôi đêm hôm đó chụm đầu vào tấm bản đồ TX.Buôn Ma Thuột tính toán. Anh Vũ Lăng nói với anh Thước và tôi: “Phải tìm mọi cách nhử địch về Kon Tum và Pleiku rồi hãm chúng ở đó, tạo sơ hở ở Buôn Ma Thuột để ta đột phá thật nhanh vào đây tiêu diệt địch trong thời gian ngắn nhất và làm chủ thị xã này. Sau đó sẽ phát triển đánh chiếm Gia Nghĩa, Phú Bổn để mở rộng khu vực, làm bàn đạp phát triển tiến công các hướng khác. Để thực hiện được ý định này, vấn đề có tính quyết định là lập thế trận chiến dịch. Thế trận đó phải thể hiện chia cắt, vây hãm, vừa hãm vừa tiến công, đột phá, vừa bí mật vừa nghi binh”.

Dừng một lát, anh Vũ Lăng nói tiếp:  “Tôi giao cho anh Tiến - Trưởng phòng Tác chiến làm Tổ trưởng Trung tâm nghiên cứu chiến thuật đề xuất phương án đánh TX.Buôn Ma Thuột. Các anh nghiên cứu phương án, một là đánh địch không có phòng ngự dự phòng và một phương án nữa là đánh địch có phòng ngự dự phòng. Đánh địch không có phòng ngự dự phòng là ưu tiên số một, ta phải làm mọi cách để đánh địch không có phòng ngự dự phòng”.

Kết thúc cuộc họp, ông Tiến nhìn đồng hồ đã 1 giờ 15 phút của ngày hôm sau. Trở lại hầm tác chiến, chỉ còn mấy đồng chí thông tin trực máy và cán bộ tác chiến trực ban, ông ngả người trên tấm sạp dã chiến lim dim đôi mắt nhưng bên tai luôn văng vẳng lệnh của Tư lệnh chiến dịch làm thế nào để đánh địch ở Buôn Ma Thuột không có phòng ngự dự phòng? Ông sực nhớ và ngồi bật dậy với ý tưởng phải nghi binh địch, làm cho nó tưởng ta đánh Kon Tum và Pleiku, hút địch về phía đó. Một chiến dịch nghi binh đã dần hình thành…

Suốt mấy ngày, Tổ Trung tâm nghiên cứu chiến thuật do ông Tiến làm tổ trưởng đã tỉ mỉ xây dựng phương án nghi binh, phương án tấn công Buôn Ma Thuột. Tại cuộc họp của Bộ Tư lệnh mặt trận, các ý kiến đều thống nhất phải nghi binh, giam chân 8 trung đoàn đối phương ở lại Bắc Tây Nguyên, không cho chúng về Buôn Ma Thuột trước giờ “G” ta nổ súng tấn công vào thị xã này; phải tổ chức lực lượng phong tỏa, chặt đứt 3 con đường chiến lược (đường 14, 19, 21) để chia cắt đồng bằng với Tây Nguyên, Bắc Tây Nguyên với Nam Tây Nguyên…

Phương án nghi binh được giữ bí mật tuyệt đối. Từ Tổng hành dinh quân đội Việt Nam Cộng hòa đến các cơ quan tình báo Mỹ tại Sài Gòn, Quân khu 2 của địch ở Tây Nguyên đều tập trung theo dõi động tĩnh của Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 của ta. Họ ghi nhận máy thông tin vô tuyến điện 15W, các đường dây điện thoại của 2 sư đoàn này vẫn ở chế độ hoạt động bình thường và sóng vẫn phát đi từ các địa điểm cũ; qua đó cho rằng 2 sư đoàn của ta vẫn “án binh bất động” và mục tiêu bị tấn công sẽ là Kon Tum hoặc Pleiku như những năm trước đó.

Nhờ kế hoạch nghi binh hoàn hảo, trong khi ta điều 2 sư đoàn chủ lực là Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 từ Bắc Tây Nguyên xuống Nam Tây Nguyên, Sư đoàn 316 cũng được điều từ miền Bắc vào Nam Tây Nguyên thì địch vẫn tin rằng ta sẽ đánh vào Bắc Tây Nguyên, do đó ta đã thu hút một lực lượng lớn của địch lên phía Bắc Tây Nguyên và giành thắng lợi lớn tại Buôn Ma Thuột.

Trần Duy Hiển

 

 

 

Tin xem nhiều