Báo Đồng Nai điện tử
En

Phụ nữ Đồng Nai chủ động hội nhập

09:03, 06/03/2015

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

 

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Bà Nguyễn Hòa Hiệp, Bí thư Huyện ủy Thống Nhất (giữa), thăm mô hình trồng bưởi của nông dân tại xã Xuân Thiện.
Bà Nguyễn Hòa Hiệp, Bí thư Huyện ủy Thống Nhất (giữa), thăm mô hình trồng bưởi của nông dân tại xã Xuân Thiện.

Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, phụ nữ tiếp tục phát huy phẩm chất anh hùng, nỗ lực hết mình trong học tập và rèn luyện nhằm trang bị cho mình nền tảng kiến thức vững chắc, bản lĩnh vững vàng.

* Nỗ lực học tập

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, phụ nữ chiếm khoảng 50% lực lượng lao động trong xã hội. Ngày nay, phụ nữ không chỉ làm tốt công việc của mình mà luôn có xu hướng vươn lên đảm nhận các vị trí quan trọng, vừa để khẳng định mình, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Bà Nguyễn Hòa Hiệp bộc bạch, là thạc sĩ kinh tế, từng có 17 năm công tác tại Sở Nội vụ, nhưng khi được điều động về làm Chủ tịch huyện, sau này là Bí thư Huyện ủy Thống Nhất, bà rất lo lắng. “Kinh nghiệm của tôi lúc ấy là học hỏi có chọn lọc từ những cô, chú, anh, chị đã và đang làm lãnh đạo; kết hợp với thực tiễn ở cơ sở để đúc kết kinh nghiệm, tìm ra cách lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp” - bà Hiệp nói.

Nhắc đến bà Trịnh Thị Hòa, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Anh Hòa (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) - doanh nghiệp chế biến gỗ ít ai biết rằng bà đi lên từ hai bàn tay trắng với biết bao khó khăn. Để có được doanh thu khoảng 150 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động (mức lương từ 4,5-10 triệu đồng/người/tháng), bà phải nỗ lực học hỏi từ đối tác, công nhân lao động để tính toán cho phù hợp. Theo bà Hòa, cuộc sống luôn vận động, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế, để không đứng ngoài cuộc của quá trình này, mỗi người nói chung và phụ nữ nói riêng đều phải nỗ lực học tập. “Không nhất thiết phải đến trường mới là học mà có thể học mọi lúc mọi nơi” - bà Hòa cho hay.

* Phát huy phẩm chất “anh hùng, bất khuất”

Nói về vai trò của phụ nữ nói chung, phụ nữ Đồng Nai nói riêng qua các thời kỳ, bà Nguyễn Bạch Tuyết, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, cho biết vai trò của phụ nữ ở nước ta chỉ được khẳng định từ sau Cách mạng tháng Tám thành công, nhất là từ năm 1955-1956. Giai đoạn này phụ nữ không chỉ làm hậu phương phục vụ tiền tuyến mà còn trực tiếp tham gia đấu tranh. Cũng chính giai đoạn này, người phụ nữ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Theo số liệu của Sở Lao động - thương binh và xã hội, năm 2014 trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt trên 18%; tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã (nhiệm kỳ 2011-2016) chiếm 25,34%; 106/183 UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ (chiếm 58%); 3/4 cơ quan MTTQ tỉnh và các đoàn thể có lãnh đạo chủ chốt là nữ, chiếm 75%. Trong lĩnh vực lao động, có 1.043 doanh nghiệp của phụ nữ/2.062 doanh nghiệp thành lập mới (chiếm 50,58%). Trong lĩnh vực giáo dục, tỷ lệ nữ có trình độ thạc sĩ chiếm 43,5%; ở lĩnh vực y tế, nữ bác sĩ chuyên khoa I chiếm trên 38%...

Phát huy truyền thống ấy, phụ nữ ngày nay đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của tỉnh. Theo ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, tính đến cuối năm 2014, lao động nữ tham gia trong các loại hình kinh tế chiếm trên 65%, phân bố ở nhiều lĩnh vực khác nhau mà đông đảo nhất là trong hoạt động giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân và các doanh nghiệp. Bản thân phụ nữ không chỉ trực tiếp làm ra sản phẩm mà còn nỗ lực học tập, sáng tạo trong quá trình lãnh đạo, sản xuất - kinh doanh góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hội nhập là xu thế tất yếu, một mặt tạo điều kiện để phụ nữ nỗ lực vươn lên khẳng định mình, mặt khác đặt người phụ nữ trước không ít thách thức bởi sự cạnh tranh. Do đó, để tự tin hội nhập, chị em cần phải có lòng yêu nước, lòng tự tôn của dân tộc; có sức khỏe, tri thức, năng động, sáng tạo, luôn mạnh dạn, tư tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác để dần khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

Trong khi đó, bà Nguyễn Bạch Tuyết cho rằng, để hội nhập tốt phụ nữ chỉ cần thực hiện cho được 4 phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Phụ nữ ngày nay sẽ phải học nhiều hơn, làm nhiều việc hơn nhưng làm đến đâu phải hiệu quả đến đó, không hình thức.

Nguyễn Tuyết

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều