Đời sống của người dân huyện Cẩm Mỹ đã và đang từng ngày thay đổi nhờ biết tận dụng lợi thế mà thiên nhiên ưu đãi để phát triển nông nghiệp.
Đời sống của người dân huyện Cẩm Mỹ đã và đang từng ngày thay đổi nhờ biết tận dụng lợi thế mà thiên nhiên ưu đãi để phát triển nông nghiệp.
Người dân xã Xuân Đông hướng dẫn cho nhau kỹ thuật trồng dưa leo năng suất cao. |
Theo Phó bí Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Lộc, ở Cẩm Mỹ hiện nay không hiếm những hộ sống bằng nghề nông có thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.
* Tận dụng lợi thế nông nghiệp
Đồng chí Nguyễn Văn Lộc cho biết thêm, nhờ thu nhập của các hộ gia đình tăng nên kinh tế huyện có nhiều khởi sắc. Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần II (2010-2015), từ năm 2010 đến nay, Cẩm Mỹ duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức khá (trung bình 13,84%/năm). Nếu như thu nhập bình quân tính theo đầu người năm 2010 mới chỉ đạt 12,3 triệu đồng/người/năm thì đến nay đã được nâng lên trên 16,5 triệu đồng/người/năm. Ngoài duy trì được tốc độ tăng trưởng khá trong điều kiện khó khăn chung, huyện còn đảm bảo được sự chuyển dịch đúng hướng theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II (nhiệm kỳ 2010-2015). “Việc duy trì được tốc độc tăng trưởng khá, đồng thời tận dụng tối đa các nguồn đầu tư của tỉnh là điều kiện then chốt để Cẩm Mỹ đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới” - ông Lộc nói.
Để có được tốc độ tăng trưởng khá, từ cuối năm 2010 đến nay, Huyện ủy Cẩm Mỹ đã chỉ đạo rà soát lại lĩnh vực phát triển nông nghiệp, đưa ra những giải pháp có tính đột phá, như hỗ trợ nông dân đào giếng khoan lấy nước, kéo điện ra đồng phục vụ tưới cây trồng, giúp nông dân chuyển đổi cây trồng năng suất cao thay thế cho giống cũ và vườn cây già cỗi, đồng thời cán bộ khuyến nông huyện thường xuyên có mặt ở các xã để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Huyện Cẩm Mỹ còn hỗ trợ nông dân vay các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn để đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Trưởng phòng nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Thắng cho biết 3 năm trở lại đây, mỗi năm huyện phát triển được thêm gần 70 hécta diện tích chuyên canh cây hàng năm và 260 hécta cây lâu năm. Đến nay, huyện đã chuyển đổi thành công gần 520 hécta đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng bắp năng suất cao.
* Đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới
Là huyện được chia tách và thành lập cách đây gần 10 năm, Cẩm Mỹ có diện tích rộng với hệ thống đường giao thông khá phức tạp. Đến nay, phần lớn các tuyến đường trên địa bàn huyện đã được đầu tư trải nhựa giúp cho việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân thuận lợi hơn trước. Bà Lương Thị Vần (ngụ ấp 9, xã Nhân Nghĩa) cho rằng: “Bây giờ ra đường mừng nhất là giao thông thuận tiện, trường lớp của con em cũng hiện đại hơn trước, việc mua bán thuận tiện nên chúng tôi khá hài lòng”.
Huyện Cẩm Mỹ đã chọn 3/13 xã để xây dựng nông thôn mới là Xuân Đường, Bảo Bình và Xuân Bảo. Đối chiếu với 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Xuân Đường đã đạt 14/19 tiêu chí, Bảo Bình và Xuân Bảo cùng đạt 10/19 tiêu chí. |
Theo Bí thư Đảng ủy xã Bảo Bình Võ Văn Gẩm, xã được chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới của huyện nên Đảng ủy, chính quyền và người dân đã không bỏ lỡ cơ hội này để có thể về đích sớm. Hiện xã đã hoàn thành 10/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng. Xã cũng đã hoàn thành cơ bản các tuyến đường liên ấp với số tiền gần 3 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và người dân tự nguyện đóng góp. Ngoài ra, người dân trong xã còn đóng góp với ngành điện trên 110 triệu đồng để kéo 2,55km đường điện trung thế và 320 triệu đồng để kéo 1,5km đường điện hạ thế phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Phó bí thư thường trực Huyện ủy Cẩm Mỹ Nguyễn Thanh Bình cho biết, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp với mục tiêu tăng trưởng bình quân 8%/năm, trong đó đến cuối 2015 ngành chăn nuôi sẽ chiếm trên 40% tỷ trọng của ngành nông nghiệp. Khâu đột phá được huyện Cẩm Mỹ chọn là xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ và trang trại kết hợp với ứng dụng khoa học - kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. “Khi có được một nền nông nghiệp tập trung, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại thì thương hiệu và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản mà nông dân tạo ra sẽ có giá trị kinh tế lớn. Thu nhập người dân được nâng lên thì đời sống và bộ mặt nông thôn của huyện sẽ tự động thay đổi” - đồng chí Nguyễn Thanh Bình nói.
Công Nghĩa