Báo Đồng Nai điện tử
En

Ký ức không phai

09:05, 06/05/2014

Dù tất cả các cựu chiến sĩ Điện Biên hiện đang sinh sống tại TP.Biên Hòa đều ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi nhắc lại Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày ấy, các cụ đều hết sức linh hoạt, nhớ lại những tháng ngày "khoét núi, ngủ hầm" để "vây, lấn, tấn, diệt" trong từng trận đánh, từng mũi tiến công, góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Dù tất cả các cựu chiến sĩ Điện Biên hiện đang sinh sống tại TP.Biên Hòa đều ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi nhắc lại Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày ấy, các cụ đều hết sức linh hoạt, nhớ lại những tháng ngày “khoét núi, ngủ hầm” để “vây, lấn, tấn, diệt” trong từng trận đánh, từng mũi tiến công, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

* “Vài hôm nữa các chú sẽ ngủ ngon”

Ở tuổi 85 nhưng cụ Nguyễn Văn Long, cư ngụ tại tổ 11, KP.7, phường Long Bình vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Cụ nói: “Mỗi năm cứ đến ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ thì lớp cựu binh chúng tôi ngày ấy lòng cứ nao nao, nhớ lại kỷ niệm của một thời trận mạc”.

Kể cho chúng tôi nghe những ngày tháng ở chiến trường, cụ Long bồi hồi nhớ lại, khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ là Tiểu đội trưởng của Đại đội 10, Tiểu đoàn 938, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 làm nhiệm vụ đánh địch trong các cứ điểm ở phía Đông sân bay Mường Thanh. “Khi đợt 1 của chiến dịch mở màn, đơn vị chúng tôi được chỉ huy giao nhiệm vụ vừa đánh địch vừa đào giao thông hào chiến đấu. Thời đó tình hình sinh hoạt ở mặt trận rất gian khổ, mọi hoạt động chiến đấu, sinh hoạt của anh em đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi những cơn mưa rừng và mưa đạn pháo của địch. Gian khổ, ác liệt, hy sinh là chuyện thường ngày, vậy mà chúng tôi không một ai nao núng” - cụ Long nhớ lại.

 Đợt 1 của chiến dịch sắp kết thúc, trước yêu cầu phát triển của chiến trường, cụ được đơn vị giao nhiệm vụ về tuyến sau huấn luyện tân binh gói, nhồi bộc phá để cung cấp cho tuyến trước đánh vào các lô cốt, các ổ đề kháng của địch trong các cứ điểm. Thời đó ở mặt trận, mặc dù phải thường xuyên sinh hoạt ở hầm, nhưng đơn vị phải luôn cử người xâm nhập vào bên trong căn cứ của địch làm nhiệm vụ đánh bộc phá để lừa địch, tạo điều kiện cho các đơn vị bạn đánh thọc sâu vào mũi chính diện…

“Sau khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, đơn vị chúng tôi được lệnh quay ra làm nhiệm vụ kiểm soát, chốt giữ đầu cầu Mường Thanh. 8 giờ sáng ngày 8-5, chúng tôi được thông báo có đoàn cán bộ cấp trên đi kiểm tra chiến trường. Khi đoàn đến nơi, anh em chúng tôi mới hò reo, sung sướng vì thấy Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đại tướng dừng lại một lúc ân cần chúc mừng các chiến sĩ. Khi nghe Đại tướng hỏi: “Đêm qua các chú ngủ có ngon không?”, có chiến sĩ nhanh nhẩu đáp:  “Dạ chưa ngon lắm ạ!”. Đại tướng tươi cười và nói: “Ráng đi, vài hôm nữa các chú sẽ ngủ ngon”.

* Đánh ghìm đầu không quân địch

Đối với Đại tá Lê Thiếu Lang (85 tuổi, cư ngụ ở phường Long Bình Tân), ký ức của một thời trận mạc Điện Biên Phủ trong ông như còn rất mới. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là trợ lý chính trị Trung đoàn 675 thuộc Đại đoàn 351. Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, ông được phân công bám sát Đại đội 756 sơn pháo 75mm, thuộc Tiểu đoàn 3 để chiếm lĩnh điểm cao 781 ở phía Đông, cách sân bay Mường Thanh khoảng 4km, khống chế không cho máy bay địch lên xuống.

Đại tá Lê Thiếu Lang nhớ lại: “Để chuẩn bị cho trận quyết chiến vào hang ổ cuối cùng của địch, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã quyết định tập trung một lượng pháo lớn để tham gia chiến trường. Riêng Trung đoàn 675 có 3 tiểu đoàn, 6 đại đội pháo, gồm: pháo mặt đất 105mm và sơn pháo 75mm. Trong đó nhiệm vụ của các đơn vị sơn pháo 75mm là đưa pháo lên các điểm cao, bắn vào sân bay Mường Thanh, khống chế không cho máy bay địch hoạt động để hỗ trợ cho các đơn vị bộ binh đánh chiếm các cứ điểm.

Trước nhiệm vụ khá nặng nề này, chỉ huy các đơn vị thuộc Trung đoàn 675 đã tổ chức cho anh em tháo rời các khẩu pháo ra thành từng bộ phận, mỗi người khuân vác một thứ, len rừng, vượt núi để đưa đến vị trí tập kết, chiếm lĩnh trận địa rồi mới lắp ráp lại hoàn chỉnh đưa vào chiến đấu.

Thời ấy, phần lớn cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị sơn pháo đều xuất thân từ nông dân, có người chỉ biết i... tờ, nhưng lại được phân công sử dụng các khẩu pháo hiện đại nên ai cũng không ít bối rối. Vậy mà với lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc ngoại xâm, nên anh em ai cũng cố gắng ra sức học tập, làm chủ vũ khí trang bị, nhờ vậy mà khi nổ súng tiến công, hàng loạt quả đạn pháo đã bắn chính xác vào mục tiêu, trong đó có lần, anh em bắn cháy chiếc Moral (máy bay trinh sát L19) khi nó vừa lăn ra đường băng để bay đi quan sát, lùng sục, tìm kiếm vị trí các nơi trú của ta.

Từ đó, mọi hoạt động di chuyển quân, tiếp tế lương thực, vận chuyển thương binh... của địch ở đây bị ngưng trệ hoàn toàn cho đến ngày quân ta cắm lá cờ quyết chiến, quyết thắng trên hầm chỉ huy của tướng De Castries.

* Không để thông tin liên lạc bị cắt đứt

Riêng với ông Bùi Thanh Nghễ (81 tuổi, cư ngụ ở KP.5, phường Trảng Dài, cựu chiến sĩ thông tin Đại đội 27, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 52, Đại đoàn 312) thì ký ức Điện Biên Phủ đối với ông là những tháng ngày tôi luyện lòng yêu nước và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Ông nói: “Tháng 10-1953, đơn vị của tôi từ Thanh Hóa nhận lệnh hành quân gấp lên Điện Biên Phủ phối hợp với các đơn vị bạn bao vây, đánh đồi Him Lam từ hướng Nam. Trên đường ra mặt trận, bên cạnh bộ đội chủ lực còn có hàng vạn dân công hỏa tuyến với các đoàn xe đạp thồ vận chuyển quân lương hối hả, nối tiếp nhau hành quân”. Tiểu đội của ông gồm 9 người được đơn vị phân công đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy chiến đấu. Khi bước vào trận, các chiến sĩ phải lăn mình dưới làn đạn của địch để rải đường dây phục vụ liên lạc, chỉ huy ở tuyến sau với tuyến trước.

Tháng 3, mặt trận Điện Biên chìm trắng trong các cơn mưa rừng và mưa đạn pháo của địch, các tuyến hào giao thông thường xuyên bị ngập nước, việc đi lại, di chuyển của các chiến sĩ hết hức khó khăn, đã vậy đường dây thông tin thường xuyên gặp sự cố vì bị pháo địch bắn hỏng. Cứ mỗi lần như vậy, anh em phải bò ra khỏi công sự, phơi mình dưới cơn mưa đạn pháo và đạn nhọn bắn thẳng của địch để nối lại đường dây, sự sống và cái chết của người lính trong cuộc chiến chỉ được tính bằng giây, bằng phút, vậy mà không ai nao núng. Dây đứt chỗ nào, anh em lại xông ra nối ngay chỗ đó,  không để thông tin liên lạc bị ngưng trệ dù chỉ trong chốc lát. Khi đợt 1 của chiến dịch kết thúc, tiểu đội thông tin của ông bị thiệt hại khá nặng nề. 9 người ban đầu giờ chỉ còn lại ông và chiến sĩ Trần Công Thầu, quê Bắc Giang bị thương khá nặng. Sự hy sinh đó đã góp phần mang lại chiến thắng quyết định nơi chiến trường trong những ngày đầu tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

 Đức Việt

 

 

Tin xem nhiều