Báo Đồng Nai điện tử
En

Hai cuộc đời, một con đường

11:12, 27/12/2013

Có một sự trùng hợp thú vị: Đầu năm 2014, cả hai vị tướng, một sinh ra từ dải đất miền Trung là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1-1-1914, tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), một của núi rừng miền Đông là Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (sinh ngày 2-2-1914 tại làng Tân Tịch, tổng Chánh Mỹ Hạ, tỉnh Biên Hòa, nay thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đều tròn trăm tuổi.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Tư liệu
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Tư liệu

Có một sự trùng hợp thú vị: Đầu năm 2014, cả hai vị tướng, một sinh ra từ dải đất miền Trung là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1-1-1914, tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), một của núi rừng miền Đông là Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (sinh ngày 2-2-1914 tại làng Tân Tịch, tổng Chánh Mỹ Hạ, tỉnh Biên Hòa, nay thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đều tròn trăm tuổi.

Cuộc đời hai vị tướng lừng danh của quân đội Việt Nam cũng có khá nhiều điểm giống nhau. Cả hai đều sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, có truyền thống yêu nước, bản thân được hưởng nền giáo dục rất tốt từ gia đình và được chăm lo học hành chu đáo. 14 tuổi, Huỳnh Văn Nghệ giành được học bổng và theo học Trường Petrus Ký (Sài Gòn) thì Nguyễn Chí Thanh cũng thi đỗ vào trường trung học của tỉnh. Thời điểm này, cuộc đời cả hai đều xảy ra những bước ngoặt lớn: người cha thân yêu qua đời. Huỳnh Văn Nghệ vẫn được mẹ cho đi học tiếp, trong khi đó Nguyễn Chí Thanh phải nghỉ học, trở về quê làm tá điền để nuôi gia đình. Dù có sự thay đổi khác nhau trong cuộc sống, nhưng cả hai đều tìm đến với tư tưởng cách mạng và tiếp xúc với những người cộng sản.

* Đến với cách mạng

Năm 1934, Nguyễn Chí Thanh tham gia cách mạng trong phong trào Mặt trận Bình dân. Cũng thời gian đó, năm 1936, Huỳnh Văn Nghệ tham gia phong trào Đông Dương Đại hội - một phong trào vận động thu thập dân nguyện đề nghị cải cách với chính quyền thực dân Pháp. Trong năm 1937, cả hai ông đều được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Nguyễn Chí Thanh giữ nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên; Huỳnh Văn Nghệ thì hoạt động mật, làm thơ, viết báo đăng trên các báo tiếng Việt, tiếng Pháp ở Sài Gòn với bút danh Hoàng Hồ.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, hai vị tướng sinh cùng năm, cuộc đời đều có những cột mốc lịch sử gần như nhau. Hai người hai cuộc đời, nhưng cùng có chung một con đường, đó là cống hiến cả cuộc đời cho Tổ quốc, dân tộc, và đều là những vị tướng được nhân dân kính trọng, yêu quý.

Năm 1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra và bị chính quyền thực dân đàn áp khốc liệt. Huỳnh Văn Nghệ cũng bị thực dân Pháp truy bắt, nhưng ông đã kịp thoát sang Thái Lan. Tại đây, ông hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước, tổ chức xuất bản tờ báo Hồn cố hương, kêu gọi Việt kiều hướng về Tổ quốc, ủng hộ cách mạng. Không may mắn như thế, từ năm 1938 đến năm 1943, Nguyễn Chí Thanh 3 lần bị Pháp bắt giam, chịu cảnh tù đày ở các nhà lao: Huế, Lao Bảo, Buôn Mê Thuột.

Năm 1944, Huỳnh Văn Nghệ trở về nước bắt liên lạc với Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ và được giao nhiệm vụ lập Chiến khu Đất Cuốc tại quê hương Tân Uyên (lúc đó thuộc tỉnh Biên Hòa). Ông trở thành thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong tại Biên Hòa. Cách mạng tháng Tám nổ ra, Huỳnh Văn Nghệ tham gia Tổng khởi nghĩa, trực tiếp chỉ huy bắt sống Tỉnh trưởng và Cảnh sát trưởng tỉnh Biên Hòa. Cách mạng giành chính quyền tại Biên Hòa thành công, ông được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng lực lượng Giải phóng quân Biên Hòa, cố vấn cho Ủy ban Kháng chiến miền Đông.

Trong khi đó, khi vừa thoát khỏi nhà tù vào ngày 9-3-1945, Nguyễn Chí Thanh được bầu làm Bí thư Khu ủy khu IV và được cử đi dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (tháng 8-1945). Tại đây, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, có nhiệm vụ theo dõi và tổ chức giành chính quyền tại Trung kỳ trong Cách mạng tháng Tám. Chính Bác Hồ đã đặt cho ông bí danh Nguyễn Chí Thanh.

* Những vị tướng của nhân dân

Với những thanh niên tài ba, giàu lòng yêu nước như Nguyễn Chí Thanh, Huỳnh Văn Nghệ, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam độc lập, tự do ra đời như chắp thêm cho họ đôi cánh. Năm 1948, Nguyễn Chí Thanh giữ nhiệm vụ Bí thư Liên khu ủy Liên khu IV. Cuối năm 1950, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), ông được bầu vào Bộ Chính trị. Năm 1959, Nguyễn Chí Thanh được phong quân hàm Đại tướng ở tuổi 45.

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ ở Chiến khu Đ.
Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ ở Chiến khu Đ.

Trong khi đó, ở miền Nam cuối tháng 9-1945, thực dân Pháp quay lại đánh chiếm Sài Gòn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một. Huỳnh Văn Nghệ đã chỉ huy bộ đội rút về Tân Tịch (ấp Đất Cuốc, huyện Tân Uyên) dựa vào rừng quê hương làm căn cứ xây dựng lực lượng chống thực dân Pháp, gọi là bộ đội Huỳnh Văn Nghệ. Căn cứ Tân Uyên được ông bố trí phòng ngự vững chắc, bảo vệ Khu bộ, tiếp liệu cho các công binh xưởng, trở thành một trong những căn cứ vững mạnh nhất ở Nam bộ. Tháng 4-1946, ông được cử làm Phó chủ tịch kiêm Ủy viên Quân sự của Ủy ban Hành chính tỉnh Biên Hòa.

Chi đội 10 Vệ quốc đoàn dưới sự chỉ huy của Huỳnh Văn Nghệ đã tổ chức nhiều trận đánh lớn tại miền Đông, trong đó nổi tiếng nhất là trận La Ngà ngày 1-3-1948. Đây là trận giao thông chiến lớn nhất Nam bộ kể từ ngày giặc Pháp tái chiếm nước ta. Trong trận này, quân ta tiêu diệt 2 đại đội địch, 63 xe camions và thiết giáp, giết 2 tên quan năm De Désarigné và Barasat. Đặc biệt, ông đã tuyên truyền về hình ảnh “Việt Minh” với số sĩ quan và thường dân Pháp bị bắt sống, sau đó thả về, tạo dư luận rất tốt trong cộng đồng người Pháp. Chi đội 10 được tặng thưởng Huân chương Chiến công, riêng Trung đoàn trưởng Huỳnh Văn Nghệ được Chủ tịch Hồ Chí Minh  thưởng một chiếc áo trấn thủ.

Tháng 7-1948, Huỳnh Văn Nghệ nhận nhiệm vụ Khu trưởng Khu 7. Thời gian này, “bộ đội Tám Nghệ” đã sáng tạo cách đánh tháp canh, sau đó ông đã phổ biến chiến thuật này cho khắp các tỉnh ở Nam bộ, Liên khu 5, đập tan chiến lược tháp canh De La Tour, giải quyết được sự bế tắc chiến thuật của Khu 7 lúc đó. Năm 1950, sau khi sát nhập khu Sài Gòn - Chợ Lớn vào Khu 7, Huỳnh Văn Nghệ là Phó Tư lệnh Khu 7. Danh tiếng ông lẫy lừng khắp Nam bộ với biệt danh “Hùm xám miền Đông” khiến quân Pháp khiếp vía kinh hoàng. Không chỉ là vị tướng tài ba, ông còn là nhà thơ với những vần thơ in đậm trong lòng người, trong đó nổi tiếng nhất là bài Nhớ Bắc: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Vì thế, Huỳnh Văn Nghệ còn được nhân dân yêu mến, đặt cho biệt danh “Thi tướng”. Năm 1953, ông được cử ra Bắc học tập, là Phó cục trưởng Cục Quân huấn.

Gắn bó với miền Nam

Năm 1965, thêm một sự kiện trùng hợp khác diễn ra trong cuộc đời binh nghiệp của hai vị tướng, đó là cùng trở lại chiến trường miền Nam. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị phân công vào Nam, giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam. Đại tướng là người đã đưa ra những nhận định chính xác về thế và lực giữa ta với Mỹ trong chiến trường miền Nam, đề ra cách đánh “trọng chính trị hơn quân sự”, dựa vào nhân dân là chủ yếu. Đại tướng thường dặn dò: “Làm chính trị cũng như tổ chức trận đánh trên chiến trường, phải biết phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng lòng thì mọi việc sẽ thành công”. Đại tướng cũng thường viết báo với bút danh Trường Sơn, Cửu Long, là những địa danh quen thuộc của miền Nam.

Cùng lúc đó, Huỳnh Văn Nghệ cũng được cử về miền Nam tham gia chống Mỹ, giữ nhiệm vụ Trưởng ban Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Năm 1967, trong lần trở ra miền Bắc báo cáo tình hình chiến trường miền Nam với Bác Hồ, Đại tướng bị nhồi máu cơ tim, qua đời trong sự tiếc thương vô hạn của quân dân cả nước. 10 năm sau, năm 1977, Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ cũng về cõi vĩnh hằng tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2010, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hà Lam

 

Thanh Thúy

 

 

 

Tin xem nhiều