Báo Đồng Nai điện tử
En

Vươn lên từ nguồn vốn nghĩa tình

10:05, 11/05/2014

Nhiều gia đình trong tỉnh đã thoát nghèo bền vững sau khi nhận được nguồn vốn hỗ trợ chăn nuôi của Hội Chữ thập đỏ tỉnh từ năm 2001.

Nhiều gia đình trong tỉnh đã thoát nghèo bền vững sau khi nhận được nguồn vốn hỗ trợ chăn nuôi của Hội Chữ thập đỏ tỉnh từ năm 2001.

Ông Huỳnh Tảo (ấp 5, xã Phú Điền, huyện Tân Phú) cho ba ba ăn.
Ông Huỳnh Tảo (ấp 5, xã Phú Điền, huyện Tân Phú) cho ba ba ăn.

Gia đình ông Huỳnh Tảo (ấp 5, xã Phú Điền, huyện Tân Phú) trước đây luôn là một trong những hộ nghèo nhất xã vì con đông lại không có ruộng rẫy, nghề nghiệp. Vợ chồng ông làm thuê làm mướn, quần quật quanh năm mà không đủ ăn, con cái phải bỏ học giữa chừng.

* Đời sống đi lên

Biết được hoàn cảnh của gia đình ông Tảo, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã hỗ trợ gia đình ông 5 triệu đồng để mua bò. Thời điểm đó, 1 con bò có giá từ 7-8 triệu đồng nên gia đình ông Tảo đã chuyển từ nuôi bò sang nuôi ba ba. Ông Tảo đã vay thêm 10 triệu đồng của chương trình xóa đói giảm nghèo để xây dựng 4 bể bê tông, thả 250 con ba ba giống. Sau 18 tháng, ông Tảo bán lứa ba ba đầu tiên được 20 triệu đồng. Trừ chi phí con giống và tiền thức ăn, ông Tảo lãi 10 triệu đồng.

Nhờ kiên trì, chịu thương chịu khó, số tiền lãi từ mô hình nuôi ba ba của ông Tảo ngày một tăng lên, là động lực thúc đẩy gia đình ông tiếp tục làm kinh tế. Từ 250 con ba ba đã tăng lên 300 con, mỗi lứa xuất bán lãi từ 10 -15 triệu đồng, góp phần cải thiện đời sống gia đình.

Trong tổng số 510 hộ gia đình được Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng từ năm 2001 đến nay, 50% hộ đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn, phát triển kinh tế. Có những hộ đã phát triển được đàn bò sinh sản với số lượng lớn như gia đình ông Nguyễn Thanh Long (xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch). Năm 2001, từ 1 con bò giống, đến nay gia đình ông Long đã có 19 con bò, trong đó có 5 con bò cái đang chuẩn bị sinh con.

* Nhân rộng mô hình

Bà Vương Thị Quyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, chia sẻ: “Ngoài các hoạt động từ thiện, giải quyết khó khăn trước mắt, Hội còn mong muốn những gia đình khó khăn trong tỉnh nâng cao chất lượng cuộc sống một cách bền vững. Tuy nhiên, quan trọng là các hộ phải nỗ lực, có ý chí vươn lên, tìm tòi, học hỏi để tự thoát nghèo chứ không nên ỷ lại”.

Ông Đoàn Văn Tòng, Trưởng ban đại diện cơ quan phía Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam:

“Trung ương Hội Chữ thập đỏ ghi nhận chương trình hỗ trợ chăn nuôi vốn mang lại hiệu quả cao của Hội Chữ thập đỏ Đồng Nai. Trong thời gian tới, các cấp hội cần tiếp tục tìm hiểu những đối tượng thật sự khó khăn, cần sự giúp đỡ để hỗ trợ nguồn vốn hợp lý. Sự phát triển kinh tế ổn định của mỗi hộ gia đình góp phần xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn”.

Gia đình bà Hồ Thị Chiến (ngụ ấp 1, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) là hộ nghèo của xã. Khi được Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ vốn nuôi bò, bà Chiến đã học hỏi kinh nghiệm từ các lớp tập huấn chăn nuôi, xem báo, đài và tham quan các mô hình chăn nuôi khác. Nhận thấy điều kiện của gia đình phù hợp với nuôi dê hơn nuôi bò, bà Chiến đã bán 2 con bò, mua về 5 con dê rồi tự tay chăm sóc, nhân giống. Hiện tại, chuồng dê nhà bà Chiến đã có 60 con. Mỗi lứa bán dê bà thu về trên 200 triệu đồng.

Còn gia đình ông Đỗ Văn Thành (ấp 6, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) lại chuyển từ nuôi bò sang nuôi ếch và nuôi ong. Từ 10 cặp ếch giống, sau 1 năm đã đẻ được trên 20 ngàn con ếch. Ông Thành bán 10 ngàn con giống được 12 triệu đồng. Sau 2,5 tháng nuôi ếch thịt, ông Thành xuất chuồng được 1 tấn, bán với giá 35 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí, ông Thành còn lãi trên 20 triệu đồng. Có đồng vốn trong tay, ông Thành vay thêm của ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư 100 thùng ong. Do có kinh nghiệm chăn nuôi ong thực tế, đàn ong của ông Thành đang phát triển rất tốt và chuẩn bị thu hoạch. Ông Thành cho biết: “Gia đình tôi có cuộc sống ổn định như hiện nay là nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ của Hội Chữ thập đỏ các cấp. Chúng tôi càng thêm tin tưởng vào chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước”.

Hạnh Dung

 

 

Tin xem nhiều