Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến thắng Buôn Ma Thuột: Chọn đúng mục tiêu chiến lược

10:03, 09/03/2015

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Buôn Ma Thuột là điểm đột phá chiến lược mở đầu cho chiến cuộc.

LTS: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 bắt đầu bằng 3 đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30-4. Trong 55 ngày đêm, với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân dân ta đã giành được toàn thắng. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Buôn Ma Thuột là điểm đột phá chiến lược mở đầu cho chiến cuộc.

Bộ đội ta tấn công, đánh chiếm trại Mai Hắc Đế, TX.Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên, tháng 3-1975.
Bộ đội ta tấn công, đánh chiếm trại Mai Hắc Đế, TX.Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên, tháng 3-1975.

Buôn Ma Thuột không phải là một vị trí quân sự mạnh, nhưng lại rất hiểm. Chọn mục tiêu tiến công là yếu và hiểm là Buôn Ma Thuột, ta đã nhanh chóng đánh chiếm, giải phóng cả Tây Nguyên và vùng đồng bằng ven biển Nam Trung bộ, tiến về giải phóng Sài Gòn...

Trận then chốt mở màn Chiến dịch Tây Nguyên

Nhắc đến chiến thắng Buôn Ma Thuột, vị tướng già Phan Khắc Hy sắp bước vào tuổi 90 mắt lấp lánh niềm vui và tự hào. Thời điểm đó, ông là Phó tư lệnh Binh đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn, trực tiếp tham gia vào trận đánh Buôn Ma Thuột. Ông bảo chưa bao giờ bộ đội ta lại ra trận hào hứng, phấn khởi và tràn đầy niềm tin như đợt hành quân ra trận đánh vào Buôn Ma Thuột mùa xuân 1975.

Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu: “Thất bại của địch ở Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên đã cuốn theo sự đổ vỡ toàn bộ thế trận chiến lược của chúng từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau, tạo thời cơ để ta tổ chức các đòn tiến công tiếp theo đập tan chế độ tay sai của Mỹ ở miền Nam, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.

Thời điểm này, cuộc kháng chiến của dân tộc ta đã bước sang thời điểm có tính chất quyết định, thời cơ lớn xuất hiện. Trung ương và Bộ Tư lệnh quyết định chọn điểm quyết chiến chiến lược. Chọn điểm nào có ý nghĩa quan trọng nhất? Yếu huyệt của địch chính là Buôn Ma Thuột - vị trí chiến lược mà nơi đó địch yếu để đánh mở đầu cho cuộc Tổng tiến công năm 1975.

Các sư đoàn chủ lực được Bộ đội Trường Sơn dùng 2 sư đoàn ô tô cơ động thần tốc và chiếm lĩnh những vị trí có lợi trước thời gian quy định. Công tác chuẩn bị rất chu đáo, chưa bao giờ lực lượng lại đông như thế, bộ đội ở tư thế sẵn sàng chiến đấu cao.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy nhớ lại: “Ngày 9-3, ta đánh Đức Lập, cửa ngõ Buôn Ma Thuột. 10-3 tổng tiến công vào chính sào huyệt của địch tại Buôn Ma Thuột. Ngày 11-3, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Địch tổ chức phản kích ở Phước An, nhưng ta đã chuẩn bị sẵn để đón phản kích của địch và tiêu diệt làm cho địch rất hoang mang. Và chúng có một nhận định sai lầm là quyết định rút khỏi Tây Nguyên về củng cố đồng bằng. Ngày 17-3, địch ra lệnh rút Quân đoàn 2 về đồng bằng. Ta nắm được thời cơ đó cơ động lực lượng các sư đoàn vòng lên đường số 7 chặn đường rút chạy của địch, quân địch hoảng loạn co cụm. Toàn bộ Quân đoàn 2 của địch bị tiêu diệt và bắt sống hoàn toàn”.

Tạo ra cục diện mới

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mở đầu bằng trận đánh “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột đã đạt được thắng lợi. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên làm rung chuyển, đảo lộn cả thế trận của địch và tạo cho ta sự phát triển vô cùng thuận lợi, biến thắng lợi chiến dịch thành thắng lợi chiến lược, tạo ra cục diện mới của chiến lược trong kế hoạch giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975.

TS. Đại tá Dương Đình Lập: “Trận đánh Buôn Ma Thuột được chuẩn bị chu đáo và diễn ra từ ngày 10 đến 11-3-1975. Thắng lợi của trận đánh mang ý nghĩa chiến lược, thể hiện trình độ về nghệ thuật chọn mục tiêu, nghi binh, tạo thế, tổ chức sử dụng lực lượng và vận dụng cách đánh hiệp đồng binh chủng phát triển tiến công để giành thắng lợi trong Chiến dịch Tây Nguyên”.

GS.TS. Thiếu tướng Huỳnh Nghĩ, lúc ấy với vai trò là phái viên quân sự Quân đoàn 3 trực tiếp đánh vào Buôn Ma Thuột, và là cánh quân hướng Tây Bắc tiến về Sài Gòn đã đúc kết bài học lớn từ chiến thắng Buôn Ma Thuột: “Có thể nói, việc chuẩn bị tiến công mở đầu cuộc tấn công và nổi dậy chọn Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột, các nhà bình luận phương Tây cho rằng là thiên tài. Sau khi mất Buôn Ma Thuột, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu bỏ Tây Nguyên, rút quân tháo chạy, tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến tranh”.

Để có chiến thắng này, chúng ta đã học nghệ thuật đánh giặc của cha ông. Nguyễn Trãi từng nói: “Bỏ chỗ mạnh đánh chỗ yếu, tránh chỗ vững đánh chỗ núng, thì dùng sức một nửa mà thành công gấp bội”. Muốn đánh Buôn Ma Thuột thắng nhanh, phải nghi binh đánh Pleiku để Buôn Ma Thuột vẫn yếu như cũ. Và ta đã tổ chức nghi binh cho Pleiku, địch đã sa vào đúng thế trận của ta vạch ra. Đi đúng hướng, đánh trúng điểm, chiến thắng Buôn Ma Thuột đã được các nhà nghiên cứu lịch sử phân tích, đánh giá cao về nghệ thuật quân sự của Việt Nam.

PGS.TS. Đại tá Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7, phân tích: “Thắng lợi từ chiến thắng Buôn Ma Thuột để lại nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học về chọn hướng đúng và mục tiêu của chiến dịch cho nên chúng ta đã làm cho địch hoàn toàn bất ngờ. Điều này ngược lại với phán đoán của quân lực Việt Nam cộng hòa là ta tấn công để giải phóng Kon Tum và Pleiku. Cho nên quân địch tại Tây Nguyên chủ yếu tập trung ở phía Bắc Tây Nguyên dẫn đến bị động, lúng túng, bất ngờ và sau đó phải rút chạy, tạo điều kiện cho chúng ta phát triển thắng lợi của Buôn Ma Thuột, giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng duyên hải Nam Trung bộ”.

Cao Thoa

 
 

 

 

 

Tin xem nhiều