Vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Cục Thống kê Đồng Nai tổ chức điều tra đời sống kinh tế - xã hội của hộ gia đình các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Qua điều tra cho thấy, đời sống của bà con hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
Vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Cục Thống kê Đồng Nai tổ chức điều tra đời sống kinh tế - xã hội của hộ gia đình các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Qua điều tra cho thấy, đời sống của bà con hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tà Lài (huyện Tân Phú) Đặng Vũ Hiệp (trái) thăm hỏi già làng K’Lư. |
Ông Trương Long Châu, Phó ban Dân tộc tỉnh, cho biết hiện toàn tỉnh có 39.674 hộ dân tộc thiểu số (chiếm 5,61% số hộ toàn tỉnh) và 189.098 nhân khẩu (kể cả nhân khẩu là người Kinh nằm trong hộ dân tộc thiểu số). Một trong những kết quả điều tra đáng được lưu tâm, đó là trình độ dân trí còn khá thấp làm ảnh hưởng đến điều kiện tìm việc làm để nâng cao thu nhập của hộ dân tộc thiểu số.
* Hạn chế về trình độ
Theo kết quả khảo sát, Đồng Nai có 7% đồng bào dân tộc thiểu số chưa bao giờ đi học; 68,6% đồng bào dân tộc thiểu số đã thôi học. Như vậy, chỉ còn 24,4% đồng bào dân tộc thiểu số từ 5 tuổi trở lên đang đi học, nhưng số người đi học đúng tuổi ở các cấp học không cao, trong đó cấp THPT chỉ có 35% đi học đúng tuổi.
Trong số 7% người chưa bao giờ đi học, huyện Xuân Lộc chiếm tỷ lệ nhiều nhất (hơn 13%); tiếp đó là các huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu (9,4%). Điều này cho thấy, số người chưa bao giờ đi học thường tập trung ở những xã vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.
Lý giải về việc chưa bao giờ đi học, qua điều tra hơn 72% đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, nguyên nhân phần lớn do nhà nghèo, còn lại do sợ học, không thích học, do bệnh tật, thích đi làm hơn đi học.
Tương tự, đối với lý do thôi học, hơn 42% ý kiến cho biết cũng do nhà nghèo; còn lại cho biết thích đi làm, không thích học và do học lực yếu.
* Chủ yếu làm nông nghiệp
Trong số người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên, có đến 115 ngàn người (95,3%) không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Số người có trình độ đào tạo từ sơ cấp trở lên chiếm tỷ lệ rất thấp (4,7%). Điều này cho thấy, dù lực lượng lao động trong đồng bào rất dồi dào nhưng vì không có tay nghề nên khó tìm một công việc ổn định cho thu nhập cao. Vì vậy, trong tổng số 113.288 người đang có việc làm, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chiếm cao nhất (45,8%); tiếp đến làm công nhân (23,5%); làm thuê, làm mướn (20,8%).
Ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết đây là lần đầu tiên Đồng Nai tổ chức điều tra chuyên đề về dân tộc. Kết quả của cuộc điều tra sẽ giúp các cấp, các ngành có những chủ trương, chính sách phù hợp và sát thực tế hơn, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số cải thiện cuộc sống, có việc làm và được học tập. |
Bên cạnh đó, dù đã có nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước về xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, như: chương trình 134, 135, nhà đại đoàn kết, nhà tình thương... nhưng hiện toàn tỉnh vẫn còn gần 5% số hộ dân tộc phải mượn và thuê mướn nhà, đồng thời còn hàng ngàn hộ dân tộc không có nhà tắm, nhà vệ sinh.
Ông Điểu Văn Cường, dân tộc Chơro, ấp 5, xã La Ngà (huyện Định Quán), chia sẻ: “Mặc dù chúng tôi đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để làm ăn nhưng đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Chúng tôi còn thiếu kinh nghiệm và kiến thức làm ăn. Do vậy, điều chúng tôi mong muốn nhất hiện nay là được hỗ trợ về vốn và trang bị kiến thức về sản xuất để nâng cao thu nhập”.
Phương Hằng